BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hai ngày ở viện nghiên cứu lúa lớn nhất thế giới

Cập nhật ngày: 20/11/2011 - 01:09

Vừa qua, gần 90 nông dân Việt Nam đã có mặt tại Los Banos-Philippines để dự hội thảo và tham quan viện nghiên cứu lúa lớn nhất thế giới (IRRI). Chuyến đi này do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty phân bón Bình Điền tổ chức. Tây Ninh có 5 nông dân tiêu biểu trong canh tác lúa ở Châu Thành, Gò Dầu và Bến Cầu được tham gia chuyến đi này.

Nông dân Tây Ninh tham quan điểm trình diễn lúa sử dụng phân đạm tại IRRI

Trong hai ngày ở IRRI, nông dân đã tham dự nhiều cuộc hội thảo về các chuyên đề canh tác lúa hiện đại và những khó khăn trong sản xuất lúa trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua. Trong đó các vấn đề thời đại như sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, khô hạn, ngập mặn trên nhiều vùng canh tác lúa trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, vùng Đông Nam Á. Vấn đề đối phó với dịch hại, những thiệt hại và vùng ảnh hưởng lây lan qua nhiều nước như dịch rầy nâu lây lan trên diện rộng năm 2006 đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng  thiếu hụt nguồn lương thực.

Giáo sư Roland Buresh, chuyên gia hàng đầu của IRRI, đã nhiều lần đến Việt Nam cùng tham gia hợp tác với Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các bộ, ngành chuyên về lĩnh vực sản xuất và canh tác lúa, đã đánh giá rất cao các nỗ lực của Việt Nam khi tham gia các dự án lớn để nâng cao chất lượng sản xuất lúa trong thời gian qua. Trong đó các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, phương pháp ghi chép nhật ký đồng ruộng và gần đây là mô hình liên kết 4 nhà sản xuất lúa của Việt Nam đã làm tăng năng suất và kéo giảm chi phí đầu tư cho nông dân.

Ông Roland Buresh cho biết thêm, trong canh tác lúa, sau chi phí lao động là chi phí sử dụng phân bón. Việc áp dụng phân bón hợp lý là rất quan trọng trong việc xác định năng suất. Trong đó vấn đề quản lý dinh dưỡng theo địa điểm từng vùng bằng hệ thống mạng internet và ứng dụng điện thoại di động đã được áp dụng từ năm 2010 đã mang khoa học kỹ thuật đến gần hơn cho nông dân và những chuyên viên khuyến nông. Các kỹ thuật mới trong sản xuất lúa như tiết kiệm nguồn nước tưới cho lúa, nhất là trong thời kỳ trái đất đang nóng dần lên như phương pháp quản lý nước theo kỹ thuật tưới vừa đủ (cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần bơm nước vào ruộng cao tối đa 5cm). Mặt khác cũng có thời điểm cần phải để mặt đất trên ruộng khô nước trong thời gian hợp lý. Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng vì vậy được gọi là tưới “ướt khô xen kẽ”. Mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không quá 15cm so với mặt đất) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã và dễ thu hoạch.

Tại cánh đồng mẫu và điểm trình diễn các kỹ thuật canh tác các giống lúa mới tại IRRI, nông dân Việt Nam được chứng kiến nhiều giống lúa lai tạo mới hoàn toàn, được gieo sạ với các kỹ thuật canh tác có so sánh, đối chứng nhằm tìm ra giống lúa mới thích hợp cho canh tác sản xuất trên toàn thế giới. Trong đó có các giống lúa có hai ký tự đầu “IR…” đã được ra đời tại đây đang cứu đói hàng triệu người trên toàn thế giới. Tại cánh đồng trồng lúa của bà con nông dân hợp tác xã trồng lúa làng Jesoros-Los Banos, mỗi buổi sáng thứ ba hằng tuần, họ họp mặt để nhận xét và đánh giá sự phát triển của cây lúa trong vụ sản xuất, cùng thảo luận và trao đổi các biện pháp để phòng trừ dịch hại, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… 

Tham quan cơ giới IRRI

Ông Lữ Văn Vệ, nông dân xã An Thạnh, Bến Cầu cùng đi trong đoàn nhận xét: Kỹ thuật canh tác lúa của bà con nông dân Philippines cũng giống như ở Việt Nam, nhưng cánh đồng của họ rất sạch sẽ, không hề thấy vỏ bao bì của thuốc bảo vệ thực vật hay rác thải như vẫn thường thấy ở ta. Nông dân Philippines cho biết, họ chỉ sử dụng nông dược khi được khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật để hạn chế tối đa chất gây hại cho người sử dụng và tránh làm ô nhiễm đồng ruộng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết: Đây là chuyến đi đầu tiên của hơn 90 nông dân Việt Nam sang thủ phủ của những công trình khoa học chuyên về hạt giống làm ra cây lương thực cứu đói cho hàng triệu người trên thế giới. Trong đó có sự góp phần không nhỏ của nông dân Việt Nam khi đưa hạt lúa xuống đồng ruộng chăm sóc từng ngày. Cây lúa ở Việt Nam đã có vị thế quan trọng trên thế giới khi với năng suất trên 5 tấn/ha, có khả năng bảo đảm nguồn lương thực cho quốc gia và xuất khẩu thuộc hàng đầu thế giới.

Mai Quang HiỀn

 

 


 
Liên kết hữu ích