Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hà Tĩnh: Long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ
Chủ nhật: 13:48 ngày 16/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều nay (15-12), tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ.

Lễ kỉ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ

Dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng;  Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Thanh Bình Phó Ban tổ chức Trung ương cùng các vị lãnh đạo một số bộ, ban ngành và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế…

Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ sinh ngày 19-12-1778 (tức ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38) tại xã Địa Linh, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, có tiểu huý là Củng, tự Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn.

Điện thờ Nguyễn Công Trứ tại Nhà thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải ( Thái Bình)

Thân sinh ông là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn (1720-1800), người làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người học rộng, chữ nghĩa văn chương có tiếng, năm 19 tuổi đỗ đầu thi Hương khoa thi Kỷ Mùi (1739). Trong thời gian làm quan ở Thái Bình, ông Nguyễn Công Tấn đã kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Phan người làng Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam (nay là huyện Thường Tín - Hà Nội) con gái Cảnh Nhạc Bá làm quan Quản Nội dưới triều Lê - Trịnh.

Sau khi kết hôn, bà Phan theo chồng về Quỳnh Côi và sinh ra Nguyễn Công Trứ. Ông Nguyễn Công Tấn là một vị quan thanh liêm, đức độ và trung thành với nhà Lê, ông được ngợi khen là tuần lương, thăng Tư phủ Tiên Hưng (Thái Bình) rồi Hiến phó Sơn Nam, nhưng khi chưa nhậm chức thì bị bắt vì tham gia giấy binh chống lại quân Tây Sơn. Năm Kỷ Dậu (1789), sau khi được thả về, ông đưa gia đình về quê Uy Viễn, mở trường dạy học.

Nguyễn Công Trứ theo học nhiều thầy giáo và tiếp xúc với nhiều nhà nho, kẻ sĩ ưu thời mẫn thế ở các địa phương khác nhau và được họ truyền thụ cho những bài học về chữ nghĩa văn chương, truyền thống Nho giáo, kinh tế, chính trị…

Sinh ra và lớn lên ở thời tao loạn, đất nước có nhiều biến động, gia đình sống nay đây mai đó đã ảnh hưởng đến việc học hành và tác động về mặt tư tưởng của Nguyễn Công Trứ. Thuở nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã bộc lộ trí thông minh, năng khiếu thiên bẩm văn chương và khí phách hơn người. Ông luôn có khát vọng đem tài năng của mình ra kinh bang tế thế, giúp ích cho dân cho nước với tuyên ngôn lập thân:

Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ 

Năm Nhâm Tuất (1804), lúc đó Nguyễn Công Trứ 26 tuổi, khi vua Gia Long trên đường ra Bắc Hà kinh lý khi qua Nghệ An, ông đã trải chiếu nằm đường chờ để dâng lên tập "Thái Bình thập sách" (mười kế sách giữ nước nhà thái bình) do mình soạn. Tuy nhiên, ý kiến của một “bạch diện thư sinh” chẳng thấu lòng vua. Từ đây, ông nhận thức được rằng, là kẻ sĩ muốn thành trượng phu thì trước hết phải học hành thi cử đỗ đạt, phải có “danh” mới thực hiện được việc lớn hữu ích cho đời. Từ đó Nguyễn Công Trứ đã quyết chí bằng con đường học hành khoa cử.

Đến khoa thi năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Công Trứ đã đỗ Sinh Ðồ (Tú Tài). Và khoa thi Kỷ Mão (1819), Gia Long thứ 18, ông đỗ Giải Nguyên trường Nghệ. Từ đây, cánh cửa đưa ông vào chốn quan trường để thực hiện giấc mơ của chí nam nhi được mở ra:

Năm 43 tuổi, Nguyễn Công Trứ bắt đầu tham chính với chức vụ Hành Tẩu Sử quan - chức thấp nhất trong hàng thuộc quan; năm 1823, ông được bổ làm tri huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương; năm 1824, giữ chức Lang Trung Bộ lại, Tư nghiệp Quốc Tử Giám; năm 1825, giữ chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên; Tham hiệp Trấn Thanh Hóa; năm 1827, giữ chức Tả Thị lang Bộ Hình, Hữu Thị lang Bộ Lễ; năm 1828, ra làm Dinh điền sứ Nam Định - Ninh Bình; năm 1830 (sau khi bị vu cáo) bị triệu về Kinh làm Tham tri Bộ Hình; năm 1832, giữ chức Lang Trung nội vụ - Bố chính Hải Dương, Tham tri Bộ Binh, Tổng đốc An Hải (Hải Dương và Quảng Ninh); năm 1840, sau khi bị giáng 4 cấp, ông về Kinh đô Huế làm Tả đô Ngự sử Viện đô sát… sau đó ra làm Chủ khảo Trường thi Hà Nội; năm 1841, giữ Quyền Tuần vũ An Giang; năm 1843, giữ chức Tham trị Bộ Binh vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang, bị vu cáo buôn lậu phải xuống làm lính thú Quảng Ngãi; năm 1846, Quyền Án sát sứ Quảng Ngãi; năm 1848, ông hưu trí về quê nhà ở làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Công Trứ qua đời vào ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ, tức ngày 07-12-1858 tại quê nhà, hưởng thọ 80 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu.

Trong 28 năm làm quan giữ 26 chức vụ khác nhau, Nguyễn Công Trứ đã nếm trải nhiều thăng trầm, vinh nhục của sự thăng, giáng chức quyền. Là con người có khí phách ngay thẳng, dám làm, dám chịu, nổi tiếng thanh liêm nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn bị gian thần gièm pha, vu vạ tìm cách hãm hại bằng những chuyện bịa đặt, khiến ông chịu nhiều phen điêu đứng. Chúng vu ông buôn lậu, mưu phản triều đình, vượt quyền vua. Đây đều là trọng tội nên bị giáng chức phải đi làm lính, có khi phải chịu án "trảm giam hậu" (tội chém, nhưng giam chờ lệnh).

Đền thờ  Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ tại Kim Sơn (Ninh Bình) 

Làm quan vào thời kỳ xã hội có nhiều biến động, không ít lần bị đối xử bất công, nhưng Uy Viễn Tướng Công vẫn giữ vững khí phách, tiết tháo của một nhà nho chân chính. Người đời cảm phục, trân quý Nguyễn Công Trứ khi thấy ông từ địa vị cao sang, quyền uy của một đại quan triều đình bị hàm oan trọng tội, giáng chức xuống làm lính nhưng vẫn bình thản, ung dung tự tại: "Khi ta làm Đại tướng không lấy đó làm vinh, nay là lính cũng không hề thấy nhục".

Nhân cách cao đẹp của Nguyễn Công Trứ là tấm gương của một trượng phu, quân tử. Dù ở cương vị nào, ông cũng làm tròn chức phận của một vị quan “thanh, cần, thận, trực”,  “trung, dũng, trí, tín”; luôn giữ trọn nhân cách của một bề tôi “trung quân, ái quốc”. Vì vậy, sau gần ba mươi năm tham chính, ông vẫn khảng khái tự hào khi "Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo", về quê trí sĩ, gác bỏ việc đời, ngao du sơn thủy, sống trong cảnh an nhàn của một kẻ sĩ lãng tử, tài hoa.

Nhân cách của ông là một chân dung thống nhất trong đa dạng: một nhà thơ có phong cách độc đáo, một văn quan phóng túng nhưng luôn lấy phép công làm trọng, một võ tướng dày dạn trận mạc, một nhà khẩn hoang với nhiều công trạng. Ông là quan văn nhưng khi làm võ tướng cầm quân, ở đâu ông cũng thể hiện tài thao lược và giành nhiều chiến công. Ông đã giúp triều Nguyễn dẹp yên nhiều cuộc khởi nghĩa lớn, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và bình ổn đất nước, thăng đến chức Binh Bộ Thượng Thư kiêm nhiệm Tổng Ðốc Hải An.

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự lễ Kỷ Niệm ngày sinh và ngày mất của danh nhên Nguyễn Công Trứ  

Năm Minh Mạng thứ 21(1840) nhà vua Nhà Nguyễn phái Nguyễn Công Trứ sang Chân Lạp (Cămpuchia) để bình định vùng đất này. Tại đây, ông cùng với Trương Minh Giảng đổi Chân Lạp thành Trấn Tây Thành và chia ra làm 32 phủ, 2 huyện. Sau đó, ông cùng một số vị tướng khác cầm quân dẹp tan cuộc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam của quân Xiêm; đánh tan liên quân Xiêm - Chân Lạp, giữ yên bờ cõi.

Cuối đời mình, Nguyễn Công Trứ đã làm một việc hết sức cảm phục. Năm 1858, khi nghe tin thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn dâng sớ tha thiết lên vua Tự Đức xin đi đánh giặc: "Dù tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay". Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, ước nguyện không thành, và cuối năm đó ông từ trần.

Nguyễn Công Trứ còn là một nhà kinh luân kiệt xuất. Những năm đầu thời kỳ nhà Nguyễn liên tiếp xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân, khi được triều đình giao cầm quân dẹp loạn, ông phát hiện ra một chân lý: “Dân làm loạn vì nghèo đói” và biện pháp trừ loạn tận gốc là "Phải làm cho dân có ruộng đất cấy cày, có công việc làm ăn, có được no ấm thì xã tắc mới yên vui".

Hơn ai hết, ông là người thấu hiểu nỗi khổ của dân chúng thời loạn lạc. Nhà Nguyễn tuy đã thống nhất (1802) nhưng dân vẫn còn cơ cực, nghèo khổ; khi nước chưa yên, lòng dân chưa phục, mầm nội loạn chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. Trăn trở trước thực trạng đó, ông hăm hở thực hiện chức phận của một lương thần, với ý nguyện làm cho dân no đủ, yên ấm, đất nước thái bình.

Nhà thờ Nguyễn Công Trứ tại Tiền Hải ( Thái Bình) 

Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ: "Ðời xưa chia ruộng, lương của để dân có nghề, cho nên dân yên phận làm ăn nơi thôn ấp, không sinh lòng gian vậy. Hiện nay những dân đói nghèo, rong ăn, rong chơi, lúc cùng lại rủ nhau trộm cướp, tệ ấy khó ngăn hết được. Trước kia Thần đã đi qua tỉnh Nam Ðịnh, thấy về phần đất huyện Yên Ðịnh, đất đai hoang phế kể tới hàng ngàn mẫu. Dân muốn khai hoang mà không đủ sức. Nay nếu được cấp phát của công cho thì có thể chiêu tập dân nghèo mà khẩn trị được. Làm như thế triều đình không tốn bao nhiêu mà cái lợi lâu dài mãi mãi".

Trên cương vị quan Dinh Điền sứ, Nguyễn Công Trứ đã tự mình lặn lội tìm hiểu vùng đất Nam Định, Ninh Bình…, sau đó dâng sớ về triều đình xin thực thi 3 việc: Nghiêm trị bọn du thủ, du thực, gian phi; trừng trị bọn lại dịch tham nhũng, thải bỏ kẻ vô tài, bất lực, khen thưởng người liêm chính; khẩn hoang mở đất cho dân cày cấy, có công ăn việc làm. Ngoài ra, ông còn đề đạt nhiều ý kiến ích quốc, lợi dân như lên án tệ cường hào, ức hiếp, nhũng nhiễu dân; xây dựng quy ước của làng xã.

Năm Mậu Tý (1828), Nguyễn Công Trứ đi kinh lý khắp bãi bồi duyên hải, tự vẽ bản đồ, cấp phát trâu bò, nông cụ cho dân để khẩn hoang. Chỉ trong 2 năm, ông đã đứng ra chiêu tập lưu dân khai phá đất hoang lập nên huyện Tiền Hải (Thái Bình) rộng 18.970 mẫu ruộng, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được 14.600 mẫu và hai tổng Hoành Thu và Ninh Nhất (ven bờ biển Thái Bình, Ninh Bình). Nhờ đó, những vùng đất hoang vắng, chua phèn này dần trở thành các làng xóm đông vui, đồng điền bát ngát với hệ thống kênh mương, đường sá thuận lợi cho cuộc sống và sản xuất của nhân dân trong vùng.

Thời gian giữ chức Binh Bộ Hữu Tham Tri, kiêm thư Tổng Ðốc Hải An (gồm tỉnh Hải Dương và Quảng Yên), Tổng Ðốc Hải An, Nguyễn Công Trứ đã làm bản tấu về kinh: "Tại Hải Dương, ruộng hoang kể hàng nghìn mẫu, xem địa thế thì khai khẩn cũng dễ, xin sai mộ lính ở các vệ chia ban mà khẩn thị, khi thành điền thì cấp cho làm ruộng thế nghiệp, theo lệ ruộng tư trưng thuế, còn ngưu canh điền khí thì theo lệ dinh điền năm trước, lấy của công mà cấp phát".

Ðược Triều đình chấp thuận, Nguyễn Công Trứ hăng hái bắt tay vào việc, ông huy động lính thú (lính biên phòng) ở Quảng Yên, lính cơ (lính gác dinh thự) ở Hải Dương, và lính lệ (lính hầu ở các dinh quan) cùng tham gia khai khẩn. Nhờ vậy, một loạt làng mới xuất hiện, một số đồn điền được hình thành, đất đai canh tác được mở rộng như làng làng Minh Liễn (Hải Dương); làng Lưu Khê, Vị Dương, An Phong (Quảng Yên)...

Từ năm 1838  - 1839, Nguyễn Công Trứ đã chiêu dụ người gốc Hoa khai khẩn được trên 700 ha, lập thành làng Hưng Hóa. Ông còn có sáng kiến đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn để nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Về sau khi đảm trách việc quan ở miền Tây Nam, ông lại hợp sức với quan quân, dân chúng địa phương, đào kênh rạch, làm thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt Cửu Long về đồng ruộng.

Những đóng góp của ông trong lĩnh vực kinh tế - thuỷ nông được đông đảo nhân dân, nhất là tầng lớp nghèo khổ vô cùng biết ơn, cảm phục, quý trọng, tôn thờ như một phúc thần, thành hoàng làng. Nhân dân ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn (Ninh Bình); ở thôn Đông Quách, xã Nam Hà, thôn Thủ Chính, xã Nam Chính huyện Tiền Hải (Thái Bình)… đã lập đền thờ khi ông còn sống.

Am thờ Nguyễn Công Trứ trước Nhà thờ Nguyễn Công Trứ tại Tiền Hải (Thái Bình) 

Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ, một nghệ sĩ đa tài. Bằng cá tính sáng tạo của mình của mình, ông trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Tuy Ca Trù đã có từ cuối thế kỷ XV nhưng thể loại này không phát triển. Nguyễn Công Trứ đã biến Ca Trù từ một lối hát nhỏ lẻ thành một thể thơ thuần Việt. Đặc biệt, với 60 bài Hát Nói của mình, Nguyễn Công Trứ trở thành người định hình và đưa thể Hát nói - một thể đặc sắc trong Ca Trù thành loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Với những công lao và đóng góp to lớn cho lịch sử, văn hoá dân tộc, tên tuổi của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ đã lưu danh cùng sử sách; được nhiều địa phương trên cả nước đặt tên cho các ngôi trường, các tuyến đường. Năm 1991, Khu di tích Nhà thờ và Mộ Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Nguồn Dân Sinh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục