Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9.11:
Góp phần lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật
Thứ tư: 05:33 ngày 09/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đây là ngày khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.

Ngày 9.11 là ngày bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam được ban hành nên Việt Nam chọn làm Ngày Pháp luật. Về cơ sở pháp lý, Ngày Pháp luật được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2013).

Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định:Ngày 9.11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. 

Đây là ngày khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Luật pháp là yêu cầu không thể thiếu của mỗi quốc gia. Không có luật hoặc luật ban hành không đầy đủ, kịp thời, khi đó có những mối quan hệ xã hội không có luật pháp điều chỉnh, có những vấn đề nảy sinh từ thực tế không có cơ sở pháp lý để giải quyết, xã hội sẽ rất dễ dẫn đến hỗn loạn, khó kiểm soát.

Mặc dù pháp luật là điều kiện cần, nhưng điều quan trọng hơn là pháp luật phải đi vào cuộc sống thì mới thực sự có ý nghĩa. Do đó, cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.

Pháp luật sau khi ban hành phải được tổ chức triển khai phổ biến đến cho toàn dân để mọi người hiểu biết và thực hiện. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Năm 2022 là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật. Để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm thực hiện, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức sự kiện quan trọng này bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. 

Về phía Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.

Qua theo dõi của Sở Tư pháp– cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, thời gian qua nhất là trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã có rất nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, nhóm đối tượng, như: tổ chức sinh hoạt nội dung, ý nghĩa Ngày Pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức các các cuộc diễu hành, xe loa, thực hiện pa-nô, băng-rôn, áp phích, cờ phướn… tuyên truyền về Ngày Pháp luật; tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về Ngày pháp luật, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như: pháp luật dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, đất đai, giao thông...; phát hành tài liệu tuyên truyền cho các đối tượng đặc thù (như lực lượng công nhân, người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, đồng bào dân tộc thiểu số…); tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý.

Hình thức và các kênh truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phong phú, đa dạng. Các sở, ngành, địa phương đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực, như: Mô hình “Cà phê miễn phí với pháp luật” tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh niên; mô hình “Câu lạc bộ pháp luật” tuyên truyền pháp luật trong hội viên Hội Phụ nữ; mô hình “Rung chuông vàng” thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh.

Bên cạnh đó, các chương trình tuyên truyền pháp luật trên Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, fanpage của Tỉnh đoàn, hệ thống thông tin cơ sở (chương trình “Tư vấn pháp luật”, “Pháp luật với đời sống”, “Gặp gỡ Luật sư”, “Thanh niên và pháp luật”…) là những chương trình mới, sinh động được thực hiện trên Báo, Đài, hệ thống thông tin cơ sở, trang mạng xã hội… đã thu hút được sự tham gia đông đảo của mọi người dân, nhất là đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên. 

Đặc biệt là trong năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Việc tuyên truyền pháp luật được tăng cường thực hiện trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân, các sở, ban, ngành tỉnh; các trang mạng zalo, facebook, fanpage; tủ sách pháp luật điện tử… đã kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

Có thể nói, Ngày Pháp luật được địa phương tổ chức thực hiện không chỉ trong một ngày 9.11 mà xuyên suốt trong cả năm với nhiều hoạt động thiết thực. Tinh thần của Ngày Pháp luật, tinh thần thần thượng tôn pháp luật đã và đang được lan toả ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó đã có những đóng góp tích cực, có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Phạm Văn Đặng

(Giám đốc Sở Tư pháp- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh)

 

Báo Tây Ninh
luật hôn nhân luật hôn nhân và gia đình
Tin cùng chuyên mục