BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hạn chế án dân sự bị huỷ, sửa, nâng cao chất lượng xét xử 

Cập nhật ngày: 10/03/2022 - 19:58

BTNO - Những năm gần đây, công tác xét xử án dân sự ở TAND hai cấp có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng và tiến độ giải quyết vụ án; tuy nhiên, tỷ lệ án bị huỷ, sửa vẫn còn xảy ra.

Hạn chế án dân sự bị huỷ, sửa, nâng cao chất lượng xét xử (ảnh minh hoạ).

Theo đánh giá của TAND tỉnh, các tranh chấp về dân sự ngày càng phức tạp do liên quan đến nhiều người, nhiều tài sản, ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh. Trong các loại án tranh chấp về dân sự thì các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất chiếm đa số.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, TAND hai cấp luôn chú trọng công tác hoà giải (trong năm 2021, đã có 5.731/6.989 vụ án được hoà giải thành, đạt tỷ lệ 82%). Toà án hướng dẫn, hỗ trợ cho các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng, nhất là thủ tục thu thập chứng cứ, tham gia hoà giải; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự.

“Chất lượng xét xử án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, án bị huỷ do vi phạm thủ tục tố tụng, bỏ sót người tham gia tố tụng đã được khắc phục đáng kể, số án của Toà án cấp huyện bị Toà án cấp tỉnh huỷ đã giảm, số án bị Toà án cấp cao huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm chủ yếu là huỷ về vấn đề đánh giá chứng cứ”- một lãnh đạo TAND tỉnh cho biết.

TAND huyện Gò Dầu cho biết, những năm gần đây, số vụ án tranh chấp về dân sự ngày càng nhiều, nhất là tranh chấp liên quan đến đất đai, tính chất vụ việc phức tạp, khó giải quyết dẫn đến vụ việc kéo dài. Đối với tranh chấp về đất đai, có những vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án phải thực hiện việc đo đạc, xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tranh chấp nhưng sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành còn chậm. Một số vụ án đương sự có thái độ không hợp tác khi thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo tố tụng đã gây khó khăn cho Toà án trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh. Tuy nhiên, nhiều vụ án, một trong các bên đương sự xuất trình bổ sung thêm được những chứng cứ mới tại Toà án cấp phúc thẩm, làm thay đổi tình tiết của vụ án dẫn đến việc huỷ, sửa án hoặc có trường hợp đương sự lạm dụng pháp luật tố tụng đã cố tình không cung cấp chứng cứ ở cấp sơ thẩm, đến giai đoạn cấp phúc thẩm, đương sự xuất trình chứng cứ mới dẫn đến phải huỷ án hoặc sửa án vì không thể bổ sung được.

Trong năm 2021, TAND huyện Gò Dầu giải quyết 896/1.117 vụ, việc đã thụ lý các loại, đạt 80,21%. Trong đó, án dân sự bị huỷ 8 vụ, bị sửa là 33 vụ (cụ thể, án bị huỷ do lỗi của thẩm phán 3 vụ; không có án bị sửa do lỗi của thẩm phán; án bị huỷ không do lỗi của thẩm phán là 5 vụ và án bị sửa không do lỗi của thẩm phán 33 vụ).

Qua nhiều năm tổ chức rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn xét xử, TAND huyện Gò Dầu cho rằng nguyên nhân chủ quan dẫn đến án dân sự bị huỷ, sửa là do vi phạm về thẩm quyền vụ án. Chẳng hạn, đương sự đang sinh sống, cư trú ở nước ngoài nhưng lại làm đơn khởi kiện và uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức ở Việt Nam thực hiện quyền của mình khi tham gia tố tụng. Trong trường hợp này, lẽ ra thẩm phán phải xác định vụ án có đương sự ở nước ngoài và thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh nhưng TAND cấp huyện đã thụ lý, giải quyết là không đúng thẩm quyền.

Điểm b, khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Toà án phải trả lại đơn khi đương sự chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định pháp luật. Có những vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất bị huỷ do Toà án thụ lý giải quyết khi tranh chấp giữa các đương sự chưa thực hiện thủ tục hoà giải ở cơ sở hoặc hoà giải thiếu thành phần bắt buộc theo đúng quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.4.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Trường hợp này, Toà án đã thụ lý quyết vụ án là vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ngoài ra, một số thẩm phán chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ không kỹ, bỏ lọt chứng cứ, bỏ lọt người tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ phiến diện, chủ quan dẫn đến việc ban hành quyết định, bản án không đúng, vi phạm tố tụng.

Chẳng hạn, Toà án cấp sơ thẩm không xem xét, thẩm định tại chỗ để làm rõ diện tích đất đang tranh chấp trên đất gồm có những gì, tình trạng tài sản và thực tế thường thẩm định thiếu về tài sản trên đất cũng như không mô tả cụ thể, rõ ràng, chính xác đất cùng tài sản trên đất. Do vậy, khi giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã đưa ra những phán quyết mà thực tế không thể thi hành án được, dẫn đến bị Toà án cấp trên huỷ hoặc sửa án.

Hay tại chương VI Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về người tham gia tố tụng, trong đó quy định rõ về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng quyền và nghĩa vụ của đương sự. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp có sai sót trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự và không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng...

Để hạn chế các vụ án dân sự bị huỷ, sửa, TAND huyện Gò Dầu kiến nghị Toà án cấp trên cần tăng cường hướng dẫn, thông tin pháp luật để các thẩm phán, hội thẩm nhân dân nắm bắt và vận dụng có hiệu quả trong công tác xét xử. Cần có quy chế phối hợp giữa TAND cấp huyện, tỉnh với UBND cùng cấp để tạo thuận lợi cho các đơn vị cấp sơ thẩm trong việc giải quyết, xét xử các vụ án, nhất là vụ án dân sự liên quan đến đất đai.

Năm 2021, tổng số các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động mà TAND hai cấp thụ lý là 9.128 vụ việc; giải quyết 6.989 vụ việc, đạt 76,57% (trong đó, án dân sự đã thụ lý 4.052 vụ việc, giải quyết 2.544 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,78%).

Thiên Di