Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hạn chế trong phát triển cụm công nghiệp
Thứ ba: 11:16 ngày 02/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) ở các địa phương nhằm quy hoạch các hộ, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vào một khu vực nhất định, vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường là thực sự cần thiết. Vấn đề hiện nay là cơ chế chính sách như thế nào để thu hút nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất trong các CCN.

CCN Trường Hoà sẽ chuyển đổi thành khu nông nghiệp công nghệ cao và phát triển mô hình sinh thái vườn.

Còn nhiều khó khăn

Theo Sở Công Thương, đến nay tỉnh đã xoá quy hoạch 13 CCN, với diện tích 1.656 ha; còn 18 CCN còn nằm trong quy hoạch theo Quyết định số 29 của UBND tỉnh, với diện tích 802,48 ha. Việc phát triển CCN đã góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp. Các dự án sản xuất trong CCN đã và đang góp phần vào phát triển ngành công nghiệp của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất của các dự án ở CCN ước đạt 613 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 190 tỷ đồng; tạo việc làm cho 3.020 lao động; các doanh nghiệp nộp ngân sách hơn 6,2 tỷ đồng.

Việc quy hoạch CCN góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn khó khăn nên chưa phân bổ vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Ðồng thời, công tác bồi thường mặt bằng thực hiện chậm do người dân không thống nhất giá bồi thường. Một số ít hộ dân không nhận tiền đền bù, giao đất để thực hiện dự án đã làm mất đi cơ hội đầu tư. Một số dự án được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai do nhà đầu tư không đồng tình mức chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khá lớn...

Mặt khác, do ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế, việc thu hút dự án thứ cấp còn chậm, nên một số chủ đầu tư hạ tầng chậm xây dựng các hạng mục công trình theo kế hoạch. Các dự án sản xuất đầu tư trong CCN phải thuê lại đất đã xây dựng hạ tầng với chi phí cao hơn so với chi phí thuê đất hoặc mua bên ngoài CCN.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư còn lợi dụng những ưu đãi của chính sách như thuế đất đối với những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn để kéo dài tiến độ triển khai, đề nghị được nhận diện tích đất lớn nhưng sử dụng ít cũng làm hạn chế cơ hội thu hút các nhà đầu tư khác. 

Cần xoá quy hoạch các CCN không khả thi

 Trong thực tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do đó, giá trị sản xuất công nghiệp cũng như đóng góp của các doanh nghiệp trong CCN vào ngân sách Nhà nước chưa cao. Ðể các CCN phát huy được vai trò của mình trong nền kinh tế, cần có sự quy hoạch chi tiết phát triển CCN theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển chung của địa phương.

Chẳng hạn như CCN Trường Hoà (huyện Hoà Thành) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô diện tích 96 ha, được chia thành 2 CCN Trường Hoà 1 (diện tích 47,12 ha) và Trường Hoà 2 (diện tích 46,58 ha). Qua nhiều năm kêu gọi đầu tư, hiện trạng các CCN theo quy hoạch này vẫn là đất của người dân đang sản xuất, trồng cây, chưa được giải toả đền bù.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoà Thành, quy hoạch 2 CCN Trường Hoà không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện theo Ðồ án quy hoạch chung đô thị Hoà Thành đến năm 2035. Do đó, ngày 20.12.2017, tại kỳ họp thứ 5, HÐND huyện Hoà Thành thống nhất xoá 2 CCN Trường Hoà, và dự kiến chuyển đổi thành khu nông nghiệp công nghệ cao và phát triển mô hình sinh thái vườn. Hiện UBND huyện Hoà Thành đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực trên.

Hay như CCN Tân Bình (xã Tân Bình, TP.Tây Ninh), đầu năm 2017, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xoá quy hoạch nhưng hiện vẫn chưa xoá được. CCN Tân Bình được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2004 về cơ cấu đất. Năm 2010, đã có nhà đầu tư xin chủ trương và tiến hành các thủ tục xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN, nhưng một thời gian sau, chủ đầu tư lại xin không thực hiện dự án. CCN Tân Bình có diện tích 50 ha, không phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Ðến nay, CCN Tân Bình vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, do Thành phố không thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn nên không được miễn tiền thuê đất, trong khi chi phí đền bù và chi phí xây dựng hạ tầng cao hơn so với các huyện trong tỉnh. Sở Kế hoạch và Ðầu tư cũng thống nhất đề xuất xoá quy hoạch CCN Tân Bình vì khó thu hút đầu tư, chi phí đền bù và xây dựng hạ tầng cao, ngân sách hạn hẹp và Thành phố không cần thiết phải quy hoạch CCN.

Nhiều người dân xã Thành Long (huyện Châu Thành) cho biết, quy hoạch dự án CCN phía Tây Sông Vàm Cỏ đã giải toả năm 2004 và đền bù năm 2007. Tuy nhiên, đến nay đã 10 năm vẫn chưa triển khai thực hiện đầu tư. Theo người dân, nếu nhà đầu tư không thực hiện được dự án, Nhà nước cần sớm thu hồi, tránh gây lãng phí quỹ đất.

UBND tỉnh cho biết, Công ty TNHH MTV Biên Hoà Thành Long (thuộc Công ty cổ phần đường Biên Hoà) được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương cho thực hiện dự án CCN chế biến khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ với diện tích 37,5 ha (nay là CCN Thành Long) nhằm di dời Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh về đây, đồng thời đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm sau đường.

UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư vào tháng 5.2007, cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1.2010. Công ty cam kết tiến độ xây dựng dự án trong vòng 3 năm kể từ ngày 13.1.2010. Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty, trong thời gian qua, nhà máy hoạt động không hết công suất do vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh bị thu hẹp lại.

Do vậy, việc đầu tư di dời, mở rộng công suất Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh và đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm sau đường đến CCN Thành Long không còn khả thi, nên công ty đang lập thủ tục xin chủ trương di dời Nhà máy đường Biên Hoà về tỉnh Ðăk Lăk. Ðối với khu đất đã được quy hoạch CCN Thành Long, công ty xin chủ trương điều chỉnh mục tiêu sang đầu tư nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Theo một cán bộ tỉnh, Chính phủ cần bổ sung các quy định về cơ chế hỗ trợ, chính sách phát triển CCN, đặc biệt là phát triển CCN ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ở góc độ địa phương, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút, khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục