Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cuộc sống bấp bênh theo mùa vụ nên từ năm 1998 bà quyết định chuyển sang nghề mua bán. Dù cực khổ là phải đạp xe đi xa nhưng thu nhập ổn định. Hồi đó, chiếc xe của bà oằn những bánh giấy, bánh bò, bánh chuối, bánh tiêu, bánh mì…
Bà Sáu Hoa.
6 giờ sáng mỗi ngày, bà Sáu Hoa bắt đầu đạp xe từ nhà ở xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) dài xuống thành phố Tây Ninh rồi ra chợ Long Hoa là bán hết bốn chục bịch bánh phồng, sáu chục bịch bánh tráng nướng. Bán xong, cũng khoảng 3 giờ chiều, bà lại đạp xe trở về nhà, xem như xong một ngày lao động.
Bà vui vẻ kể, bà có hai con, một trai một gái. Chồng mất khi con hơn 10 tuổi, nhà không có ruộng đất gì, chỉ làm thuê như giẫy cỏ mì, mót lúa.
Cuộc sống bấp bênh theo mùa vụ nên từ năm 1998 bà quyết định chuyển sang nghề mua bán. Dù cực khổ là phải đạp xe đi xa nhưng thu nhập ổn định. Hồi đó, chiếc xe của bà oằn những bánh giấy, bánh bò, bánh chuối, bánh tiêu, bánh mì…
Ngày nào bán ế là cả nhà bà phải ăn trừ cơm vì không để bánh bán qua ngày sau được. Hai đứa con của bà ăn bánh ế riết cũng ớn luôn. Vậy là bà chuyển qua bán bánh phồng, bánh tránh, để lỡ ế thì hôm sau cũng vẫn bán được mà không lo lỗ vốn.
Bánh phồng của bà Sáu Hoa là bánh phồng nếp, được làm từ những hạt nếp non nên thơm tho và vị ngọt tự nhiên. Bẻ miếng bánh cho vào lưỡi chưa kịp nhai thì bánh đã tan ra. Vài hạt nếp cưng cứng còn vương lại nơi đầu lưỡi. Bánh phồng nếp ăn không ngây ngấy cổ như bánh phồng bột mì. Bà Sáu bảo, để nướng được cái bánh phồng nở đều vàng ươm như thế phải thật sự quen tay và cưng cái bánh như cưng em bé mới làm được. Nếu không, bánh sẽ bị khét hoặc co dúm rất xấu xí.
Còn bánh tráng nướng của bà Sáu nhỏ thôi, chừng bằng cái dĩa, nhưng béo ngậy vị nước cốt dừa và thơm nức mùi mè nướng trên than củi rực đỏ. Bà Sáu cho biết, nguồn bánh phồng phải đặt hàng từ miền Tây, còn bánh tráng thì được làm thủ công tại một lò bánh ở huyện Hoà Thành.
Một ngày, hơn năm mươi cây số. Những vòng xe nặng trịch vì gió ngược, vì tuổi đời của người đàn bà gần sáu mươi đã bắt đầu mệt mỏi. Nhưng bà vui lắm, vì kiếm được số tiền đủ phụ con cái chi dùng trong nhà.
Hai mươi năm trên xe đạp, bà có mệt mỏi lắm không? Tôi chợt buột miệng. Mệt rồi, nhưng bà sẽ ráng làm để dành dụm mua cho con gái một chiếc máy may. Con của bà đang học nghề may áo dài. Bà bảo khi nào con ra nghề, bà sẽ ở nhà phụ con làm khuy, kết nút áo cho đỡ cực hơn là đi bán bánh.
THUỲ TRANG