BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hạn chế sử dụng túi nylon, hướng đến “Tiêu dùng xanh” 

Cập nhật ngày: 05/11/2020 - 23:40

BTN - Ông Ðoàn Tuấn Thanh- Tổ trưởng bộ phận Marketing siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh cho biết, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh hướng đến tiêu dùng xanh bền vững trở thành mục tiêu hàng đầu của hệ thống siêu thị Co.opMart. Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, từ nhiều năm nay, Co.opMart Tây Ninh đã triển khai sử dụng túi sinh học tự phân huỷ, túi thân thiện với môi trường.

Người tiêu dùng sử dụng túi sinh học phân huỷ để đựng trái cây tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh.

 “Mặc dù so với các túi nylon thông thường, chi phí sử dụng túi sinh học tự phân huỷ đắt hơn 20%-25%. Tuy nhiên, chúng tôi cùng nhà sản xuất chia sẻ khoản chi phí tăng thêm này, nên không ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá” - ông Thanh nói.

Hiện tại, khi mua sắm tại siêu thị, rất nhiều khách hàng thích thú thấy các loại hành lá, cần tây, rau om, rau muống… được gói bằng lá chuối tươi xanh. Chị Phan Thị Hà, một khách hàng mua sắm tại Co.opMart TP. Tây Ninh cho rằng, các loại rau được gói bằng lá chuối thấy thân thiện và yên tâm hơn, như rau vừa được hái tại vườn nhà.

Ông Ðoàn Tuấn Thanh cho biết thêm, trong thời gian tới, chung tay cùng cộng đồng vì một môi trường xanh, hướng đến việc xanh hoá trong sản xuất, kinh doanh, hệ thống Co.opMart tiếp tục vận động doanh nghiệp thay thế toàn bộ túi nylon khó phân huỷ sang sử dụng túi sinh học tự phân huỷ để đóng gói thực phẩm.

Theo ông Huỳnh Thế Vinh- Quản lý khu vực hệ thống Bách Hoá Xanh, trên địa bàn tỉnh có 63 cửa hàng Bách Hoá Xanh. Ðể giảm thiểu túi nylon và hạn chế sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, hệ thống cửa hàng ký cam kết chống rác thải nhựa. Ðến nay, hệ thống đang sử dụng khoảng 80% túi sinh học tự huỷ thay cho túi nylon.

Thời gian qua, Tỉnh đoàn triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại chợ phường IV, TP Tây Ninh, khuyến khích tiểu thương sử dụng túi tự huỷ, túi giấy... để chứa hàng hoá cho người đi chợ.

Bà Nguyễn Thị Ðẹp, ngụ phường IV, TP. Tây Ninh cho biết: “Tôi thấy nhiều tiểu thương cho rau, củ quả, thịt, cá... vào túi thân thiện với môi trường thay cho túi nylon khó phân huỷ. Theo tôi, hành động này có ý nghĩa thiết thực vì giúp mọi người ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường, cần được nhân rộng ra các chợ khác”.

Bà Lê Thị Hương, một người đi chợ phường IV nói: “Trước đây, tôi vô tư sử dụng các loại túi nylon để chứa đồ ăn, thức uống, thực phẩm. Nhưng sau khi tìm hiểu tác hại của loại túi nylon, tôi hạn chế sử dụng. Mỗi ngày đi chợ, tôi luôn mang theo 1 túi thân thiện để đựng các loại thực phẩm”.

Rau các loại được gói bằng lá chuối.

Có thể nói, mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” bước đầu đã góp phần hạn chế việc sử dụng túi nylon đối với những mặt hàng không cần thiết, nâng cao nhận thức của tiểu thương trong chợ. Tuy nhiên, một số chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn sử dụng túi nylon khó phân huỷ để đựng hàng hoá, thức ăn khi bán hàng. Tuỳ vào quy mô của các hộ kinh doanh, hằng tháng, mỗi hộ tiêu thụ từ 2kg đến 10kg túi nylon.

Việc hạn chế sử dụng túi nylon khó phân huỷ tại các khu chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm là vấn đề khó, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và người dân. Trong đó, việc nâng cao ý thức là hết sức quan trọng. Từ những thay đổi nhỏ của mỗi người sẽ góp phần lan toả thông điệp bảo vệ môi trường ra cộng đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa nói chung và túi nylon khó phân huỷ nói riêng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, đơn vị còn tuyên truyền đến nhiều hộ kinh doanh thực phẩm tại một số chợ trên địa bàn, vận động các hộ kinh doanh sử dụng túi sinh học tự phân huỷ, nhằm thay đổi hành vi, thói quen của người dân, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhi Trần

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý; trong đó chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau: coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác.