Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
GS Nguyễn Văn Tuấn: Bảng xếp hạng khiến nhiều đại học thức tỉnh
Thứ hai: 15:59 ngày 11/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các đại học phải làm quen với văn hóa xếp hạng. Nhờ nó, nhiều trường đang còn tự ru ngủ phải thức dậy và nhìn lại mình.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia), chia sẻ về bảng xếp hạng 49 đại học của Việt Nam. 

Tôi nghĩ bảng xếp hạng đại học mới công bố đã làm cho nhiều người "sáng mắt" ra, khiến các đại học lâu đời không còn tự huyễn hoặc mình nữa. Có đại học tự xem mình là Harvard của Việt Nam, nhưng bất cứ ai quan tâm đến nghiên cứu khoa học thì đều biết đó là một sự tự xưng quá đáng.

Có đại học tự xem mình là số một vì được báo chí PR và đám đông công chúng chấp nhận, nhưng nếu đặt họ trên những thước đo lạnh lùng của khoa học thì đánh giá đó không đúng. Cái hay của bảng xếp hạng là nó làm cho những đại học đang còn tự ru ngủ hay tự huyễn hoặc phải thức tỉnh và nhìn lại mình.

GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá đại học lâu đời ở Việt Nam có thành tích nghiên cứu khoa học kém hơn các đại học mới. Ảnh: NVCC

Ở nước ngoài cũng thế, khi có nhóm độc lập đánh giá và xếp hạng, nhiều đại học ban đầu cho rằng không chính xác, nhưng theo thời gian họ phải chấp nhận sự thật. Các đại học ở Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận để tự thay đổi. 

Về dữ liệu, tôi nghĩ đại học đã công khai, và nếu có sai thì họ phải chịu trách nhiệm, chứ sao lại trách nhóm xếp hạng? Còn số liệu về công bố khoa học quốc tế thì không thể nào sai được, vì nhóm xếp hạng dựa vào dữ liệu của ISI và Scopus.

Trước đây, tôi cũng dùng bộ dữ liệu này để phân tích về nghiên cứu khoa học Việt Nam, và kết quả của tôi rất nhất quán với bảng xếp hạng đại học của nhóm nghiên cứu độc lập. Các đại học lâu đời và được Nhà nước ưu ái đầu tư thật ra có thành tích nghiên cứu khoa học kém và năng suất kém hơn đại học mới.

Nghiên cứu khoa học là tiêu chí quan trọng

Cách thức xếp hạng đại học tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, bảng xếp hạng ARWU của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) có mục tiêu chính là "đánh thức" các đại học ở nước này, cho thấy nghiên cứu khoa học của họ kém như thế nào so với đại học khác trên thế giới. Đó chính là lý do bảng xếp hạng này đặt ra những tiêu chí rất cao trong nghiên cứu khoa học. 

Tôi nghĩ trong môi trường đại học đang nở rộ ở Việt Nam, việc giúp công chúng phân biệt và nhận dạng những đại học có thành tích trong nghiên cứu khoa học và đào tạo rất cần thiết. Do đó, tôi đồng ý với các tiêu chuẩn của nhóm xếp hạng đưa ra (nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất và quản trị). Tuy nhiên, các trọng số cho mỗi tiêu chuẩn trong bộ tiêu chí thì cần nghiên cứu nhiều hơn nữa để hoàn thiện.

Hiện nay, chưa đại học Việt Nam nào có mặt trong các bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới như ARWU hay QS (Quacquarelli Symonds). Một trong những lý do là các đại học Việt Nam còn rất kém trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong công bố quốc tế và tác động trong chuyên ngành. Vì vậy, tôi nghĩ bảng xếp hạng đại học nội địa là một cách để các đại học làm quen với "văn hoá xếp hạng".

Một bảng xếp hạng như thế, nếu dựa trên những tiêu chí hợp lý và đúng phương pháp, sẽ giúp công chúng biết được sự thật đằng sau những quảng bá và những tự hào thiếu cơ sở khoa học của các trường đại học. Bảng xếp hạng cũng có thể giúp Nhà nước nhận ra những đại học hàng đầu và xứng đáng được đầu tư, đồng thời thúc đẩy các đại học cải thiện việc quản lý nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Không có một bảng xếp hạng nào là hoàn chỉnh, và cũng chẳng có một bộ tiêu chí nào mà các đại học đều đồng thuận, vì mỗi trường có những sứ mệnh và chương trình đào tạo khác nhau. Nhưng việc xếp hạng đại học là cần thiết. Muốn hay không muốn thì các bảng xếp hạng đại học vẫn tồn tại và đó là những điểm tham khảo của công chúng và đại học trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận những mặt trái của việc xếp hạng đại học. Các trường có thể dồn tài lực cho nghiên cứu khoa học, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc đào tạo. Bên cạnh đó, ở nước ngoài đã có trường hợp hiệu trưởng bị cách chức hay cho về hưu sớm vì thứ hạng đại học bị tụt giảm. Do vậy, nhiều đại học có thứ hạng thấp có thể dùng những biện pháp phi chính thống để nâng cao thứ hạng lần tới. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đồng thời là giáo sư ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Notre Dame Australia, nhận được nhiều lời mời giảng và hợp tác nghiên cứu từ các trường, viện của Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông có hơn 250 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục