Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ phóng tên lửa dự kiến được thực hiện vào lúc 17 giờ ngày 19.8 từ Trung tâm Vũ trụ Naro, ngoài khơi bờ biển phía nam của Seoul đã phải hoãn lại vào phút chót do một vấn đề về kỹ thuật.

![]() |
Tên lửa Korea Space Launch Vehicle-1 đã được lắp vào bệ phóng tại bãi phóng ở Trung tâm không gian Naro, Goheung, phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP |
Vụ phóng tên lửa dự kiến được thực hiện vào lúc 17 giờ ngày 19.8 từ Trung tâm Vũ trụ Naro, ngoài khơi bờ biển phía nam của Seoul đã phải hoãn lại vào phút chót do một vấn đề về kỹ thuật.
Bộ Giáo dục, Khoa học và Kỹ thuật Hàn Quốc cùng Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ (KARI) - cơ quan chịu trách nhiệm phóng tên lửa - cho biết, các điều phối viên đã quyết định hoãn lại vụ phóng chỉ 8 phút trước giờ dự kiến “do có một trục trặc trong chương trình tự động” của tên lửa và cho rút toàn bộ nhiên liệu đã được tiếp cho tên lửa Korea Space Launch Vehicle-1 (KSLV-1) vào lúc 15 giờ. Người đứng đầu của KARI, Lee Joo-jin xác nhận thông tin trên, nhưng không tiết lộ chi tiết nguyên nhân vụ việc. Theo ông Lee, lịch phóng mới sẽ được thiết lập sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia ở Nga.
Trong khi đó, ông Lee Sang-mok, thứ trưởng Bộ chính sách khoa học và công nghệ tiết lộ, nguyên nhân thất bại là do một van khí hêli bị hỏng, “Các chuyên gia Hàn Quốc và Nga sẽ kiểm tra cẩn thận nguyên nhân gây ra sự cố của thiết bị này và quyết định xem có đưa tên lửa KSLV-1 trở lại khu vực chế tạo tên lửa hay tiếp nhiên liệu để thực hiện vụ phóng. Chúng tôi không có kinh nghiệm trong những vấn đề tương tự, hay bảo đảm rằng tên lửa đã được kiểm tra cũng như phát hiện nguyên nhân”.
Đây là lần thứ 7 việc phóng tên lửa đẩy bị hoãn lại kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2002 theo một thỏa thuận hợp tác giữa Nga và Hàn Quốc. Tên lửa KSLV-1 gồm 2 tầng, bao gồm tầng một sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng do Nga sản xuất, tầng hai sử dụng động cơ nhiên liệu rắn do Hàn Quốc chế tạo. Tên lửa này nặng 140 tấn, cao 33m, đường kính 2,9m, với chi phí chế tạo lên đến 419 triệu USD. Và theo kế hoạch, nó sẽ mang theo một vệ tinh quan sát đại dương và khí quyển lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất. Nếu tên lửa KSLV-1 được phóng thành công, Hàn Quốc sẽ là quốc gia thứ 10 trên thế giới phóng vệ tinh khoa học được lắp ráp trong nước vào quỹ đạo.
CHDCND Triều Tiên – quốc gia bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ trích vì vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 - tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ phản ứng của các nước lớn trên thế giới và cũng sẽ kiến nghị về vụ phóng của Hàn Quốc lên Hội đồng Bảo an.
THUÝ TRINH
(Theo Yonhap)