Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Grab mua Uber VN không trả thuế, pháp luật “bó tay”?
Chủ nhật: 20:36 ngày 20/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thực tế cho thấy, pháp luật đang ở thế bị động trong cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là khi xuất hiện những vấn đề trong thương vụ Uber sát nhập Grab và vụ tiền ảo iFan lừa đảo 15.000 tỷ đồng.

Chiều 18/5, tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo hoa học Đánh giá tình hình nghiên cứu và xác định nhu cầu nghiên cứu tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với hệ thống pháp luật. Tham dự buổi hội thảo có các chuyên gia, các nhà quản lý đầu ngành trong lĩnh vực tư pháp và khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đồng nhất quan điểm trong việc khẳng định Internet và các dịch vụ trên Internet đang ngày càng phát triển và có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội.

Cùng với Internet, sự tham gia của các mô hình kinh tế mới cũng nắm vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới. Điều này đòi hỏi luật pháp phải thay đổi không ngừng để theo kịp bước tiến của khoa học kỹ thuật, đồng thời tạo cơ sở cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới tại Việt Nam.

Grab mua Uber không trả thuế, pháp luật “bó tay”

Theo tiến sỹ Trần Thị Quang Hồng – Trưởng Ban nghiên cứu pháp luật – Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), một trong những ví dụ rõ ràng nhất để minh hoạ cho điều này là trường hợp của Grab và Uber.

Mới đây, Grab đã thực hiện thành công thương vụ thâu tóm Uber. Grab và Uber là hai tên tuổi lớn nhất trên thị trường ứng dụng gọi xe. Việc sáp nhập của hai doanh nghiệp này khiến nhiều người quan ngại rằng thị trường sẽ mất tính cạnh tranh và Grab trở nên độc quyền.

Các nhà nghiên cứu đang cùng nhau thảo luận về sự tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với hệ thống pháp luật tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Trước quan điểm đó, tiến sỹ Trần Thị Quang Hồng cho rằng, không hẳn cứ phải cung cấp các dịch vụ cùng chung tên gọi mới là cạnh tranh. Việc tồn tại hai dịch vụ, hai sản phẩm có thể thay thế được cho nhau trên thị trường cũng đã là cạnh tranh rồi. Chúng ta hay tranh cãi về việc Uber, Grab có phải taxi hay không, trong khi đối với thị trường, điều này là không cần thiết, tiến sỹ Hồng chia sẻ.

“Để kiểm soát cấu trúc thị trường, việc hai doanh nghiệp sáp nhập thành một là một sự vụ rất nghiêm trọng. Tuy nhiên khi Uber và Grab sát nhập lại với nhau ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng không kiểm soát được gì cả”, tiến sỹ Hồng cho biết.

Sau khi thương vụ hoàn tất, đại diện Grab Việt Nam cho rằng họ không liên quan đến khoản tiền mà Cục thuế TP HCM đang truy thu Uber. "Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber. Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam - đơn vị phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế", đại diện Grab nói.

Theo tiến sỹ Hồng, Grab trả lời rằng họ sẽ không trả khoản tiền nợ thuế cho Uber. “Điều này khiến nhà nước thất thoát trong khi theo truyền thống, nếu tiếp quản một doanh nghiệp khác, anh phải tiếp quản cả quyền và nghĩa vụ. Mặc dù vậy, nhà nước cũng chưa chắc đã làm được gì để bắt Grab thực hiện nghĩa vụ này”.

Vị tiến sỹ luật này cũng dẫn chứng một trường hợp khác, đó là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo iFan và Pincoin. Theo quan điểm của tiến sỹ Hồng, cả bà và nhiều người khác nữa đều rất lạ lẫm với khái niệm Bitcoin, thế nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều người đã tham gia vào vụ lừa đảo lên đến 15.000 tỷ này. Do vậy, bà Hồng đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng kẻ xấu đã nhanh chân hơn so với các nhà quản lý?

Từ những ví dụ trên, bà Hồng cho rằng có rất nhiều thách thức đối với các nhà quản lý mà hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ phải giải quyết do sự tác động của cuộc CMCN 4.0. “Nhiều người cho rằng Nhà nước đang bị động, nghiên cứu pháp luật chính là cơ hội để Nhà nước tìm ra giải pháp và dành lại thế chủ động”, bà Hồng chia sẻ.  

CMCN 4.0 làm phân hoá giai cấp và bất bình đẳng xã hội

Theo PGS.TS Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật, ĐHQG HN), các nghiên cứu về pháp luật của Việt Nam và thế giới còn rất thận trọng và hạn chế trước sự phát triển của CMCN 4.0. Điều này đã dẫn tới những hậu quả rất lớn.

“Cuộc CMCN 4.0 mang tới những ảnh hưởng vô cùng lớn với sự xuất hiện của các phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường và các công nghệ mới. Điều này dẫn đến việc vai trò, năng lực quản lý của Nhà nước đối với các phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hoàn toàn thay đổi”, ông Tuấn chia sẻ.

Hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ phải nhanh chóng thay đổi để thích nghi với các tác động của cuộc CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Đạt

PGS.TS Đặng Minh Tuấn cũng cho rằng, CMCN 4.0 làm thay đổi và phân hoá giai cấp rất rõ ràng. CMCN 4.0 làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng xã hội và kéo theo hàng loạt những biến động về kinh tế, chính trị, thuế và các vấn đề an ninh. Điều này dẫn đến sự thay đổi vô cùng lớn liên quan đến vấn đề quan niệm, cách tiếp cận, chức năng và vai trò của nhà nước.

Điều này đặt ra câu hỏi rằng, Nhà nước cần phải có chức năng gì và vai trò như thế nào nhằm giảm phân hoá và đảm bảo sự công bằng xã hội. Theo PGS.TS Đặng Minh Tuấn, CMCN 4.0 thúc đẩy sự tương tác hai chiều giữa người dân và Nhà nước, tăng sức mạnh giám sát, lãnh đạo, điều tiết nền kinh tế.

“Mặc khác, các vấn đề về công nghệ đều rất khó kiểm soát. Do đó, nó kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội và đảm bảo quyền con người”, PGS.TS Đặng Minh Tuấn chia sẻ.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), CMCN 4.0 hay 5.0 đều phải được xây dựng trên một nền tảng giá trị cấu trúc xã hội trường tồn, bất di bất dịch.

“Đó là những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề. Dù với bất kỳ công nghệ nào, đều quy về các vấn đề cơ bản để giải quyết dưới khía cạnh pháp luật”.

“Chúng ta cần giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn để tìm được câu trả lời về việc chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu trong các hoạt động nghiên cứu pháp luật”, GS.TS Lê Hồng Hạnh chia sẻ.

Nguồn vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục