Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hà Giang - Giữ gìn, phát huy nghề dệt vải lanh truyền thống
Thứ tư: 09:28 ngày 07/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mảnh đất địa đầu cực Bắc hội tụ đa sắc màu văn hóa, trong đó người Mông được xem là chủ thể chính với nền văn hoá giàu bản sắc và có truyền thống lâu đời.

Người Mông vẫn luôn bảo rằng “chỉ có mặc vải lanh mới không lạc tổ tiên”. Vì thế, vải lanh không chỉ đơn thuần là một sản phẩm văn hóa độc đáo mà còn chứa đựng quan niệm tâm linh riêng biệt.

Hiện nay, nghề dệt vải lanh đang trở thành nghề góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào biên cương.

Dệt vải lanh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Mông.
Nghề truyền thống độc đáo

Đối với người Mông ở Hà Giang, dệt lanh đã trở thành nghề gắn liền với đời sống của người dân, dù bản thân họ không nhớ rõ đã có từ khi nào. Chỉ biết rằng, gần như nhà nào cũng tự biết dệt vải lanh. Người lớn tuổi bảo người nhỏ tuổi, người biết bảo người chưa biết.

Cứ thế, đến khi họ tự làm ra những tấm vải lanh phục vụ gia đình. Nếu như người đàn ông dân tộc Mông cường tráng, khỏe khoắn đưa lưỡi cày qua nương đá và có tài múa khèn thì phụ nữ Mông lại giỏi nghề dệt lanh, may áo váy.

Để hoàn thành một sản phẩm từ lanh phải mất vài tháng, thậm chí cả một năm ròng, trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ và nhiều công đoạn khó, đòi hỏi sự nhẫn nại, bền bỉ của người phụ nữ từ khâu trồng lanh, thu hoạch, phơi khô, bóc vỏ, se sợi, lên khung, dệt vải, nhuộm chàm...

Vì thế, dệt lanh được xem như một tiêu chí đánh giá đức hạnh người phụ nữ Mông và cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến cách chọn vợ của chàng trai Mông. Lâu nay người Mông vẫn truyền tai nhau câu nói: “Con gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Vợ giỏi đến mấy không biết thêu lanh cũng tồi”.

Con gái Mông từ nhỏ đã được người thân trong gia đình dạy cách dệt lanh, khi lớn lên đều biết tự trồng lanh, dệt vải, may áo cho mình. Người Mông biết cách tận dụng thiên nhiên làm nét đẹp của thổ cẩm thông qua việc lấy những sản phẩm có từ thiên nhiên để chế tác. Ðó là cây lanh cho sợi dệt, cây chàm cho màu nhuộm.

Người phụ nữ thường tranh thủ se lanh, dệt vải vào những lúc nông nhàn. Vì thế, có thể dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Mông trong lúc lên nương, xuống chợ, trên lưng đeo quẩy tấu nhưng đôi tay chai sần vẫn miệt mài với công việc nối, cuộn sợi lanh.

Vào dịp lễ hội, những bộ trang phục được dệt bằng vải lanh với hoa văn tinh xảo như tôn thêm vẻ đẹp mộc mạc, chân chất của người phụ nữ miền sơn cước. Gắn liền với sự phát triển của đồng bào Mông trải qua hàng trăm năm, nghề dệt vải lanh vẫn giữ nguyên vẹn tính độc đáo vốn có. Đến tận hôm nay, nghề dệt vải lanh vẫn tiếp tục được lưu truyền và phát huy bản sắc, như một minh chứng về giá trị thẩm mỹ của một dân tộc giàu văn hóa.

Phát huy nghề truyền thống

Đối với người Mông, cây lanh giữ vị trí quan trọng trong đời sống thường nhật cũng như đời sống tinh thần và nghề dệt lanh luôn song hành cùng sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc. Người Mông coi cây lanh là một trong những vật linh thiêng, được sử dụng trong hầu hết các phong tục, tín ngưỡng của dân tộc.

Theo quan niệm, người con gái Mông khi đi lấy chồng phải mang theo một bộ váy áo tự dệt. Vào những ngày cúng, giỗ, lễ, tết, vải lanh là vật không thể thiếu. Người Mông cho rằng, vải lanh có thể gắn kết con người với thế giới tâm linh và sợi lanh sẽ dẫn đường cho người chết về với tổ tiên. Bên cạnh đó, vải lanh còn là một biểu tượng trong các khúc hát giao duyên với nhiều ý nghĩa, cung bậc của tình yêu, tình cảm vợ chồng.

Trước sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, người Mông vẫn giữ cho mình nét văn hóa độc đáo được thể hiện qua những bộ trang phục truyền thống. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa này, Hà Giang đã chú trọng khôi phục và mở rộng các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, nghề dệt vải lanh trở thành một trong những nghề mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào Mông. Các sản phẩm lanh không chỉ dừng lại ở chỗ phục vụ gia đình mà đã có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, có hợp tác xã lanh Lùng Tám, huyện Quản Bạ vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa sản xuất các mặt hàng thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Không dừng lại ở các mặt hàng quần áo truyền thống, phụ nữ Mông ở đây đã biết cách tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới như: khăn, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn... từ lanh với nhiều màu sắc và hoa văn tinh tế.

Để động viên tinh thần người dân và góp phần giữ gìn nét văn hóa độc đáo, các địa phương trong tỉnh Hà Giang thường tạo thành cuộc thi dệt vải lanh, lồng ghép vào các ngày lễ hội như: ngày hội văn hóa dân tộc Mông, lễ hội chợ tình Khâu Vai… Đồng thời, tạo không gian trải nghiệm cho du khách khi đến với công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Vải lanh - sản phẩm văn hóa độc đáo gắn liền với những giá trị văn hóa của đồng bào Mông đến nay vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống. Cùng những giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc vốn có gắn với phát triển du lịch đang tạo thêm động lực để Hà Giang thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong thời gian tới.

Theo quehuongonline/Langviet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục