BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hai trái tim vàng bên bờ kênh tiêu 

Cập nhật ngày: 02/06/2023 - 11:07

BTNO - Gần 30 năm chung sống, vợ chồng họ có hai con gái: một đã gả chồng về Suối Ngô, một vừa mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa và ở lại Thành phố Hồ Chí Minh đầu quân cho một công ty.

Không biết gọi nơi ở của vợ chồng ông Lê Văn Hải (Năm Hải, sinh năm 1962, Nhâm Dần) và bà Phạm Thị Kim Nguyên (sinh năm 1968, Mậu Thân) ở ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu là nhà ở, kho chứa đồ hay chòi cho chính xác.

Nếu nhìn bốn bức tường xây gạch chưa tô, nóc lợp tole, cửa đi mặt trước, cửa hậu vách sau, hai bên hông có hai ô cửa sổ thì đúng là quy cách của nhà ở dạng mái ấm tình thương. Nhưng cả ngày, không ai ở trong mái ấm đó, mà như lời ông Hải nói thì hai vợ chồng ông gần như “lang thang” suốt ngày ở mảnh vườn gần một hecta quanh nhà, với đủ loại cây ăn trái: sầu riêng, dừa, mít, thơm, đu đủ…

Hai người chỉ quay vô nhà để ăn cơm, nhưng chỗ ăn, nghỉ lại là mái bếp nho nhỏ che chắn bên một vách hông. Còn nhà thì như cái kho chứa quần áo và một ít đồ đạc không tiện để ngoài mưa nắng… 

Nhưng dù gọi là nhà, là kho hay là chòi… gì gì đi nữa, rõ ràng cảm giác của người ngoài khi đến đây đúng là nơi đang có hai trái tim vàng, bất chấp tuổi của họ là một cặp đối kháng trực tiếp trong nhóm tứ hành xung: Dần - Thân (Tỵ - Hợi). 

Ông Hải - người Mỹ Long, Cai Lậy, sinh ra ở vùng trái cây nổi tiếng xứ Tiền Giang, nhưng gia đình ít đất, nên lớn lên ông đi làm mướn khắp miền Tây. “Mùa lúa thì qua Đồng Tháp thổi lúa, mùa thơm thì về Vị Thanh, Hỏa Lựu, Nông trường Cờ Đỏ, Thới Lai (Hậu Giang) chở thơm, mùa khoai chạy ghe đi tới ruộng chở khoai giao cho mối lái… mãi đến năm 1995, lên Tây Ninh phóng lúa, trồng mía cho người cô ruột ở Bến Kéo, Long Thành Nam, Hoà Thành mới cưới được vợ và đùm túm nhau lên Tân Hội chung sống đến tận bây giờ” - ông Hải nói.

Vợ ông - người phụ nữ đội chiếc mũ vải rộng vành và nụ cười lạc quan nâng niu mấy hàng thơm mật trồng xen canh với sầu riêng ngoài vườn, sinh ra và lớn lên tại thủ phủ “vùng đất Thánh Cao Đài” Long Hoa, Hoà Thành, nơi ăn đậu hủ nhiều hơn thịt, cá. Có lẽ vậy mà tính cách bà Nguyên đằm thắm, dịu dàng, không rổn rảng, tiếng to như chồng bà – một chàng trai Cai Lậy miền Tây.

Bà Nguyên nhỏ nhẹ: “Vợ chồng nghèo đến với nhau từ hai bàn tay trắng, nhưng yêu thương nhau nên chí thú mần ăn, chủ yếu là làm thuê cho cô ruột của chồng. Rồi bà cô bán mấy mẫu đất trồng mía không hiệu quả, không thuê vợ chồng làm công nữa.

Vợ chồng bàn nhau vay nợ ngân hàng mua được ba mẫu đất rừng để tự làm. Lúc đó, người ta bán 17 triệu đồng một mẫu, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 8 triệu đồng/mẫu.

Cho nên, ngoài số tiền dành dụm có được, vợ chồng tôi phải hỏi vay bà con dòng họ thêm một ít. Mấy năm sau tới hạn ngân hàng, lại phải bán đi hai mẫu, dư được vài chục triệu, gửi về Cai Lậy sửa sang nhà cửa cho cha mẹ chồng”. 

Tôi đảo mắt nhìn phần đất còn lại quanh nhà. Phía trước là con kênh tiêu Hội Thạnh cắt ngang mặt với hàng chuối sứ lùn khoẻ mạnh chạy dọc bờ kênh. Còn ranh đất nhà với đất hàng xóm là dừa xiêm xen giữa mít Thái được trồng bao quanh trông như cái móng ngựa bọc ngoài.

Phía trong móng ngựa, trừ cái nhà ra là những hàng sầu riêng Ri6 năm năm tuổi, một số cây có trái năm đầu được trồng thẳng tắp, song song với những hàng thơm mật đang cho trái và một khoảnh đất nho nhỏ dưới gốc xoài đang ươm giống đu đủ lùn siêu trái.

Trong lúc ông Hải vẫn đứng dưới gốc Sầu Riêng, say sưa trao đổi kinh nghiệm, quy trình chăm sóc bón phân, quy cách béc tưới, kỹ thuật cắt cành, kích rể, thụ phấn, tạo nụ, chừa trái cho cây sầu riêng với ông Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội, bà Nguyên đã chọn một quả thơm mật nặng hơn 5kg mang vào nhà gọt vỏ, bổ tám xẻ tư làm mồi nhắm rượu cho chồng đãi khách.

Kỳ lạ ở người phụ nữ có gương mặt rạm nắng, da bánh mật này như vẫn còn ẩn chứa sự khắc cốt ghi tâm câu tứ đức tam tòng trong những gia đình có truyền thống lưu giữ nền nếp gia phong đã cũ, làm để đẹp mặt chồng khi nhà có khách.

Gần 30 năm chung sống, vợ chồng họ có hai con gái: một đã gả chồng về Suối Ngô, một vừa mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa và ở lại Thành phố Hồ Chí Minh đầu quân cho một công ty. Giờ đây, tôi nghĩ họ chẳng khác nào một cặp vợ chồng son mà tuần nào, trong vuông đất chen đủ loại cây ăn trái này, với họ cũng đều là tuần trăng mật. 

Tôi và ông Chủ tịch Hội Nông dân xã khum người khiêng chiếc bàn nhỏ ra gốc xoài. Ông Năm Hải một tay cầm chai rượu đế, một tay cầm mấy chiếc ly mắt trâu đi theo, còn bà Nguyên bước ra khỏi bếp, bê dĩa thơm mọng nước và chén muối còn xốc mùi ớt xanh bà vừa đâm bảy ba.

Tay nâng ly rượu mời, miệng ông Hải nại theo giọng Thanh Sang: "Rượu quán nghèo… uống… đi đại huynh!". Tôi nghĩ thầm: Cái ông nông dân U70 mà miệng mồm như tép nhảy này cũng không phải dạng vừa. 

Rượu vào lời ra! Năm Hải tóm tắt lý do một mẫu đất lúc mua 17 triệu, bây giờ nhiều người trả 5 tỷ mà ông không thèm bán. Ông kể: "Có được mẫu đất này thật là trần ai. Năm 1998, vợ chồng tôi trồng cao su, mới được năm. Thấy cao su xấu xấu kỳ quá, chặt bỏ.

Vợ chồng bàn nhau trồng điều, rồi lại phá điều trồng tầm vông với ý định bỏ đám tầm vông ở đây, quay về Đồng Tháp mở vựa trái cây ngay cầu Cao Lãnh. Đến khi thu hoạch tầm vông thì quay lại trên này kéo về dưới bán cho người ta làm nhà.

Nhưng về Đồng Tháp, ông anh lại nói: Giờ tầm vông ế lắm! Vợ chồng lại quay lên phá tầm vông trồng lại cao su. Trồng được 3 năm, tui đút dao mở miệng cạo là 48k/kg mủ. Cứ 10 ngày cạo một lần, bán được 4 triệu mấy.

Thấy ngon lành rồi thôi. Lúc lên đỉnh, giá mủ cao su được 104.000 đồng/ kg. Xung quanh xóm này ai có 5 – 10 mẫu là mua xe con hết. Thời điểm đó, cứ 10 ngày, vợ chồng tui được mười mấy triệu.

Có được ít “máu” gửi tiền về quê, kêu xi măng cát đá xây lại nhà cho cha mẹ ngon lành. Năm năm trước, giá cao su tuột xuống tới đáy, chỉ còn 28.000 đồng/ kg. Thấy giá này không gánh nổi. Tiền mủ cạo được bán không đủ trả tiền công. Hai vợ chồng quyết định phá cao su, rồi chuyển qua trồng sầu riêng.

Giờ, trên mẫu đất này, vợ chồng tôi có 200 gốc chuối, mít và dừa 300 cây, sầu riêng 291 cây, thơm 3000 gốc và đang ương ươm 15 ngàn cây đu đủ. Chỉ phần sầu riêng thu hoạch năm nay chắc cú là hai tấn, nhưng năm sau phải bảy tám tấn. Cứ tính giá thu tại vườn là 50 ngàn đồng/ kg, tui đã bỏ túi gần nửa tỷ bạc.

Còn 3.000 gốc thơm, mỗi gốc có một trái và mười cây thơm con. Mỗi trái thơm nặng 5 ký, mỗi ký 15 ngàn đồng. Cây thơm con bán 10 ngàn một cây. Tính ra phần thơm, mỗi năm cũng bỏ túi nửa tỷ đồng. Giờ bỏ ra 5 tỷ để mua phần đất này, thì chỉ năm năm sau đã thu hồi vốn rồi".

Quả thật, nếu tính như ông, tôi nhẩm phần thu nhập cộng thêm có được do thu hoạch hằng năm từ 200 bụi chuối sứ lùn trồng dọc bờ kinh tiêu, 300 gốc mít Thái trồng xen dừa xiêm bao quanh ranh đất theo giá hiện hành, thì cả tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) và cả tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đều cho ra những con số hấp dẫn mà không phải nhà doanh nghiệp giỏi nào cũng sở hữu được. 

Trước khi xuống thăm nhà vợ chồng Năm Hải, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hội Hoàng Văn Hữu nhấn nhá niềm phấn khởi, rằng đây là gia đình điển hình nông dân giỏi, thành công với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả (lúa, mía, cao su) sang trồng cây hàng năm (bắp, mì, cây hàng bông), cây ăn trái tiềm năng có giá trị cao (sầu riêng, mít, bưởi da xanh, nhãn…).

Giờ đây, từ những gì nghe thấy trực tiếp, khẳng định sự phấn khởi của Bí thư xã là có cơ sở thuyết phục. Tôi cũng mừng và nể phục thành quả lao động của vợ chồng họ, nhưng họ còn cho tôi sự kính trọng thực thụ khi cảm nhận được sự lạc quan hiện hữu toát lên từ “hai trái tim vàng trong túp lều tranh” lẻ loi cạnh bờ kênh tiêu Hội Thạnh. 

Không biết rượu nói hay là lời nói từ trái tim, ông Hải đặt ly rượu vừa uống xuống bàn, khề khà hé lộ “một sự thật động trời” mà ông tự thú nhận: “Tui Dần, bả Thân nhưng tôi rất rất sợ… vợ nhe. Mỗi lần bả hét tôi làm thinh và chạy đi chỗ khác. Lúc đó, muốn kiếm được tôi, bả phải quỳ gối mới thấy, vì tôi… đang trốn dưới giường… ha ha ha!” 

PN. Nguyễn Thiện