Là người khởi xướng và trực tiếp tham gia điều hành trang mạng Học Thế Nào, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, việc xuất hiện những nhóm dân sự tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tế đời sống đặt ra là dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực giáo dục.
GS Ngô Bảo Châu.
Trao đổi với Tiền Phong nhân dịp đón xuân Giáp Ngọ, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ:
Hiểu theo một nghĩa nào đó thì bản thân tôi cũng là người trong cuộc nên hiểu rất rõ việc dạy học hay làm chính sách giáo dục không hề đơn giản. Vì vậy chúng tôi không có có ý định áp đặt hay gây rối trí các nhà quản lý, cũng như không muốn chứng tỏ rằng “tôi đúng” và “anh sai”.
Chúng tôi chỉ muốn dành thời gian và công sức một cách hoàn toàn thiện nguyện để nghiên cứu hiện trạng giáo dục nước nhà, so sánh với giáo dục của các nước, và đưa ra một số ý kiến.
Tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để góp ý kiến xây dựng bởi nhà nước đang tiến hành xây dựng các chính sách nhằm đổi mới toàn diện căn bản giáo dục và đào tạo.
Ngoài nhóm Học Thế Nào, hiện nay có nhiều nhóm dân sự cùng tham gia tìm đường đổi mới giáo dục. Giáo sư nghĩ thế nào về việc này?
Tôi nghĩ sự xuất hiện của các nhóm dân sự trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là một dấu hiệu tích cực. Điều quan trọng là làm như thế nào để có những nhóm xã hội dân sự hoạt động tích cực, hiệu quả và lành mạnh!
Giáo sư có hy vọng lắm vào hướng đi của các nhóm dân sự hiện nay?
Nhóm có tuổi đời lâu năm nhất hiện là nhóm Cánh Buồm của thầy Phạm Toàn. Tôi nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực ở nhóm đó. Trước hết, nhóm đã tồn tại với thời gian, và ở đâu cũng vậy, đây là điều khó nhất.
Anh làm được điều gì đó và nó tồn tại được 5 - 6 năm đã là một cái đáng kể! Thứ hai là nhóm có sản phẩm, dù sản phẩm đó có thể có người thích, có người không thích. Cá nhân tôi đã đọc những bộ sách đó và tôi thích, chỉ thắc mắc là có dễ dạy hay không, nhưng đây là chuyện khác.
Tôi nhận thấy có sự đầu tư suy nghĩ, nghiên cứu trong những cuốn sách của nhóm. Như vậy hướng đi của nhóm Cánh Buồm không phải bàn nữa, họ đặt ra mục tiêu làm sách giáo khoa theo tư tưởng giáo dục của họ và hiện đã đi được quá nửa quãng đường.
Giáo sư Phạm Toàn (áo trắng) đang giới thiệu bộ SGK mới.
Câu hỏi hiện thời là liệu họ còn miệt mài bao lâu nữa đi con đường đó? Sản phẩm của nhóm được những người làm giáo dục, được xã hội đón nhận thế nào?
Theo quan sát của tôi thì dường như chưa được đón nhận lắm. Nhưng điều này chưa chắc đã phản ánh được chất lượng công việc của họ.
Tôi nghĩ trong lĩnh vực giáo dục, tinh thần bảo thủ rất lớn. Cái đó không hẳn đã là xấu, nhiều khi người ta không biết cái tốt hơn nom như thế nào nên cứ phải chờ vào thời gian.
Ở Việt Nam từ lâu đã có loại hình đào tạo mở nhưng dường như không hiệu quả, thậm chí còn nhiều suy nghĩ tiêu cực khi nói đến “đào tạo từ xa”, “đào tạo mở”? GS nghĩ thế nào về xu hướng giáo dục trực tuyến mà Giáp Văn Dương đang tiếp cận?
Tôi đồng ý là không ít những mô hình giáo dục trực tuyến, giáo dục qua mạng đi theo hướng tiêu cực, nói một cách cực đoan là “mua bán bằng cấp”.
Nhưng hướng mà Giáp Văn Dương đang làm không hề như thế. Giáp Văn Dương là một người đầy nhiệt huyết. Anh Dương mong muốn tạo một con đường chuyển tải tri thức của nhân loại đến với người Việt. Theo tôi, mong muốn này rất đáng trân trọng. Cách mà Giáp Văn Dương làm là xây dựng cổng mở Giapschool. Dương có thành công hay không? Hiện tại chưa có gì chắc chắn, bởi còn nhiều điều Dương phải chứng minh, nhiều việc phải làm.
Nhưng việc đầu tư cho giáo dục trực tuyến như Giáp Văn Dương có quá phiêu lưu?
Tôi nghĩ đó là một cuộc chơi, là một sự cá cược mà trong đó hàm chứa thất bại lớn nhưng mà phần thưởng, nếu thành công, cũng rất lớn. Cái mà tất cả chúng ta đều đồng ý là giáo dục trực tuyến sẽ thay đổi, nhưng thay đổi ra sao và phải làm như thế nào thì tất cả mọi người đều mù mờ…
Không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng rất mù mờ, chưa ai biết mô hình nào sẽ tồn tại với thời gian? Làm thế nào để trực tuyến mà không phải là ảo? Làm sao để người ta vẫn đi học thật? Chắc chắn còn phải tiếp tục qua vài lần lột xác nữa chúng ta mới thấy rõ được diện mạo thực sự của giáo dục trực tuyến. Không còn cách nào khác là phải làm rồi mới biết được nó thế nào.
Theo tôi biết, ở Việt Nam hiện không chỉ có Giáp Văn Dương mà còn có một số nhóm khác tác động vào giáo dục qua con đường trực tuyến. Nhóm của Lê Anh Vinh (người trẻ nhất vừa được phong hàm Phó Giáo sư năm 2013 - PV) chẳng hạn.
Dù cách làm của nhóm này có lẽ truyền thống hơn nhưng tôi nghĩ cũng rất tốt. Giáp Văn Dương và những nhóm làm giáo dục trực tuyến không còn cách nào khác là kiên trì đi theo con đường mà họ đã tự lựa chọn cho mình, mặt khác luôn luôn phải sẵn sàng để tự cải cách nếu cảm thấy cách đang làm có gì đó chưa ổn.
Nghĩa là khi phải đối mặt với thất bại thì phải dũng cảm thay đổi cách mình làm, vì rõ ràng chưa có gì chứng tỏ những cách làm như của Giáp Văn Dương, của nhóm Lê Anh Vinh, của nước ngoài như Khan- Academy… là những mô hình tương lai.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đang ở trong phòng thí nghiệm. Và như vậy chắc chắn sẽ có nhiều thất bại, nhưng cũng sẽ gặt hái rất thành công. Để làm sao tồn tại cho đến khi mô hình giáo dục trực tuyến ổn định và được công nhận một cách phổ quát thì những người đi theo con đường đó phải kiên nhẫn, đồng thời luôn luôn phải suy nghĩ thay đổi cách làm của mình theo mô hình chung của thế giới.
Cảm ơn GS Ngô Bảo Châu!
Theo Mai Lâm - Quý Hiên
Tiền Phong