Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hạn chế lãng phí trong đầu tư xây trường chuẩn quốc gia
Thứ tư: 05:31 ngày 20/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, quy định rõ số phòng chức năng trên quy mô lớp theo hướng lồng ghép để giảm suất đầu tư. Sau đó, Sở có văn bản hướng dẫn đầu tư xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Các thành viên Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát đầu tư mua sắm thiết bị dạy học ở Hoà Thành.

Công tác đầu tư, quản lý và sử dụng thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục và tình hình xây dựng trường chuẩn quốc gia là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX vừa qua.

 Xung quanh nội dung trên, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, căn cứ theo các quy định hiện hành, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục hằng năm dựa vào nhu cầu thực tế của đơn vị và chỉ đạo chuyên môn của ngành theo các dự án, chương trình.

Theo kế hoạch năm, các đơn vị trực thuộc, trường học tổ chức rà soát tổ bộ môn, phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp nhu cầu đưa vào dự toán ngân sách năm (trước tháng 10) theo đúng Luật Ngân sách. Đối với các trường cải tạo, nâng cấp sửa chữa hoặc xây mới, dự toán trang thiết bị được các ban quản lý dự án xây dựng dựa trên kết quả rà soát hiện có, nhu cầu cần trang bị mới và được sự thống nhất của hiệu trưởng đơn vị sử dụng trước khi đưa vào kế hoạch trang bị.

Thiết bị giáo dục được trang bị hằng năm đến các trường, số lượng có tăng do nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận, giảng dạy tích hợp, lấy học sinh làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Nhìn tổng thể, thiết bị giáo dục ở các trường học trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại, chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo danh mục chuẩn. Việc bổ sung, thay thế thiết bị của các trường học được thực hiện một cách tiết kiệm, hiệu quả và gắn mục tiêu cụ thể xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng lồng ghép xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm đã được UBND tỉnh chỉ đạo.

Công tác quản lý, sử dụng thiết bị giáo dục đã được ngành chỉ đạo sâu sát, các phòng chuyên môn Sở GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn khai thác có hiệu quả trang thiết bị, gắn việc sử dụng thiết bị vào bài giảng của giáo viên, tổ chức thi thí nghiệm thực hành các vòng trường, huyện, tỉnh.

Hằng năm có tổng kết đánh giá, xếp loại thi đua các đơn vị gắn liền với công tác quản lý và sử dụng thiết bị. Rút kinh nghiệm về việc đầu tư thiết bị cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, việc trang bị cho ngành học mầm non, phổ thông được thực hiện theo hướng rà soát nhu cầu của đơn vị và chủ trương của ngành, để phát huy hiệu quả sử dụng, không lãng phí và góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Về tình hình đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tổng số trường đạt chuẩn (tính đến tháng 11.2017) là 170. Trong đó, bậc học mầm non, mẫu giáo có 36 trường, tiểu học 84 trường, THCS 43 trường và THPT 7 trường. Đánh giá kết quả đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trong giai đoạn đầu tư khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới, việc lựa chọn trường để tham mưu đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia được thực hiện theo hướng chọn những trường có quy mô lớp nhiều.

Vì vậy, các trường khi đạt chuẩn đã phát huy hiệu quả, cơ sở vật chất được khai thác tốt, không lãng phí. Đến giai đoạn đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng xã nông thôn mới, các trường học trên địa bàn xã dù quy mô nhỏ hay lớn đều được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, có đầy đủ các phòng chức năng. Do vậy, nhiều trường quy mô nhỏ đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn này có các phòng chức năng chưa được sử dụng hết công suất, gây lãng phí trong đầu tư.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, quy định rõ số phòng chức năng trên quy mô lớp theo hướng lồng ghép để giảm suất đầu tư. Sau đó, Sở có văn bản hướng dẫn đầu tư xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất đối với các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, các địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng xã nông thôn mới theo hướng dẫn trên. Cơ sở vật chất các trường được khai thác có hiệu quả, tránh được hiện tượng lãng phí.

So với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như so với kế hoạch của tỉnh, tỷ lệ, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở Tây Ninh vẫn còn thấp. Tình hình xây dựng trường chuẩn quốc gia còn bất cập hơn khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai.

Quy định tất cả trường học, bất kể quy mô lớn nhỏ ở xã nông thôn mới đều phải đạt chuẩn quốc gia là một quy định thiếu thực tế. Dân số giảm (hoặc tỷ lệ tăng dân số thấp) khiến số lượng học sinh hầu như đều giảm ở tất cả các cấp, bậc học trừ mầm non. Trong khi đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tại mỗi ấp hiện nay đều có một trường tiểu học.

Có những trường, số học sinh chưa quá 100 em nhưng vẫn phải xây trường chuẩn quốc gia. Đó là điều hết sức vô lý. Trong nhiều lần giám sát, cơ quan dân cử đã chỉ ra rằng: tại xã nông thôn mới, không nhất thiết các trường học phải đạt chuẩn quốc gia, chỉ cần kiên cố hoá, có phòng học khang trang là được. Sự điều chỉnh của ngành Giáo dục Tây Ninh trong vấn đề xây trường chuẩn quốc gia ở xã nông thôn mới là một bước đi phù hợp thực tế.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục