Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhờ các chương trình nuôi nhốt nhân giống, cò quăm mào đang dần hồi sinh và được thả trở lại tự nhiên ở Hàn Quốc sau 4 thập kỷ.
Cò quăm mào hoang dã không được nhìn thấy ở Hàn Quốc từ năm 1979. Ảnh: Wenlc.cn
Hàng chục con cò quăm mào, loài chim có nguy cơ tuyệt chủng đã biến mất trong môi trường hoang dã ở Hàn Quốc, hôm 22/5 lần đầu tiên được thả trở lại tự nhiên sau 4 thập kỷ trong một nỗ lực phục hồi quần thể loài. Các cá thể nuôi nhốt từ một chương trình nhân giống đã được phóng thích tại vùng đất ngập nước Upo, cách thủ đô Seoul khoảng 350 km về phía đông nam.
Cò quăm mào được khắc tên trên Đài Tưởng niệm Quốc gia Hàn Quốc và được xem như một vật chứng lịch sử trong thời kỳ Hàn Quốc nằm dưới ách thống trị của thực dân Nhật Bản. Chúng từng phân bố rộng rãi trên bán đảo Triều Tiên nhưng đã biến mất vào năm 1979 và được nhìn thấy lần cuối trong tự nhiên tại Khu phi quân sự phân chia bán đảo.
Cò quăm mào hoang dã ngày nay chỉ được tìm thấy ở Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng từng có thời gian gần như bị tuyệt diệt, một phần do việc lạm dụng thuốc trừ sâu đã loại bỏ nguồn thức ăn của chúng, cho đến khi các chương trình nuôi nhốt nhân giống được triển khai.
Bắt đầu từ một số cá thể chim được Trung Quốc quyên tặng, số lượng cò quăm mào nuôi nhốt ở Hàn Quốc đã đạt đến 363 con nhờ nỗ lực nhân giống của các nhà bảo tồn. Bộ Môi trường nước này cho biết 40 con trong số đó đã được lựa chọn để giới thiệu trở lại tự nhiên.
Cò quăm mào, tên khoa học Nipponia nippon, còn được gọi là cò quăm mào Nhật Bản. Con trưởng thành dài trung bình 79 cm và nặng khoảng 1,8 kg. Chúng thích sống tại các vùng ẩm ướt và đất nông nghiệp, nơi có nhiều thức ăn và cây cao để làm tổ. Loài này hiện được xếp vào nhóm động vật nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Nguồn VNE (Theo AFP)