BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hai gương mặt tiêu biểu của huyện Trảng Bàng: Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

Cập nhật ngày: 21/08/2009 - 05:55

Chị Đoàn Thị Kim Loan đang báo cáo về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tại hội nghị biểu dương công nhân viên chức, lao động tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện Trảng Bàng có hai nữ công chức được chọn báo cáo điển hình. Đó là chị Đoàn Thị Kim Loan, công tác tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện (Phòng LĐ) và cô Bùi Thị Xuân Mai, giáo viên Trường trung học cơ  sở  An Thành (xã An Tịnh).

Chị Đoàn Thị Kim Loan, sinh năm 1959. Trước kia chị công tác ở Phòng Lương thực huyện Trảng Bàng. Khi Phòng Lương thực giải thể, từ năm 1995 đến nay, chị làm kế toán Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội. Gần 15 năm qua, chị Loan đã tham mưu cho lãnh đạo quản lý tài chính của đơn vị đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, đúng  chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Trong công tác chuyên môn, chị luôn có sự đầu tư cẩn thận, không để sai sót. Đối với nghiệp vụ kế toán, chị Loan thực hiện thu chi đúng chế độ nguyên tắc tài chính; xây dựng kế hoạch, dự toán năm, quý, tháng kịp thời, mở đầy đủ các sổ sách nghiệp vụ. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, chị luôn kiểm tra đối chiếu, không để tồn đọng đến cuối năm. Việc quản lý chứng từ hồ sơ, sổ sách luôn gọn, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy khi cần đến.

Trảng Bàng là địa phương có gia đình chế độ chính sách cao nhất tỉnh, với 4.249 đối tượng, tổng số tiền chi trả trợ cấp khoảng 30 tỷ đồng/năm (chiếm 30% trong toàn tỉnh). Phòng Lao động còn giải quyết chi trả trợ cấp một lần cho các đối tượng mới hưởng và mai táng phí cho các đối tượng khi từ trần. Để hỗ trợ cho Ban Thương binh các xã, nơi thực hiện chi trả trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng, chị Loan đã hướng dẫn mở các loại sổ sách theo dõi nghiệp vụ. Đồng thời ngay từ đầu năm, chị xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc chi trả trợ cấp ở 100% xã, thị trấn trong huyện. Để nâng cao kiến thức, công tác chuyên môn ngày một hiệu quả hơn, chị không ngừng học tập bằng cách trao đổi nghiệp vụ, nghiên cứu qua các tài liệu, học tập kinh nghiệm trong thực tiễn cũng như học hỏi đồng nghiệp. Chị Loan luôn tâm đắc lời dạy của Bác: “Muốn biết thì phải hỏi, muốn giỏi thì phải học”. Đối với đồng nghiệp chị luôn đoàn kết, giúp đỡ cùng hoàn thành nhiệm vụ. Trong quan hệ công tác, tiếp xúc với nhân dân, gia đình hưởng chế độ chính sách, chị luôn giải thích, giúp đỡ một cách tận tình. Về đạo đức lối sống chị luôn trung thực giản dị, hoà đồng với mọi người. Năm 2008, chị Loan được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Không chỉ giỏi việc nước, chị Loan còn luôn đảm đang việc nhà, nhất là việc nuôi dạy con cái. Vợ chồng chị chỉ có hai đứa con trai. Con trai lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và đang công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai út cũng đang học đại học.

 Với cô giáo Bùi Thị Xuân Mai, sinh năm 1967 dạy môn Sinh học tại Trường THCS An Thành. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là luôn chấp hành tốt mọi sự phân công của các cấp lãnh đạo, đem hết khả năng, tâm huyết và trí tuệ của mình để vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”; luôn trau dồi đạo đức tác phong; luôn là tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo. Đúng 20 năm trước, cô Mai bắt đầu bước lên bục giảng. Dạy học chưa được hai năm, đến tháng 5.1991, do hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn, nên cô Mai phải xin nghỉ việc ở nhà. Khi kinh tế gia đình ổn định, tháng 10.1996, cô xin dạy lại tại Trường THCS

Cô giáo Bùi Thị Xuân Mai.

Hưng Thuận. Đến tháng 8.2008, cô xin chuyển công tác về Trường THCS An Thành.

Trong quá trình công tác, ngoài việc tự rèn luyện, trau dồi đạo đức tác phong mẫu mực, cô giáo Mai luôn chú ý đến việc giáo dục học sinh đạo đức tác phong, biết yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ; biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè vượt khó để học tốt và cùng tiến bộ; biết yêu thương gia đình, hàng xóm; biết quan tâm giúp đỡ người khác. Trong giảng dạy cô luôn gần gũi, thân thiện để tạo điều kiện cho các em hứng thú học tập và yêu thích môn học. Quan tâm sâu sát đến từng học sinh, cô dành thời gian để  bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Nhờ vậy mà chất lượng và kết quả học tập của học sinh được nâng lên. Từ năm học 2004-2005 đến năm học 2008-2009, bộ môn do cô Mai giảng dạy và bồi dưỡng đều có học sinh giỏi: 10 học sinh giỏi cấp tỉnh, 14 học sinh giỏi cấp huyện. 5 năm qua, cô Mai luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm học 2007-2008 cô được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và năm học 2008-2009 là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Qua quá trình giảng dạy, cô Bùi Thị Xuân Mai rút ra được một số kinh nghiệm: Phải thật sự yêu nghề, yêu học sinh, yêu bộ môn mình giảng dạy, say mê nghiên cứu các tài liệu liên quan đến bộ môn, tham khảo tài liệu để so sánh, chọn lọc, nhằm hoàn thiện kiến thức, phải có óc cầu tiến, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường. Trong giảng dạy muốn chọn được học sinh giỏi bộ môn để bồi dưỡng có hiệu quả phải thường xuyên tạo hứng thú cho học sinh, biến môn học thành “người bạn” thân thiết, gần gũi, để các em không chán học.

N.H