BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hàn Quốc tăng cường kiểm tra phóng xạ trong thực phẩm Nhật 

Cập nhật ngày: 22/08/2019 - 08:38

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi việc kiểm tra nồng độ phóng xạ trong một số thực phẩm nhập khẩu từ Nhật.

Nhân viên Công ty điện lực Tokyo đo nồng độ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2018. Ảnh: AFP.

"Trước những lo ngại của người dân về ô nhiễm phóng xạ gia tăng gần đây, chúng tôi lên kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng hơn, bắt đầu từ ngày 23/8", Lee Seoung-yong, cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nhập khẩu thuộc Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) Hàn Quốc hôm nay cho hay.

Tuyên bố được quan chức MFDS đưa ra sau khi nghị sĩ Kim Kwang-soo, ủy viên Ủy ban Phúc lợi và Sức khỏe thuộc quốc hội Hàn Quốc, nói rằng gần 17 tấn thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Nhật từ năm 2014 đến nửa đầu năm nay bị phát hiện chứa chất phóng xạ.

Nghị sĩ Kim dẫn số liệu từ MFDS cho biết trong 5 năm qua, Hàn Quốc đã nhập khẩu gần 30.000 tấn thực phẩm Nhật Bản từ vùng Fukushima, nơi xảy ra thảm họa động đất sóng thần hồi năm 2011 làm nổ nhà máy điện hạt nhân, khiến nhiều khu vực xung quanh bị nhiễm xạ.

Ông Lee cam kết sẽ "tăng gấp đôi các cuộc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu để phát hiện dấu vết phóng xạ, dù chỉ là 1 bequerel trên một kg". Ông nói thêm khả năng các thực phẩm có xuất xứ Fukushima bị ảnh hưởng là không nhiều, bởi theo thống kê, chỉ khoảng hai tấn trong tổng số 190.000 tấn thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản bị trả lại hàng năm.

Phản ứng trước thông tin trên, một quan chức Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho hay các động thái tăng cường kiểm tra nồng độ phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật là không cần thiết. Theo quan chức này, độ an toàn của các mặt hàng thực phẩm Nhật Bản được bảo đảm và nhiều nước trên thế giới công nhận.

Quan hệ Nhật - Hàn đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa vào năm 1965. Nhật Bản hồi tháng 7 hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Hàn Quốc cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử, cũng như siết chặt về thương mại khi xóa tên Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại.

Seoul cáo buộc Tokyo đang tận dụng lợi thế thương mại để trả đũa phán quyết năm ngoái của tòa án Hàn Quốc, yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910 - 1945 phải bồi thường cho nạn nhân. Nhiều người Hàn Quốc đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa, thậm chí là tự thiêu, để phản đối Nhật Bản.

Nguồn VNE (Theo Reuters)


Liên kết hữu ích