Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
10 năm đưa hàng Việt về nông thôn:
Góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội
Thứ sáu: 00:31 ngày 12/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen mua sắm, đồng thời, nhà phân phối, bán hàng cũng dần thay đổi tư duy trong kinh doanh.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Tại Tây Ninh, cuộc vận động được triển khai ngay thời điểm hàng hoá do các doanh nghiệp (DN) trong nước, trong tỉnh sản xuất đang mất dần thị phần, do hàng ngoại tràn ngập trên thị trường, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Để giúp DN giữ vững sản xuất, ổn định kinh doanh, Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã có nhiều giải pháp thiết thực, nỗ lực kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm sử dụng các sản phẩm trong nước sản xuất. Về phía người kinh doanh, việc đưa hàng hoá nội địa lên quầy, sạp cũng được chú trọng hơn với 85% - 90% là hàng hoá do DN trong nước sản xuất.

Đến nay, hàng Việt đã chiếm ưu thế tại các hệ thống siêu thị với mặt hàng khá đa dạng. Các mặt hàng điện tử có xuất xứ trong nước cũng được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận hơn.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết: “Từ khi có mặt tại Tây Ninh, Co.opMart luôn có chủ trương ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam. Trên 95% sản phẩm tại siêu thị đều có nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam”.

Hiện nay, hàng Việt cũng đã “chiếm lĩnh” các chợ truyền thống, các cửa hàng bán lẻ. Bà Lê Thị Mỹ Thọ, tiểu thương tại chợ thành phố Tây Ninh cho biết: “Chất lượng hàng Việt Nam đã trội hơn trước rất nhiều. Có những món hàng của Việt Nam có giá cao hơn so với hàng ngoại nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Trước kia tại tiệm của tôi, hàng Việt chỉ chiếm khoảng 30% đến 40% nhưng bây giờ khoảng 70%”.

Đặc biệt, trong những năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng quen thuộc với người dân vùng sâu, vùng xa và công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây thật sự là cầu nối doanh nghiệp đến gần với người tiêu dùng. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các huyện và một số ban, ngành đơn vị liên quan đã tổ chức 26 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” với gần 350.000 lượt người đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu hơn 40 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp còn tích cực đưa hàng về nông thôn với các chương trình giảm giá cho người nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng. Từ năm 2012 đến nay, hệ thống siêu thị Co.opMart và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 225 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu gần 8 tỷ đồng.

Theo Sở Công Thương, sau 10 năm triển khai cuộc vận động, tỷ trọng hàng hoá, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường chiếm 85%-90%. Dư luận xã hội rất đồng tình với cuộc vận động, cho đây là một chủ trương có ý nghĩa rất lớn, vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, vừa khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục