Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo nhiều bạn đọc, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động chưa hợp lý với từng loại đối tượng lao động, ngành nghề.
Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, đại diện một công ty ở tỉnh Bình Dương cho hay ở công ty hiện nay đang có tình trạng nhiều công nhân có tay nghề ở độ tuổi 38-42 xin nghỉ để rút BHXH một lần gây biến động lao động trong doanh nghiệp.
Số này đi làm từ rất trẻ và đã có nhiều năm tham gia BHXH. Trước tình trạng doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, họ lo lắng việc làm không đảm bảo, dễ bị cắt giảm, khó xin việc, trong khi thời gian chờ hưởng hưu quá dài nên quyết định nhận BHXH một lần.
"Nếu tuổi nghỉ hưu được xem xét giảm và lương tối thiểu vùng tăng để cải thiện mức đóng từ đó tăng lương hưu thì có khả năng người lao động sẽ thay đổi quyết định, có động lực đóng BHXH lâu dài để hưởng lương hưu" – đại diện công ty nói.
Cán bộ Công đoàn một doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận sau khi Luật BHXH năm 2014 ban hành, quyền lợi đối với người hưởng chính sách BHXH một lần tăng (từ 1,5 tháng lương lên 2 tháng lương bình quân đóng cho 1 năm tham gia BHXH) nhưng quyền lợi đối với người hưởng lương hưu lại giảm (lao động nam phải đóng 20 năm mới được hưởng 45%, lao động nữ hưởng 45% sau 15 năm đóng BHXH, sau đó mỗi năm chỉ được tính 2%/năm so với 3% trước đây, sau khi đóng đủ số năm thì hưởng mức tối đa 75%, số năm đóng dư chỉ được tính 0,5 tháng lương/năm đóng...). Mặt khác, chỉ số quy đổi bù trượt giá chưa hợp lý, chưa theo kịp trượt giá và mức tăng của lương tối thiểu vùng nên chưa khuyến khích được NLĐ tham gia BHXH lâu dài để hưởng lương hưu.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của bạn đọc. Một bạn đọc tên Liêm bày tỏ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động (NLĐ) đã luôn đồng hành và gần gũi nắm bắt, hiểu được việc làm và cuộc sống của đại bộ phận NLĐ. Theo nhiều bạn đọc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần. Ngoài quy định tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý thì mức hưởng và lương hưu chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục NLĐ ở lại với hệ thống an sinh.
Bạn đọc Nguyễn Phong góp ý: "Quá thiệt thòi cho người tham gia BHXH sớm. Ví dụ 1 người lao động nam tham gia BHXH lúc 20 tuổi, họ đóng đủ thời gian quy định là 35 năm để được hưởng 75% cho lương hưu. Vậy khi đủ 35 năm họ mới 55 tuổi và phải đợi 7 năm nữa đến 62 tuổi mới có lương hưu.
Trong độ tuổi từ 55 đến 62 họ không có lương hưu, không có trợ cấp, lại rất khó kiếm được việc làm, vậy cuộc sống của họ sẽ như thế nào? BHXH Việt Nam đã tính tới điều này chưa? Vậy nên theo tôi, để tránh thiệt thòi cho NLĐ thì ai đóng đủ tối đa 35 năm sẽ được hưởng lương hưu ngay khi về hưu thay vì phải đợi đến tuổi như quy định. Còn ai dù đã tới 62 tuổi và chưa đóng đủ 35 năm thì có thể về hưu với tỉ lệ hưởng thấp hơn hoặc có đủ sức khỏe có việc làm thì đóng tiếp cho đủ số năm hưởng tối đa".
Nguồn NLDO