Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong với tỷ lệ áp đảo 417 phiếu thuận, 1 phiếu chống.
Dự luật "Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong" được phê duyệt sau cuộc bỏ phiếu tại hạ viện Mỹ ngày 20/11, qua đó mở đường cho các hành động ngoại giao và những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào đặc khu. Trước đó một ngày, thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật. Tiếp theo, nó sẽ được chuyển tới Tổng thống Donald Trump xem xét. Ông chủ Nhà Trắng chưa cho biết có ký hay không.
Theo dự luật, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Dự luật còn cho phép cấm vận những quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.
Hạ viện Mỹ đồng thời nhất trí thông qua dự luật cấm xuất khẩu một số vũ khí kiểm soát đám đông phi sát thương cho cảnh sát Hong Kong, bao gồm đạn và bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng điện. Dự luật này cũng đã được thượng viện thông qua ngày 19/11.
Người biểu tình đối phó đạn hơi cay ở Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 17/11. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua triệu quyền đại sứ Mỹ William Klein để trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" việc thượng viện Mỹ thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Bắc Kinh chỉ trích quyết định của thượng viện Mỹ, khẳng định sẽ áp dụng những bước đi cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Việc quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật dường như được thúc đẩy bởi tình hình căng thẳng leo thang gần đây ở Hong Kong khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ hôm 17/11.
Cảnh sát triển khai lực lượng vây bên ngoài trường suốt hơn 4 ngày qua và sử dụng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng để ngăn cản những người trốn ra ngoài mà không giao nộp mình. Khoảng 1.100 người biểu tình bị bắt tại PolyU trong hai ngày 18 và 19/11. 800 người đã rời khỏi ngôi trường để "đầu hàng" theo lời kêu gọi của cảnh sát, tuy nhiên, còn khoảng 100 người vẫn cố thủ bên trong PolyU.
Biểu tình Hong Kong ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Nguồn VNE (Theo South China Morning Post)