Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh
Góp phần “giữ chân” nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập
Thứ sáu: 07:43 ngày 27/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện các bệnh viện công thiếu 145 bác sĩ, thiếu 25 bác sĩ so với năm 2022 (120 bác sĩ), trong khi đó, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện tư nhân chiếm số đông do chế độ chính sách, ưu đãi tốt hơn các bệnh viện công lập.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - ICU Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh là một trong những chính sách quan trọng của tỉnh để thu hút và phát triển nguồn nhân lực khu vực công.

Thực hiện nghị quyết này, riêng đối với việc hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế vẫn còn một số vướng mắc trong xác định đối tượng và nguồn kinh phí đối với ngành Y tế.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Sở Nội vụ phối hợp sở Y tế và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 47. Cụ thể, căn cứ theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập và Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong đơn vị sự nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện xác định được đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 47.

Ngoài ra, tại Điều 22 của Nghị quyết 47 có quy định “hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế: được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được sử dụng nguồn thu để hỗ trợ hằng tháng đối với bác sĩ, viên chức và người được ký hợp đồng lao động đối với vị trí việc làm là viên chức y tế theo quy định của pháp luật; nếu đơn vị có chênh lệch thu nhỏ hơn chi thì ngân sách Nhà nước cấp bù”.

Về nội dung này, sau khi xác định những vấn đề tự chủ, xác định mức tự chủ tài chính đối với từng đơn vị khám, chữa bệnh theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thì ngành Y tế xác định là nguồn thu từ khám, chữa bệnh không đủ để bảo đảm thực hiện được chính sách do Nghị quyết số 47 ban hành. Do đó, ngành Y tế đã đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ hết toàn bộ kinh phí thực hiện chế độ theo quy định tại Nghị quyết số 47 và đề xuất bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để cho ngành Y tế thực hiện Nghị quyết số 47.

Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nghị quyết số 47 ban hành có hiệu lực từ cuối năm 2022 nhưng việc thực hiện còn lấn cấn ở chỗ đối tượng thụ hưởng và quy định lấy nguồn chi tự chủ của đơn vị. Hiện nay, hai “nút thắt” này cơ bản đã giải quyết xong, Bệnh viện ĐKTN cũng đã lập danh sách đợt 1 (tính đến ngày 31.8.2023) gửi về Sở Y tế và sẽ tiếp tục rà soát bổ sung danh sách đợt 2 để làm căn cứ cho việc thực hiện chính sách này cho nhân viên y tế trong thời gian sớm nhất theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.

Trước đó, qua đợt khảo sát của HĐND tỉnh tại Bệnh viện ĐKTN, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và Trung tâm Y tế huyện Tân Châu hồi tháng 3.2023, các cơ sở y tế đều phản ánh tình trạng thiếu bác sĩ, chuyên gia giỏi, nhân viên kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, lực lượng hỗ trợ phục vụ (tài xế, hộ lý...), nhiều nhất ở chuyên ngành điều dưỡng với hơn 400 chỉ tiêu, gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân toàn diện, khó đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, Bệnh viện ĐKTN thiếu 10 bác sĩ và gần 100 điều dưỡng; Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thiếu 49 biên chế; Trung tâm Y tế huyện Tân Châu thiếu 68 biên chế.

Do chính sách lương, thưởng, phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm ngành Y còn thấp khiến nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc; tình trạng vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên; giá dịch vụ y tế chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại, các đơn vị phải bù lỗ do thu không đủ chi; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tồn đọng, phát sinh nhiều vấn đề liên quan tài chính, nhiều đơn vị chưa thanh toán công nợ thuốc từ năm 2018 đến 2021.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tân Biên thăm khám bệnh nhân.

Một nguyên nhân nữa là chính sách thu hút nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng, nhân viên hỗ trợ phục vụ tại các cơ sở y tế công lập chưa được hướng dẫn cụ thể; công tác tuyển dụng nhân viên Y tế còn nhiều bất cập, người lao động chưa thật sự an tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành Y, chưa thu hút đội ngũ trẻ về công tác tại tỉnh nhà. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, nhất là đội ngũ có kinh nghiệm, tay nghề cao.

Thống kê năm 2023, ngành Y tế giảm 662 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị tự chủ còn 1.398 người (theo Nghị quyết số 105 của HĐND tỉnh ngày 20.7.2023). Hiện các bệnh viện công thiếu 145 bác sĩ, thiếu 25 bác sĩ so với năm 2022 (120 bác sĩ), trong khi đó, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện tư nhân chiếm số đông do chế độ chính sách, ưu đãi tốt hơn các bệnh viện công lập.

Do đó, việc tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ nhân viên y tế theo Nghị quyết số 47 là rất quan trọng, thiết thực giúp ổn định đời sống, góp phần “giữ chân” nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

Phương Thuý - Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục