Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều năm qua, người dân ngụ tổ 16, ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu hết sức lo lắng về một khu hầm khai thác đất khá sâu, rất nguy hiểm, nằm trong khu dân cư nhưng không được rào chắn.
Một góc khu hầm khai thác đất.
“Ðã có 3 vụ chết người do đuối nước xảy ra tại đây, hai vụ trước cách nay khoảng 14 năm, vụ gần đây nhất xảy ra đúng vào ngày 29 tết vừa qua, nhằm ngày 7.2.2017. Hầm khai thác đất khá sâu, gần như nằm giữa khu dân cư, chỉ cách Trường tiểu học Tiên Thuận C khoảng 500m, nên chúng tôi rất lo ngại cho sự an toàn của con em mình, rất mong chính quyền can thiệp để hầm sâu nguy hiểm này sớm được rào chắn”, một người dân tên Lâm Văn Lạc (69 tuổi) cho biết.
Ông Trần Thanh Vũ, Trưởng ấp Bàu Tràm Lớn xác nhận đã có em nhỏ chết dưới hầm sâu do đuối nước. Nhiều năm qua, khu vực hầm khai thác đất này thực sự là nỗi lo canh cánh của người dân địa phương, trẻ em trong xóm đều bị cha mẹ cấm đến gần khu hầm…
Ông Nguyễn Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận cho hay, cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề cần rào chắn khu vực hầm khai thác đất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được, bởi lẽ, hầm đất đã trải qua nhiều đơn vị khai thác khác nhau, người chịu trách nhiệm cuối cùng đã rời khỏi địa phương. UBND xã Tiên Thuận sẽ có kiến nghị gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện để làm rõ nguồn gốc mỏ đất, cũng như đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về những việc có liên quan.
Về phía ngành chức năng, ngày 10.10, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cầu cho biết, khu khai thác đất này hoạt động không phép nên không có hồ sơ lưu, chỉ biết khu mỏ hoạt động vào khoảng năm 2000, và đã trải qua nhiều chủ đầu tư khác nhau. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về hướng giải quyết.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy khu vực hầm khai thác đất có diện tích lên tới khoảng 1,5 ha, nhiều đoạn bờ cao thẳng đứng, không ít chỗ đã bị sạt lở và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở sâu vào đất của dân. Cỏ dại phủ rợp theo bờ, trông chẳng khác nào cái bẫy đang chực chờ ở phía sau bờ cỏ. Ông Lâm Văn Lạc kể về nguồn gốc khu hầm đất: khoảng năm 2000, khu đất này của ông Ðặng Văn Công (đã chết) bán cho ông Ðặng Văn Thành, sau đó, ông Thành bán cho ông Kết.
Ông Kết tiến hành khai thác đất, về sau khu hầm đất lại được bán cho nhiều người khác nữa, người cuối cùng có tên là Hạnh ngụ ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hạnh khai thác được một thời gian thì ngưng và rời khỏi địa phương. Nên chăng, cần rà soát lại tất cả những chủ đầu tư đã từng khai thác hầm đất để truy cứu trách nhiệm có liên quan. Hiện tại, người dân ấp Bàu Tràm Lớn vẫn đang từng ngày mong khu hầm sớm được rào chắn an toàn.
Quốc Sơn - Minh Tiên