Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hai cô gái trẻ và khát vọng chốn trời xa

Cập nhật ngày: 21/01/2012 - 06:53

Hai cô gái trẻ đều quê ở Tây Ninh và đều đang học tập, làm việc ở nước ngoài. Mỗi người một nơi- cô ở Nhật, cô ở Mỹ, mỗi người theo đuổi một ngành học khác nhau nhưng giữa họ có điểm chung: khát vọng chinh phục chân trời tri thức và tự khẳng định được bản thân mình.

Thanh Bình (trái) và một người bạn

Tuổi thơ của em là một buổi đến trường, một buổi còn lại đi chăn trâu, cắt cỏ”- cô gái có dáng người thâm thấp, gương mặt cương nghị, đôi mắt đen tròn đã giới thiệu về mình như thế.

Là con trong một gia đình “nông dân nòi” ở ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tuy hoàn cảnh có vất vả nhưng Tạ Thị Thanh Bình cũng được học hành tử tế, rồi tốt nghiệp phổ thông. Rớt đại học, Bình không nản, nộp hồ sơ vào học hệ trung cấp kế toán của Trường đại học Công nghiệp Thành phố HCM. Trong suốt thời gian học, Bình phải làm thêm mọi việc như phục vụ quán ăn, làm gia sư, phát tờ rơi quảng cáo, kể cả làm phụ hồ, để tự lo cho bản thân hầu giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Bận rộn và vất vả thế song Bình vẫn tranh thủ thời gian đi học tiếng Nhật. Cũng nhờ biết tiếng Nhật nên sau khi hoàn tất thời gian thực tập của năm học cuối, Bình được một công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản ở Bình Dương đánh tiếng mời làm việc. Nhưng Bình đã khiến các bạn bè ngạc nhiên khi từ chối lời đề nghị hấp dẫn đó. Hoá ra, Bình đã có con đường đi riêng của mình. Cô muốn dành thời gian tự trang bị thêm vốn kiến thức và khả năng ngoại ngữ cho mình để mai này, nếu có trở lại công ty nọ làm việc thì phải có một vị trí xứng đáng chứ không phải chỉ là nhân viên bình thường. Khi hay tin có một cơ quan Nhà nước thông báo tuyển du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản theo diện vừa học vừa làm, Bình liền bàn với ba mẹ xin được ứng tuyển. Sau các vòng tuyển chọn khắt khe, Bình là một trong những ứng viên được chọn ngay trong đợt đầu tiên. Sang xứ sở mặt trời mọc, Bình theo học khoa tiếng Nhật ở Trường đại học Iwatai ở tỉnh Yokohama. Vì phải vừa học vừa làm nên có hôm đến hơn nửa đêm Bình mới được đi ngủ. Ngoài thời gian học ra, các sinh viên thuộc đối tượng vừa học vừa làm như Bình phải làm việc cho một công ty chuyên sản xuất vỏ nệm xe hơi.

Tạ Thị Thanh Bình cùng với bạn bè và thầy giáo ở Nhật Bản

Cuộc đời cũng lắm chuyện bất ngờ thú vị. Sau hơn 3 tháng học và làm việc, nhờ có năng khiếu về tiếng Nhật, Bình được ông giám đốc công ty đồng thời cũng là giáo viên của trường nơi cô đang học chú ý và khuyên nên trau dồi thêm để có thể trở thành phiên dịch viên chuyên nghiệp. Nghe lời khuyên của thầy, Bình trở về Việt Nam để học chuyên tiếng Nhật ở Trường Nhật ngữ Đông Du. Thời gian học kéo dài khoảng 6 tháng, sau đó Bình sẽ quay trở lại Nhật Bản. Chi phí cho khoá học này do công ty bên Nhật tài trợ. Con đường tương lai đầy hứa hẹn đang rộng mở chờ đón cô gái nhỏ nhưng ý chí cầu tiến và nỗ lực vượt khó thì không nhỏ chút nào. Những cơ hội tốt đến với cô, rõ ràng không phải tự dưng mà có. Trong câu chuyện vui vẻ với chúng tôi, Bình kể lại vài điều từng mắt thấy tai nghe ở xứ người rất đáng suy nghĩ: phần lớn các du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản đều học tập và lao động nghiêm túc, song cũng có một số ít “con sâu làm rầu nồi canh”- nhiều cậu ấm, cô chiêu mang tiếng là đi du học nhưng thực ra họ chỉ sang đó để… chơi. Họ sống rất vô trách nhiệm, không có kỷ luật và thường làm nhiều chuyện khiến các bạn đồng hương phải xấu hổ lây.

Trở lại chuyện của Bình, những gì đã có mới chỉ là bước khởi đầu, cô hiểu sẽ còn nhiều gian nan và thử thách chờ đợi mình ở phía trước nhưng điều quan trọng, theo Bình là phải có niềm tin nơi chính mình. Cô bạn trẻ gốc nhà quê này rất thích câu triết lý: “Không có con đường nào dài hơn đôi chân, cứ đi, biết đi là sẽ đến đích”!

Với Nguyễn Việt Thảo Trang (trước đây Báo Tây Ninh từng có bài giới thiệu về cô học trò giỏi giang này), mọi việc có vẻ thuận lợi và suôn sẻ hơn Tạ Thị Thanh Bình. Cô gái đến từ phường 4, thị xã Tây Ninh đã tiến thẳng vào cổng trường đại học của nước Mỹ bằng tài năng toàn diện của mình. Khi còn là cô nữ sinh lớp 11 của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Thảo Trang đã có dịp ra Thủ đô Hà Nội để tham gia cuộc thi do một tổ chức giáo dục quốc tế tiến hành. Sau kỳ thi ấy, Thảo Trang là một trong số ít thí sinh được chọn đưa đi học ở Hồng Kông. Sau 2 năm học ở Hồng Kông, tháng 5.2011, Thảo Trang giành được suất học bổng trị giá 140.000 USD để tiếp tục du học ở Mỹ. Nơi hiện Trang đang học là Trường đại học Westsmin Ter thuộc tiểu bang Misouri.

Thảo Trang (bìa phải) cùng ba mẹ và em gái (ảnh chụp trước khi Trang qua Mỹ du học)

Sau gần 6 tháng học tập ở Mỹ, Thảo Trang chia sẻ những cảm nhận của mình: “Em thấy mình năng động, tự tin và tự lập hơn khi hoà nhập vào môi trường mới này”. Thảo Trang cho biết, cô không cảm thấy quá khác biệt khi mình là sinh viên Việt Nam duy nhất trong ngôi trường ấy. Và đây là điều mà cô bạn nhỏ này muốn chia sẻ với các bạn cùng lứa tuổi về con đường lập thân lập nghiệp: “Em nghĩ không có điều gì là tuyệt đối, thậm chí sở thích, nghề nghiệp… tất cả đều có thể thay đổi ít hay nhiều qua cách chúng ta hành động. Vậy nên hãy luôn chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho những thứ sắp tới. Trước khi sang Mỹ khá lâu em đã định đi chuyên ngành tâm lý nhưng sau đó em cảm thấy ngành kinh doanh quốc tế có vẻ hợp với mình hơn nên em đã chọn nó”.

Tết đến xuân về, ai cũng muốn quây quần bên gia đình thế nhưng cô sinh viên Thảo Trang hiện chưa thể về quê. Nhớ nhà lắm nhưng cũng đành chịu. Trang kể: hồi còn học ở Hồng Kông, ngày 30 Tết, Trang đã tự tay nấu vài món Việt Nam và xem chương trình ngày Tết qua mạng rồi đón giao thừa. Cũng cảm thấy nao nao trong dạ, cố hình dung xem ở quê nhà, không khí gia đình lúc đó thế nào. Nhưng phải chịu thôi. Đã đi du học là phải chấp nhận một số thử thách, bao gồm cả việc không được ăn Tết cùng với gia đình. “Hiện tại, thỉnh thoảng em rất nhớ hương vị của thức ăn quê mình nhưng biết làm sao được!”- Thảo Trang bày giãi. Cô sinh viên xa nhà vẫn đang cố tự động viên mình vượt qua những trở lực bản thân để tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn.

Thảo Trang cũng như Thanh Bình- hai cô bạn trẻ giàu ý chí lập thân đã và đang thể hiện năng lực, phẩm chất của một lớp trẻ hiện đại: độc lập, năng động, giỏi giang, đầy khát vọng tương lai và luôn biết nỗ lực vươn xa, vươn cao tới chân trời tri thức, để mai này có thể vững vàng, tự tin làm chủ cuộc sống của mình.

VIỆT ĐÔNG