Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hải ngoại I, Sivotha -Bản hùng ca vang mãi
Thứ ba: 23:51 ngày 07/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lối vào rừng nay thật dễ nhận ra. Bởi tấm biển đúc bê tông nhỏ nhoi bị nứt nẻ đã được thay thế bằng bức tường xây rộng dài 1 x 2 mét, có trụ, đà viền quanh chắc chắn. Nền sơn xanh nổi bật hàng chữ lớn sơn trắng “Khu Di tích Căn cứ Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha”.

Di tích căn cứ Cây Cầy.

Ðến năm nay- 2021- là vừa đúng 3/4 thế kỷ trôi qua, kể từ ngày bộ đội Hải ngoại I Nam bộ từ Thái Lan về nước, đứng chân trên đất rừng Cầy, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Cũng là vừa vặn 20 năm, rừng Cầy có một nhà bia tưởng niệm. Ngày nay, nơi ấy thuộc về ấp Lưu Văn Vẳng, cách con đường 781 nối xã Thành Long lên xã Biên Giới chỉ khoảng 200 mét.

Lối vào rừng nay thật dễ nhận ra. Bởi tấm biển đúc bê tông nhỏ nhoi bị nứt nẻ đã được thay thế bằng bức tường xây rộng dài 1 x 2 mét, có trụ, đà viền quanh chắc chắn. Nền sơn xanh nổi bật hàng chữ lớn sơn trắng “Khu Di tích Căn cứ Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha”.

Ngay sau đó là vườn cao su 2 năm tuổi đang lên tươi tốt. Con đường xuyên qua vườn cao su nay cũng trải nhựa đường. Gần 200 mét là tới cửa rừng, mở ra một khung cảnh rừng nguyên sinh dưới trời xanh mây trắng bay bay.

Trưa một ngày tháng 6.2021, cái lõm rừng đầu tiên trên đường mòn vào rừng Cầy loang đầy ánh nắng, làm ửng lên sắc rêu xanh bám đầy trên mái nhà bia. Nắng rơi trên khoảng sân lát gạch màu hồng nhạt.

Ở rìa sân, ai đó đã kịp trồng vài bụi cây trinh nữ hoàng cung. Lá xoè cong đón nắng. Và kia, đúng lúc có vài chùm bông yểu điệu trắng ngời bung nở. Ở ngay dưới chân bệ tượng chân dung anh hùng liệt sĩ Ngô Thất Sơn- một trong những người chỉ huy đoàn quân Hải ngoại, vượt suối băng rừng trở về quê mẹ sau ngày Nam bộ kháng chiến 23.9.1945.

Rừng đã cao lên vống vót ở chung quanh ngôi nhà tưởng niệm. Mà ai mới đến lần đầu có thể nhầm là một ngôi miếu cổ. Cũng cột xây 4 góc làm thành bộ khung “tứ trụ”. Cũng hai tầng mái ngói đầu đao xếp lên nhau theo kiểu “chồng diêm”.

Tò mò đếm đo, thấy mặt bằng vuông, chỉ 3m6 mỗi chiều. Cộng số thước và tấc lại thành con số 9. Ðiều khác biệt với cổ miếu là đây: giữa nhà chỉ có tấm bia đá màu đen, chữ khắc chìm sơn trắng. Mặt trước là văn bia.

Mặt sau khắc tên 230 cán bộ và chiến sĩ Sivotha- Hải ngoại I. Dòng ghi chú cho biết thêm, là vào năm 1950 có tới 450 chiến sĩ. Nhưng rồi Ban liên lạc chỉ sưu tập được tên của 380 người. Năm 2001, tấm bia mới chỉ khắc được 230 dòng tên, họ, năm sinh và quê quán.

Ðứng trước văn bia. Ðọc những dòng đầu: “Nhớ năm 1945, mùa thu, tháng 8, Ðảng lãnh đạo toàn dân vùng lên khởi nghĩa. Chỉ trong tuần, chánh quyền trong cả nước đã về ta. Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc “Tuyên- Ngôn- Ðộc- Lập”- khai sinh “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà”.

Ðã thấy ngay rằng đây là loại văn bia không thể đọc lướt qua. Bởi đấy như là máu và tim óc người trong cuộc. Một trang sử vẻ vang trên đất Tây Ninh được mở ra. Này là: “Pháp chiếm ngay Kăm pu chia, gây hấn Sài Gòn, đánh Nam bộ hòng chiếm Việt Nam.

Cách mạng trong tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Thà chết chứ không chịu làm nô lệ- “Nam bộ thề quyết chiến để Tổ quốc quyết sinh”. Nhớ mãi lời ca: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba (23/9/1945) ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”

Nhớ lại lịch sử tháng, năm này. Ðường sắt xuyên Việt đã có nhiều chuyến tàu chở đoàn quân “Nam tiến”. Còn nơi đây- trên vùng hải ngoại Thái Lan, Campuchia: “Việt kiều Thái Lan, Kăm pu chia hướng về quê mà ruột nóng hơn than.

Ðược lời Ðảng, Việt kiều quyên tiền, vàng mua súng, động viên chồng, con, em mau tòng quân theo tiếng gọi non sông. Chủ trương “độc đáo” hợp lòng dân- ngày 10/8/1946- bộ đội “Ðộc lập số I Nam bộ” ra đời gồm 105 chiến sĩ.

Ð/c Trần Văn Giàu trao “Quân kỳ, kiếm lệnh” toàn quân tuyên thề giữa rừng xanh tận vùng biên đất Thái (Xiêm)/ Cấp tốc hành quân, đánh địch nhiều nơi, lội suối băng rừng, vượt thác lũ Mê Kông trời đêm rùng rợn… tuy có hy sinh nhưng đoàn quân vẫn tiến, đến tháng 10/1946 ra mắt tại Tây Ninh.

Tên được thay tuyên giữa đất trời. Bộ đội “Hải ngoại số I Nam bộ” do đồng chí Ngô Thất Sơn làm chỉ huy trưởng. Rừng Hòa Hội âm u vắng ngắt, bỗng vang lên khúc hát quân hành, vùng “Cây Cầy” nay trở thành căn cứ/ Sát cánh với Quân dân Tây Ninh lập nhiều chiến công diệt địch, lực lượng tăng, vùng giải phóng rộng thêm.

Dọc vùng biên Pháp thường xua quân sang Việt Nam đánh phá- máu chảy đầu rơi, xóm làng tang tóc! Hải ngoại I đến dẹp yên binh lửa, giải thích cho dân 2 bên hiểu rõ ngọn ngành... Nhận ra lẽ phải, vùng biên từ máu lửa, hận thù, chuyển hoá nhanh thành vùng biên hữu nghị- đoàn kết cùng chiến hào chống Pháp".

Buộc phải trích một đoạn dài. Vì đây là phần chủ yếu của văn bia. Lời văn lại phảng phất những âm điệu hùng tráng của không khí trên toàn dân đánh giặc thời kỳ đầu Nam bộ kháng chiến. Câu văn chắt lọc, thanh điệu bổng trầm như một hịch văn xưa.

Và hơn nữa, nội dung phản ánh đúng và đầy đủ một thời lịch sử. Sách Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930- 2005) (Nxb Chính trị Quốc gia, 2010) cũng xác nhận: “Khi thực dân Pháp tái chiếm Tây Ninh, chúng xúi giục bọn Khmer gian giết người Việt, cướp tài sản của đồng bào ta ở biên giới, do đó phải có bộ phận làm công tác vận động đồng bào Khmer.

Nay có Bộ đội Hải ngoại số 1 về đến Tây Ninh do đồng chí Ngô Thất Sơn chỉ huy, nên Tỉnh uỷ báo cáo với cấp trên cho bộ đội Ngô Thất Sơn ở lại Tây Ninh lo công tác Khmer vận. Ðược cấp trên chấp thuận, Tỉnh uỷ ra sức tạo điều kiện cho bộ đội Ngô Thất Sơn hoạt động…

Ðơn vị này không chỉ hoạt động ở 4 tổng người Khmer: Khăng Xuyên, Chơn Bà Ðen, Ta Pen Duyn, Băng Chơ Rum, mà còn mở rộng hoạt động sang cả khu Ðông bắc Campuchia… Tháng 9.1948, đơn vị này phát triển dần dần và hình thành bộ đội Sivotha có ảnh hưởng lớn và rộng rãi trong người Khmer ở Ðông bắc Campuchia, góp phần ổn định tình hình biên giới trong suốt thời gian kháng chiến…” (trang 90- 91).

Ðường vào căn cứ.

Ðến đây, xin được trích thêm đoạn kết của văn bia: “Bóng thốt nốt chở che quân tình nguyện “Anh Bộ đội Cụ Hồ” đi dân nhớ ở dân thương/ Trải 9 năm bao người ngã xuống! Máu chiến sĩ tình nguyện Việt Nam quện với máu chiến sĩ ISSARĂK Kămpuchia cho tình đoàn kết sắt son giữa hai dân tộc ngời ngời sáng mãi…/Khí thiêng anh hùng còn ngút rừng Hoà Hội/ “Chiến khu Cây Cầy” còn mãi dấu son/ Chỉ 5 năm (1946- 1950) thành luỹ thép kiên cường/ Hải ngoại I Sivotha- tên đã thành bất tử”.

Vẫn chưa hết những gì đáng nhớ. Sách "Di tích Lịch sử- văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh" (Sở VHTT&DL, năm 2014) còn cho biết thêm nhiều chi tiết quan trọng.

Như nơi thành lập và xuất quân bộ đội Ðộc lập số 1 (tiền thân của Sivotha) là ở chiến khu 4, Tà Om, biên giới tỉnh Bát tam bang nước Xiêm (nay là Thái Lan), hay sự hy sinh dũng cảm của người chỉ huy tài năng và dũng cảm Ngô Thất Sơn (9.1949).

Và đặc biệt là chi tiết: vào tháng 10.1948, khi bộ đội Hải ngoại số 1 được tăng cường sang giúp cách mạng Campuchia, đổi tên mới là bộ đội Sivotha, thì đồng chí Trần Văn Ðẩu, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 311 được điều sang làm Chỉ huy phó bộ đội Ðông bắc Khmer- Sivotha.

Ông từng chỉ huy đánh thắng trận đấu diệt Pháp trên đất Tây Ninh tại bàu Cá Trê ở xã Thanh Ðiền, và sau đó là cùng chi đội 11, rồi trung đoàn 311 đánh thắng quân Pháp nhiều trận trên đất Tây Ninh thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục