Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 1.8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý và hệ thống nhận diện thương hiệu nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh".
Hội thảo góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý và hệ thống nhận diện thương hiệu nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh".
Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh.
Tây Ninh là một trong những tỉnh phía Nam có số lượng đàn bò thương phẩm tương đối lớn do điều kiện thuận lợi về đất đai, đồng cỏ rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Nhờ các điều kiện tự nhiên đặc thù, con bò nuôi ở Tây Ninh được thị trường đánh giá là có chất lượng cao hơn nhiều địa phương khác (giống bò ta vàng là giống gốc tại Tây Ninh), trong đó, dễ nhận biết nhất là thịt bò có độ mềm và thơm ngon hơn. Nhờ vậy, giá bò thịt ở Tây Ninh luôn cao hơn các địa phương khác.
Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành chăn nuôi bò trên địa bàn, trong đó, chú trọng khai thác vai trò của công cụ sở hữu trí tuệ trong nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nổi bật là đề tài "Xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh".
Đến nay, hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh" đã được đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK) hoàn thành và nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ, Cục đã ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và đang hoàn thiện giai đoạn thẩm định nội dung để cấp văn bằng bảo hộ. Ngoài ra, các nội dung công việc khác của đề tài liên quan đến xây dựng hệ thống công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được đơn vị tư vấn triển khai thực hiện.
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK giới thiệu các nội dung về: hệ thống mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh"; dự thảo hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh" gồm: hướng dẫn trình tự cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh", hướng dẫn về kiểm soát tuân thủ đối với người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh", hướng dẫn sử dụng các dấu hiệu nhận diện của hệ thống nhận diện thương hiệu nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh", hệ thống biểu mẫu phục vụ công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh"; giới thiệu hệ thống nhận diện thương hiệu nhãn hiệu chứng nhận "Bò Tây Ninh".
Đại diện Trung tâm Khuyến nông phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo góp ý các nội dung về thời gian làm thủ tục hành chính; cần làm rõ những từ viết tắt trong văn bản; tiêu chí về chất lượng sản phẩm thịt bò chưa phù hợp; những tiêu chí về lý hoá, vi sinh đối với sản phẩm thị bò cần ghi cụ thể hơn; các sản phẩm từ thịt bò rất nhiều, cần nghiên cứu kỹ để khi triển khai không bị lúng túng...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh” có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh. Nhãn hiệu chứng nhận sau khi được tạo lập sẽ là căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp hàng hoá giả mạo nguồn gốc xuất xứ bò Tây Ninh trên thị trường, giúp sản phẩm bò Tây Ninh nâng cao danh tiếng, giá trị, có vị thế vững chắc hơn trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con.
Ông đề nghị Trung tâm CIPTEK tiếp thu ý kiến từ các đại biểu, rà soát hoàn thiện các nội dung, nhanh chóng gửi hồ sơ hoàn thiện để phối hợp thống nhất với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành ký và ban hành các văn bản quản lý sử dụng, hệ thống nhận diện nhãn hiệu chứng nhận theo quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục theo dõi hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ, triển khai tiếp các nội dung công việc còn lại theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt.
Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, các chủ thể để cùng rà soát hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản quản lý, hệ thống nhận diện thương hiệu để tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm, cấp quyền quản lý và vận hành quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận sau này.
Các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm Bò Tây Ninh tiếp tục tham gia các lớp tập huấn và đăng ký tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để nắm bắt các quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Ông Mấy đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chi cục trong việc tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, vai trò của nhãn hiệu chứng nhận; nâng cao ý thức tuân thủ quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, tích cực tham gia vào quá trình vận hành mô hình quản lý; hỗ trợ Chi Cục trong việc góp ý hoàn thiện mô hình quản lý, hệ thống công cụ quản lý và bộ nhận diện thương hiệu nhãn hiệu chứng nhận; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề nghị xử lý các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận sau khi được bảo hộ.
Giang Hà