BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hai vụ tai nạn giao thông, hai cách xử lý đáng “băn khoăn”…

Cập nhật ngày: 12/06/2016 - 08:07

Chị Hoàng tại phiên toà được tuyên “miễn trách nhiệm hình sự”.

Một vụ tai nạn giao thông giữa hai xe mô tô, hoà giải ban đầu, người bị thiệt hại về sức khoẻ chỉ yêu cầu bồi thường dân sự. Người bị yêu cầu bồi thường dân sự cho rằng lỗi không thuộc về mình nên đề nghị chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) xử lý theo quy định. Kết quả, người tự thấy rằng mình không có lỗi lại bị CQĐT khởi tố hình sự.

Một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy cày không có giấy đăng ký, không có đèn chiếu sáng, người điều khiển máy cày không có giấy phép lái xe với xe mô tô khiến người điều khiển xe mô tô tử vong trên đường đi cấp cứu. Thế nhưng, vì không xác định được lỗi là do người điều khiển xe máy cày nên không khởi tố vụ án, cho dù người và xe của nạn nhân đều nằm sát lề phải khi xảy ra va chạm.

Vụ thứ nhất- Người đề nghị chuyển CQĐT bị khởi tố

Ngày 3.6.2016, TAND thành phố Tây Ninh đưa vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Thị Trang Hoàng (SN 1975, ngụ ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) ra xét xử.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) thành phố Tây Ninh cho biết, vào khoảng 14 giờ ngày 8.5.2015, bị cáo Hoàng điều khiển xe mô tô biển số 70B1–135.92 chở mẹ chồng là bà Trần Thị Quế (sinh năm 1951) lưu thông trên đường 30.4, từ hướng ngã ba Mũi Tàu về hướng Trường THCS Trần Hưng Đạo. Cùng lúc này, anh Kiều Minh Trung (ngụ Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) điều khiển xe mô tô biển số 70R2–1347 chở vợ là chị Đỗ Thị Thanh Hiền, lưu thông trên đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8), từ hướng nội ô Toà thánh ra cầu Quan. Khi đến vòng xuyến giao lộ đường 30.4 và CMT8 (thuộc khu phố 1, phường 1, Thành phố), do Hoàng điều khiển thiếu quan sát phía trước, không nhường đường cho xe đi bên trái khi vào vòng xuyến, nên bánh trước xe Hoàng va chạm vào hông xe anh Trung, làm chân phải của chị Hiền kẹt vào ống pô và bánh xe phía sau. Chị Hiền bị thương tích nặng ở phần gót và bàn chân, phải đi Bệnh viện đa khoa Lê Ngọc Tùng cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh điều trị, đến ngày 24.6.2015 thì xuất viện. Kết luận giám định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị Hiền là 32%.

VKS kết luận hành vi của Nguyễn Thị Trang Hoàng đã vi phạm vào khoản 2 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác, nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, VKS truy tố Nguyễn Thị Trang Hoàng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS. Tại phiên toà, VKS đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 202, điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 31 BLHS xử phạt bị cáo từ 6 tháng đến 9 tháng cải tạo không giam giữ.

Tại phiên toà, trả lời HĐXX, bị cáo Hoàng cho rằng xe anh Trung chạy vào vòng xuyến rất nhanh, khiến bị cáo Hoàng không thắng kịp, xảy ra va quẹt, xe bị cáo Hoàng ngã xuống, còn xe anh Trung vẫn chạy thêm khoảng 8 - 9m rồi dừng lại, không ngã. Còn anh Trung cho rằng xe bị cáo Hoàng va chạm vào giữa xe anh, nguyên nhân xảy ra TNGT là lúc đó chị Hoàng nói chuyện với mẹ nên không chú ý quan sát.

Sau khi nghị án, thẩm phán chủ toạ phiên toà nhận định: Có đủ cơ sở kết luận bị cáo Hoàng phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 BLHS. HĐXX áp dụng BLHS 1999 và BLHS 2015 theo hướng có lợi cho bị cáo theo tinh thần của Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27.11.2015. Vì vậy, toà tuyên bị cáo Hoàng phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nhưng “miễn trách nhiệm hình sự”, buộc bị cáo Hoàng có trách nhiệm bồi thường hơn 22 triệu đồng (trước đó đã bồi thường 40 triệu đồng). HĐXX khẳng định: “Đây không phải vụ án oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, do đó bị cáo không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Được biết, khi xảy ra vụ TNGT, quá trình xử lý, gia đình bị cáo Hoàng cho rằng TNGT xảy ra là do lỗi của anh Trung nên không đồng ý bồi thường dân sự mà đề nghị chuyển CQĐT xử lý theo quy định. Sau đó, chị Hoàng bị khởi tố và bắt giam. Khi vào trại giam, chị Hoàng bồi thường 40 triệu đồng, sau đó được bảo lãnh tại ngoại để điều tra.

Vụ thứ hai- Lái xe máy cày va chạm xe mô tô gây chết người không bị khởi tố

Vào khoảng 19 giờ ngày 13.2.2015, khi hay tin đứa con trai duy nhất là Lê Văn Đường vừa bị TNGT, ông Lê Văn Bích (ngụ ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) và một người đàn ông tên là Mười đang làm thuê tại một nhà gần đó vội chạy đến hiện trường. Lúc này, ông Bích thấy con trai mình đã té xuống đường, đầu chảy máu rất nhiều. Tiếp đến, một số người trong xóm, trong đó có vợ chồng ông Phan Văn Trề cũng vừa chạy đến dùng xe gắn máy chở Đường đến trạm y tế xã Lộc Ninh, sau đó đưa đến Bệnh viện Lê Ngọc Tùng, nhưng con ông Bích đã chết dọc đường.

Theo ông Bích, khi ông chạy đến hiện trường, ông thấy con ông nằm sát lề đường bên phải, hai chân rớt xuống mương. Gần đó là chiếc xe mô tô 70H2 – 2878 mà trước đó con ông Bích điều khiển, cũng ngã về phía phải, cách chỗ con ông nằm khoảng 3m.

Theo tường trình của ông Phan Văn Trề, vào khoảng 19 giờ ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (ngày 13.2.2015), ông thấy xe máy cày của ông Trần Quốc Hải chở đầy dây đậu, nhưng không có đèn chiếu sáng. Trên đầu ông Hải chỉ có gắn cây đèn nhỏ. Ông Trề cho biết, mặt đường rộng 5,5m, từ chỗ va chạm cách lề đường 2m (thuộc phía phải đường). Sau khi xảy ra va chạm, xe máy cày chạy khoảng 100m rồi dừng lại, có người xuống xe nhìn về phía xảy ra tai nạn rồi lên xe chạy luôn.

Gia đình ông Bích cho biết, khi vụ TNGT xảy ra, CQĐT không tìm và tạm giữ xe máy cày để làm rõ vụ án, sau đó khá lâu, khi có tin báo của người làm chứng, CQĐT mới đưa xe máy cày về tạm giữ (sau đó vài ngày cũng trả xe cho chủ) rồi ra quyết định không khởi tố vụ án là chưa khách quan và đúng quy định. Vì vậy, ông Bích liên tục khiếu nại CQĐT Công an huyện Dương Minh Châu, VKSND huyện Dương Minh Châu vì có nhiều vi phạm như: người điều khiển xe máy cày không có bằng lái xe; xe không có đèn chiếu sáng bảo đảm an toàn giao thông; xe chạy lấn tuyến nên gây TNGT.

Ngày 25.9.2015, CQĐT Công an Dương Minh Châu ra quyết định giải quyết khiếu nại, nội dung cho rằng lúc đầu, qua khám nghiệm hiện trường và điều tra thu thập chứng cứ, CQĐT Công an huyện xác định đây là vụ TNGT, nhưng phương tiện nào va chạm với xe mô tô do anh Đường điều khiển thì chưa xác định được. Đến ngày 25.2.2015, CQĐT mới xác định thời điểm xảy ra TNGT có xe máy kéo do Trần Quốc Hải điều khiển chở dây đậu phộng đi ngang qua đoạn đường này, tuy nhiên khi khám nghiệm xe lại không phát hiện dấu vết nghi vấn; đồng thời ông Hải cũng không thừa nhận gây TNGT với xe anh Đường, nên CQĐT trả xe lại cho ông Hải. Sau đó, qua điều tra, đến ngày 23.5.2015 ông Hải mới nhận gây TNGT với xe anh Đường, nên CQĐT tiếp tục tạm giữ xe máy cày. Sau đó, CQĐT tiến hành thực nghiệm điều tra đối với hiện trường vụ TNGT, nhưng không xác định được TNGT trên do lỗi của ông Hải.

Không đồng ý với quyết định trên, ông Bích khiếu nại đến VKSND huyện Dương Minh Châu. Ngày 8.10.2015, VKSND huyện Dương Minh Châu ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, nội dung giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng CQĐT Công an Dương Minh Châu, bác đơn khiếu nại của ông Bích.

Ông Bích vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND huyện Dương Minh Châu nên có đơn gửi VKSND tỉnh và các cơ quan pháp luật khác. Được biết, sau đó hồ sơ vụ án được VKSND tỉnh rút lên kiểm tra xem xét.

Đôi điều băn khoăn

Rõ ràng, hai vụ tai nạn giao thông nêu trên tuy có tình tiết khác nhau, hậu quả khác nhau, nhưng vẫn có một điểm chung là… “ngoài ý muốn” của cả người gây tai nạn và người bị tai nạn. Điều đáng băn khoăn ở đây là, một vụ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, chết người, đối tượng điều khiển xe máy cày vi phạm hàng loạt quy định theo Luật Giao thông đường bộ thì... “thoát trách nhiệm”. Còn một vụ gây hậu quả mức độ nhẹ hơn, người bị tổn hại sức khoẻ ban đầu chỉ yêu cầu bồi thường dân sự, thì người yêu cầu “làm rõ” lại bị khởi tố hình sự, thậm chí bị bắt tạm giam...

ĐỨC TIẾN