Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn nạn nhức nhối xã hội, gây ra nhiều hệ luỵ đến sức khoẻ, tài chính, suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, tính minh bạch của thị trường hàng hoá... Thời gian qua, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, vấn nạn này đã phần nào bị kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tập trung các mặt hàng như: cà phê bột, mỹ phẩm, xăng dầu, bột ngọt, mũ bảo hiểm, phụ tùng xe gắn máy, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...
Lực lượng Quản lý thị trường tổ chức tiêu huỷ hàng giả, hàng nhái.
LỢI NHUẬN QUÁ LỚN
Theo Sở Công Thương, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn. Do đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh chân chính, và quyền lợi người tiêu dùng là một trong những yêu cầu cấp bách.
Khó khăn là, do lợi nhuận rất lớn, không ít cơ sở bất chấp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ðể đối phó với lực lượng chức năng, trên nhãn hàng hoá ghi địa chỉ sản xuất không có thật, khó phân biệt hàng thật, hàng giả; hàng hoá vi phạm thường để tại nơi kinh doanh số lượng nhỏ và để chung với hàng thật nên kiểm tra khó phát hiện; nơi sản xuất chỉ sản xuất và tiêu thụ khi có yêu cầu của người mua; một số mặt hàng được sản xuất ở các tỉnh, thành khác vận chuyển về tỉnh Tây Ninh tiêu thụ.
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân thông qua các website, Facebook, Zalo để bán hàng, khuyến mại, quảng cáo. Dù vậy, đây cũng là kênh mà các đối tượng vi phạm lợi dụng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiếu sự quan tâm, phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống vi phạm hàng giả, sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp sản xuất không chủ động bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm do mình sản xuất; chưa liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, người tiêu dùng nhằm tăng cường công tác phát hiện và hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ðó là chưa kể, có doanh nghiệp ngại tố giác tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vì lo sợ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, sản phẩm, doanh thu của mình.
BIẾT “DỎM” VẪN MUA, VÌ… RẺ
Một trong những vấn đề khá quan trọng trong công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả chính là ý thức của người tiêu dùng. Do sự chênh lệch về giá cả giữa hàng thật, hàng giả và đời sống của nhân dân ở nông thôn, vùng sâu còn nhiều khó khăn, và tâm lý ham hàng hoá rẻ của một số người tiêu dùng đã gián tiếp tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tại khu vực chuyên bán quần áo, nón bảo hiểm trên đường Trần Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, nhiều cửa hàng vẫn bày bán nón bảo hiểm chỉ với giá 50 ngàn đồng/cái. Lực lượng chức năng đã từng xử lý những điểm này nhưng họ vẫn tiếp tục bày bán và vẫn có người mua.
Trao đổi với một thanh niên vừa mua nón bảo hiểm tại đây, khi chúng tôi bày tỏ quan ngại về độ an toàn, anh này nói: “Biết là “hàng dỏm”, nhưng vẫn mua”, bởi chỉ để không bị công an thổi phạt, chứ nón có chất lượng, do doanh nghiệp có uy tín sản xuất, giá phải vài trăm ngàn đồng.
Ở các chợ, các cửa hàng, không khó để tìm hàng nhái, hàng giả. Tại một tiệm bán đồng hồ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 2, thành phố Tây Ninh), hỏi giá một chiếc đồng hồ nhãn hiệu Rolex rất nổi tiếng, người bán nói giá chỉ 800 ngàn đồng và cũng không ngần ngại cho biết đó là “hàng nhái”, nhưng bảo đảm chất lượng, nếu hư hỏng, cứ mang lại tiệm để sửa chữa.
Ngoài việc ham rẻ, “nhắm mắt” mua hàng giả, hàng nhái, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn thấp, thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức, thông tin để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả; cộng với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vi phạm… khiến việc phát hiện hàng gian, hàng giả thêm phức tạp. Một nông dân ở xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho rằng, khó có ai phân biệt được phân bón, thuốc bảo vệ giả hay kém chất lượng khi đi mua sản phẩm.
Chỉ đến khi sử dụng rồi, không thấy công dụng như quảng cáo mới nghi ngờ mua nhầm “hàng dỏm”. Ðiều đáng nói là, mang đến đại lý “mắng vốn”, họ cũng tìm đủ mọi cách để né tránh trách nhiệm, bao biện rằng: do sử dụng không đúng theo hướng dẫn nên không đạt hiệu quả... chứ có bao giờ nhận là bán “hàng dỏm”. Còn nông dân, lỡ mua nhầm, đa phần là “ngậm đắng, nuốt cay”, ngại khiếu nại, tố cáo do nắm chưa vững luật pháp, sợ mất thời gian, chi phí.
XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG CƠ SỞ SẢN XUẤT VI PHẠM
Ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đến tháng 11.2018, các đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và bắt giữ 1.261 vụ với 842 đối tượng- giảm 23% so với cùng kỳ năm 2017 (1.631 vụ); tang vật vi phạm trị giá 24.645 triệu đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 969 vụ- giảm 12% so với cùng kỳ, số tiền xử phạt 20.950 triệu đồng- tăng 8% so với cùng kỳ (29.445 triệu đồng); thanh lý hàng tịch thu được 1.993 triệu đồng- giảm 76%; trị giá hàng hoá tịch thu trong kỳ ước khoảng 4.801 triệu đồng- giảm 93%. Ðồng thời, lực lượng chức năng đã khởi tố và chuyển cơ quan Công an khởi tố 50 vụ/63 đối tượng- tăng 46% về số vụ.
Tuy nhiên, vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn phức tạp do công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự sâu rộng, phổ biến đến người dân. Có lúc, có nơi, các cơ quan chức năng phối hợp chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa thật sự quyết liệt, đồng bộ, trọng tâm trong công tác kiểm tra, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Lực lượng Quản lý thị trường quá ít so với yêu cầu nên hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thị trường chưa cao; đôi lúc chưa nắm bắt, theo dõi kịp thời các diễn biến thị trường về hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hoá giả nhãn hiệu và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo ông Lê Thành Công, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng trong thời gian tới, các lực lượng chức năng liên quan cần làm tốt công tác quản lý địa bàn, công tác dự báo, theo dõi diễn biến thị trường, hàng hoá, xử lý kịp thời những diễn biến bất ổn thị trường nếu có xảy ra; đề ra các giải pháp cụ thể đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người dân biết, phòng ngừa, ngăn chặn, tẩy chay.
Năm 2017, lực lượng chức năng từng phát hiện một doanh nghiệp một vụ mài dũa nhãn hiệu bình gas của các doanh nghiệp khác để sử dụng.
Chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng phân biệt sản phẩm thật - giả, các thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Ðối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm cần phải tìm hiểu kỹ sản phẩm mình muốn mua, sau đó nên chọn lựa địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy. Yêu cầu người bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá và thông tin cần thiết khác về hàng hoá, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Người tiêu dùng cần thông tin kịp thời cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hoá, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
THIÊN TÂM