BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hạ tầng giao thông: Đột phá để phát triển 

Cập nhật ngày: 12/10/2020 - 01:23

BTN - Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X xác định một trong những mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2016-2020 là “Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ tốt nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá địa phương”.

Ðường ÐT 794 (đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn 1) - tuyến đường kết nối Tây Ninh và Bình Phước, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Huỳnh Ðông

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh nói: Ðầu tư hạ tầng là khâu đột phá của tỉnh trong nhiều năm qua. Kết quả của việc đầu tư hạ tầng đã thúc đẩy thu hút đầu tư. Các nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Ðặc biệt là tham gia mạnh mẽ vào quá trình chúng ta triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, tham gia vào quá trình khai thác các tiềm năng về du lịch. Hiện nay, đã có những doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh. Chúng ta lấy Khu du lịch núi Bà Ðen làm tâm điểm để phát triển du lịch, tạo lan toả cho du lịch Tây Ninh cất cánh.

Phương Quỳnh

Kế thừa và phát triển các thành quả trong nhiều năm qua, giai đoạn 2015-2020, việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm- nhất là hạ tầng giao thông, đã góp phần việc thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Có thể nói, với tầm nhìn chiến lược, Tây Ninh đã tạo ra đột phá để phát triển bền vững về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới.

Triển khai nhiều dự án

Theo Sở Giao thông Vận tải, để hiện thực hoá mục tiêu, nhiệm vụ Ðại hội đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, thành lập Nhóm công tác và ban hành kế hoạch hoạt động. Qua 5 năm triển khai thực hiện, nhiều công trình trọng tâm, trọng điểm đã được đầu tư, tạo sự lan toả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở GTVT và Ban QLDA ngành giao thông được giao làm chủ đầu tư 28 dự án, với tổng nguồn vốn kế hoạch đến thời điểm hiện nay là 3.866 tỷ đồng, so với kế hoạch đầu nhiệm kỳ: kế hoạch vốn tăng 91,86% (đầu nhiệm kỳ là 2.015,34 tỷ đồng); tăng 6 dự án (đầu nhiệm kỳ 22 dự án).

Ðến nay đã thực hiện đầu tư 26/27 dự án (không tính dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng), đạt 96,3% kế hoạch. Trong đó hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng 15 dự án, đạt 55,56% với khối lượng 150km đường và 875 mét dài cầu. Hiện đang thi công 8 dự án; khởi công mới 3 dự án trong tháng 9 và 10.2020 với khối lượng 114km đường, 510 mét dài cầu, đang chuẩn bị đầu tư dự án đường 794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các dự án đầu tư được ngành GTVT tham mưu UBND tỉnh triển khai đều là những dự án thiết thực về phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, du lịch của tỉnh trong thời gian qua. Ðiều quan trọng là các dự án trên đều đáp ứng lòng mong đợi của người dân địa phương, và người dân đã được thụ hưởng nhiều lợi ích từ các công trình giao thông mang lại.

Có thể kể ra những công trình giao thông nổi bật mà tỉnh cho đầu tư trong giai đoạn 2016 -2020 như: công trình cầu Bến Cây Ổi, bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông nằm trên địa bàn xã Hoà Thạnh và Phước Vinh, huyện Châu Thành. Ðây là công trình mà người dân địa phương các xã biên giới huyện Châu Thành đã mong mỏi nhiều năm qua, góp phần đồng bộ hoá hệ thống hạ tầng giao thông ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hoá, kết nối thông suốt giữa các địa phương với nhau để không còn cảnh “qua sông phải luỵ phà”.

Theo ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, công trình cầu Bến Cây Ổi là một dự án thiết thực. Ngoài việc đáp ứng nguyện vọng của người dân, dự án này thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đặc biệt là nông nghiệp.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2016-2020, nhiều dự án được ngành GTVT tỉnh triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi tích cực bộ mặt của tỉnh, góp phần phát triển du lịch như dự án đường Lý Thường Kiệt (thị xã Hoà Thành), đường Ðiện Biên Phủ (thành phố Tây Ninh) và đường 781 từ ngã từ Tân Hưng đến hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận huyện Tân Châu và Dương Minh Châu), đường 790 nối dài kết nối 2 khu du lịch quan trọng là Khu du lịch núi Bà Ðen và hồ Dầu Tiếng.

Anh Nguyễn Hồng Phong, người dân sống tại phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh cho biết, những dự án trên đã làm thay đổi cái nhìn của du khách. Ðó là hình ảnh Tây Ninh phát triển đầy năng động.

Theo anh Phong, trong thời gian tới, những dự án mà ngành Giao thông đang triển khai như nâng cấp mở rộng đường Trần Phú (thị xã Hoà Thành), dự án đường 781 (từ cửa khẩu Phước Tân về thị trấn Châu Thành), dự án cầu An Hoà (thị xã Trảng Bàng)… khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, những tuyến đường trọng điểm liên kết với các tỉnh lân cận cũng được ngành GTVT tỉnh triển khai trong thời gian vừa qua như dự án nâng cấp đường 782-784, đường Ðất Sét - Bến Củi để kết nối với tỉnh Bình Dương; đường 794 kết nối với tỉnh Bình Phước (giai đoạn 1)...

Theo bà Nguyễn Thị Thành- Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tuyến đường 794 là một trong những tuyến đường bê tông xi măng ở Việt Nam. Từ năm 2019, khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng kết nối với quốc lộ 14C đã tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết, thúc đẩy giao lưu giữa huyện và các địa phương Campuchia, với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên. Việc đầu tư xây dựng đường 794 (giai đoạn 1) đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của huyện Tân Châu.

Ðường Ðiện Biên Phủ, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh. (Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông)

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư

Các dự án đầu tư hoàn thành của giai đoạn 2016-2020 đã  tạo tiền đề, kinh nghiệm thực tiễn để ngành GTVT xác định mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn và tính kết nối cao với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, kéo giảm tai nạn giao thông, bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Ðồng thời, việc phát triển hạ tầng giao thông dựa trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ gần nhất của Thành phố Hồ Chí Minh vào Campuchia và ngược lại; phát triển hạ tầng giao thông vận tải phải phù hợp với các quy hoạch, theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm môi trường.

Thiên Tâm