Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Hang, động trên núi Bà Đen:
Thứ sáu: 05:30 ngày 07/08/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên núi Bà Đen có một số khu di tích lịch sử cách mạng cần được bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng, gồm động Kim Quang, động Cây Da, hang Đất, Căn cứ Suối Môn và nhiều hang động khác. Về thăm lại các khu di tích lịch sử này, tâm trạng vẫn thật nhiều cảm xúc: choáng ngợp với vẻ đẹp thiên nhiên; xúc động, tự hào về truyền thống cách mạng!

Khu vực trú đóng của một bộ phận Liên đội 7- nơi thế hệ trẻ cần tham quan để hiểu biết thêm về lịch sử địa phương.

Căn cứ Suối Môn có diện tích rộng khoảng 5 ha, nằm ở sườn phía Đông Nam núi Bà Đen. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là nơi trú đóng của Đảng bộ xã Phan, Huyện uỷ Dương Minh Châu và các ngành của huyện.

 Một ngày giữa tháng 7.2015, chúng tôi trở lại thăm Căn cứ Suối Môn. Dễ dàng nhận ra rằng so với bốn năm về trước, hiện nay căn cứ này đã thay đổi khá nhiều.

Ngay từ đầu đường đã thấy một tảng đá lớn, trên đó khắc dòng chữ: “Căn cứ Suối Môn, vào 500 mét” và hình mũi tên chỉ vào sườn núi. Đường vào khu căn cứ được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ai muốn vào thăm khu căn cứ.

Thật không bõ công lặn lội đường xa, sau khi leo lên sườn núi, chúng tôi thoả thích ngắm nhìn Căn cứ Suối Môn trong những ngày hè, thật đẹp và êm ả. Sừng sững bên những tảng đá là các bia lịch sử, bia tưởng niệm, bia liệt sĩ.

Leo lên một đoạn vài chục mét nữa là thấy thấp thoáng xa xa trên sườn núi những bảng báo với nội dung như: “Khu vực trú đóng của một bộ phận Liên đội 7, quân báo miền từ năm 1968”, “Khu vực trú đóng của ban an ninh và lực lượng an ninh vũ trang huyện uỷ Dương Minh Châu”.

Nắm rễ cây, đu mình xuống một vài hang động, không khí mát lạnh toả ra từ lòng núi, chúng tôi trải nghiệm cảm giác ăn, ở dưới những tảng đá khổng lồ chồng chất bên trên, thật thú vị, và trong sâu thẳm, niềm tự hào về truyền thống hào hùng của vùng đất căn cứ địa cách mạng dâng lên.      

Từ những hang động đơn sơ này, các cán bộ cách mạng xã Phan và huyện Dương Minh Châu đã phát động quần chúng đấu tranh chính trị chống lại mọi thủ đoạn đánh phá cách mạng địa phương của địch.

Cũng từ đây, nhiều đơn vị chủ lực, Liên đội 7 và đoàn Hậu cần 82 phối hợp với xã, huyện tấn công địch vào các xã Phan, Bàu Năng, Ninh Thạnh, Suối Đá, cắt đứt lộ 13, cô lập chi khu Suối Đá liên tục đến năm 1975, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Sau gần hơn năm hoạt động, không ít máu xương của cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống trong những trận càn, những trận oanh kích bằng pháo binh, bằng máy bay của kẻ thù tại Căn cứ Suối Môn.

Để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây và giữ gìn khu di tích cách mạng, bên cạnh việc xây dựng đường giao thông nông thôn vào khu căn cứ, với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng, bia liệt sĩ đã được dựng lên, khắc ghi họ, tên 44 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền địa phương đối với một di tích lịch sử tại địa phương.

Trong quá trình tham quan trên núi, chúng tôi được một người làm vườn trên núi chỉ cho xem thêm nhiều hang động mới. Hiện nay, các hang động này còn lưu giữ một số vật dụng chiến tranh, có giá trị lịch sử.

Ông Hợp chỉ nơi từng được xem là kho vũ khí dưới hòn đá xe tăng.

Để biết về động Cây Da và hang Đất, chúng tôi mang theo đèn pin, thức ăn, nước uống và đến phòng truyền thống động Kim Quang nhờ ông Mai Ngọc Hợp, nhân viên hướng dẫn tham quan khu di tích lịch sử núi Bà Đen, dẫn đường.

Trong quá trình leo núi, tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành Trai, chủ vườn cây ăn trái trên núi Bà Đen- nơi giáp ranh với động Cây Da.

Ông Trai kể, ông trồng vườn cây ăn trái ở trên sườn núi này từ những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng đến nay nên ông biết, ngoài động Cây Da và hang Đất ra, trong vườn của ông có một số hang động nhỏ và hai hang động lớn, có liên quan đến chiến tranh.

Ông Trai dẫn chúng tôi đến một hang động nhỏ, nằm phía trên động Cây Da khoảng 30 mét. Miệng hang rộng khoảng 3 mét, cao khoảng 5 mét và dài khoảng 8 mét. Làm nên hang động này là hai tảng đá lớn, nghiêng vào nhau, tạo cho miệng hang hình chữ A. Bên trong hang động không bằng phẳng, nhưng kín đáo, mát mẻ.

Ông Trai kể: “Hơn hai mươi năm trước, khi phát hiện ra hang động này, tôi còn thấy gần miệng hang có một cái máy đánh chữ cũ, để trên tảng đá và có khoảng ba chục trái đạn cối 60, chất thành một đống trong cuối hang”.

Sau đó một vài năm, trên núi bắt đầu xuất hiện những người chuyên kiếm sống bằng nghề rà sắt. Bẵng đi một thời gian vài ba năm, ông quay lại hang động này thì nhìn thấy trong hang trống trơn. “Có lẽ chính những người rà sắt đã lấy chiếc máy đánh chữ và số đạn kia đi”, ông Trai đoán. Nếu những suy đoán của người nông dân này đúng thì thật đáng tiếc.

Ăn uống, nghỉ ngơi một lúc cho lấy lại sức, ông Trai tiếp tục dẫn chúng tôi lên một hang động khá kín. Ông Trai vừa leo núi, vừa cầm liềm cắt dây leo, phát cỏ dọn đường. Khoảng 30 phút sau, ông dẫn chúng tôi đến một miệng hang.

Bên ngoài hang, rễ cây và dây leo buông xuống chằng chịt. Nếu không phải là “thổ địa” ở đây, chắc khó biết được phía sau đám cỏ hoang này là nơi có thể trú ẩn. Vẹt đám cỏ hoang, chui vào, bất ngờ, bên trong là động vừa rộng, vừa sâu.

Trên vách đá, có mấy dòng chữ viết bằng dầu hắc, bị bong tróc, làm mờ một số nét, chỉ còn lờ mờ đọc được nội dung: “Đực, KN 1971, quyết Đánh”. Ông Trai cho biết: “Hơn ba mươi năm trước, khi tôi vào đây trú mưa, trú nắng, tôi đã thấy những dòng chữ này”.

Rọi đèn pin lần mò sâu vào bên trong hang, chúng tôi nhặt nhiều vật dụng thời chiến tranh, như nón, áo mưa, mẩu ni lông màu đen xám, mẩu chum, vại, đĩa bị bể, hộp thiết, lon cá mòi đã sét nghẹt, một số đoạn dây nhựa nhỏ, màu đỏ và một cục pin đã bị tróc lớp nhãn bên ngoài nên không rõ hiệu gì.

Đáng chú ý là chiếc hộp lon cá mòi không phải bình thường mà trên miệng lon có đục một lỗ tròn cỡ bằng ngón tay út và phía dưới đáy con có đục 28 lỗ, mỗi lỗ có kích cỡ gần bằng đầu đũa nhỏ. Ông Trai kể, trước đây, ông thường nghe cha ông và những người lớn tuổi làm vườn trên núi nói rằng, chiếc lon cá mòi này là vũ khí đánh giặc do các chiến sĩ cách mạng chế tạo.

Lỗ tròn trên miệng lon là để đấu nối với dây dẫn cháy. Trong lon có thể đựng bột cay. Khi quân địch dưới chân núi tấn công lên, các chiến sĩ cách mạng đốt lửa vào dây dẫn rồi ném chiếc lon cá mòi xuống để gây cay mắt quân thù.

Không rõ lời ông Trai nói có căn cứ không, nhưng chúng tôi cảm thấy rất thích thú với chiếc lon cũ kỹ này. Rọi đèn pin xuống một hốc đá sâu, chúng tôi còn thấy thấp thoáng một vật gì hình tròn, to bằng cổ chân người lớn, sáng loáng, trông như vỏ trái sáng, hay quả bom, quả đạn nào đó.

Ông Trai định dùng lưỡi liềm cột vào cán cây dài, thò xuống móc nó lên để xem cho rõ, nhưng chúng tôi đều can ngăn, vì sợ nếu lỡ là quả bom hay đạn chưa nổ, bây giờ động tới, nó phát nổ là mất mạng cả đoàn. Ông Trai không biết hang này tên là gì, nên đoàn chúng tôi tạm gọi là hang “Ông Đực”.

Rời hang “Ông Đực”, ông Trai dẫn chúng tôi leo lên cao khoảng vài trăm mét nữa là đến một hang động khác khá rộng, miệng hang khoảng hơn 10 mét, sâu hàng chục mét. Ở giữa có một tảng đá to, bằng phẳng, chia hang này ra thành hai động trên dưới khác nhau, nhưng vẫn liên thông được với nhau.

Trong hang động này, chúng tôi tìm được một số vải băng cứu thương, vải sa ten đen- loại vải thịnh hành trước năm 1975, một số hộp lon đã gỉ sét và một vài một vài miếng bọc ni lông trắng, dày. Trong hang có hai tảng đá khá rộng, bằng phẳng như chiếc giường.

Gần những “chiếc giường” này còn có một số đường xi măng nhỏ bằng cỡ ngón chân cái, đắp trên vách đá, ngăn chặn không cho nước mưa chảy xuống ướt “giường”, để những người trong hang có thể ngủ được trong những đêm mưa bão.

Ông Trai tìm thấy nhiều vật dụng chiến tranh trong hang “Ông Đực”.

Ngoài những hang động nêu trên, hiện nay, trên sườn phía Nam núi Bà Đen, còn có một hang động khác, khá hấp dẫn. Ông Hợp (hướng dẫn viên tại KDT lịch sử núi Bà) tạm đặt tên là hang Y tế. Trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, không thấy nhắc đến hang động này.

Hang Y tế rộng và sâu. Trong hang, gió thổi lòn vào tạo không khí mát mẻ lạ thường. Lòng hang có một số nơi tương đối bằng phẳng. Ông Hợp cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu đến hang động này, ông nhìn thấy ở trong hang có chiếc giường được làm bằng nhiều thân cây ghép lại.

“Chắc đó là chiếc giường bệnh dùng để cho thương binh nằm trong quá trình điều trị”, ông Hợp đoán. Nhưng hiện nay, chiếc giường đó không còn nữa. Rọi đèn pin nhìn kỹ trong hang, chúng tôi thấy vương vãi bên lối đi, còn một số băng gạc dùng để băng bó vết thương, vải ka-ki màu xanh, tấm bạt ni-lông đen đã nhàu nát, vài miếng vải mùng, vải bao bố và một mẩu chum vại bể.

Cách hang Y tế này một đoạn hơn 100 mét có một cái cối làm bằng xi măng. Thành cối dày hơn 0,2 mét, đường kính miệng rộng khoảng 0,5 mét.

Cối được đặt ở gần lối đi. Theo lời ông Hợp, đây là chiếc cối dùng để giã gạo lấy lương thực nuôi những thương binh, chiến sĩ cách mạng trong các hang núi. Hiện tại, chiếc cối đã cũ kỹ và bị rêu phong bám đầy xung quanh…

Thảo Nguyên- Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh