Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hàng giả, hàng nhái tràn lan
Thứ tư: 06:22 ngày 24/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 779 vụ vi phạm, trong đó, 42 vụ vi phạm gian lận thương mại, 38 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, 223 vụ vi phạm khác trong kinh doanh.

hang-gia.jpg

Mỹ phẩm không nhãn mác bị tịch thu, tạm giữ tại Đội Quản lý thị trường số 2, TP. Tây Ninh.

Khó phân biệt thật - giả

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, năm 2017, đơn vị đã phát hiện 779 vụ vi phạm, trong đó, 42 vụ vi phạm gian lận thương mại, 38 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, 223 vụ vi phạm khác trong kinh doanh...

Chi cục Quản lý thị trường cũng đã phát hiện 88 vụ kinh doanh mỹ phẩm vi phạm ghi nhãn hàng hoá, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; tịch thu 7.435 hộp mỹ phẩm, 17.207 viên thuốc tây các loại, 60 hộp thực phẩm chức năng và 810kg hoá chất, nguyên liệu mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường phụ trách huyện Hoà Thành kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy, phát hiện 240 chi tiết- bộ phụ tùng nhãn hiệu Honda và 215 nhãn hiệu Yamaha giả mạo nhãn hiệu bảo hộ tại Việt Nam. Đội đã trình Chi cục Quản lý thị trường xử lý theo thẩm quyền, tịch thu tang vật vi phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng đối với cơ sở vi phạm; buộc cơ sở vi phạm nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà có.

Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường huyện Hoà Thành kiểm tra cơ sở may gia công quần áo P.L, chuyên may gia công quần áo ở xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành. Tại đây, Đội phát hiện quần áo có nhãn xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sơn Lan (SL) đang được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 220400, ngày 26.2.2016 tại Cục SHTT của Bộ Khoa học và Công nghệ, với số lượng 2.900 bộ và 3,5kg tem nhãn hiệu PL.

Vì lợi nhuận, chủ cơ sở trên đã nhái nhãn hiệu SL đang được người tiêu dùng ưa chuộng thành nhãn hiệu PL. Nhìn thoáng qua, người tiêu dùng khó nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Đội Quản lý thị trường đã lập biên bản vi phạm đối với cơ sở may gia công trên và trình UBND tỉnh xử lý, buộc cơ sở loại bỏ yếu tố vi phạm đối với nhãn hiệu PL xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu SL đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Anh Thuy (ngụ phường 3, TP.Tây Ninh) cho biết, có rất nhiều cửa hàng bày bán mỹ phẩm, túi xách, ví của các thương hiệu nổi tiếng với giá rất rẻ. Người bán giải thích nguyên nhân giá rẻ bất thường là do hàng được giảm giá, xả hàng cuối năm. “Người tiêu dùng như tôi không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”- chị Thuy nói.

Chị Trần Tuyết Mai (ngụ Hoà Thành) cho biết, một lần, chị bị mua phải bột giặt Aba kèm theo chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn, do một nhóm người đến chợ Trường Đông (huyện Hoà Thành) bán dạo. Tuy nhiên, sản phẩm này không tạo bọt, không làm sạch quần áo. Chị Mai để ý kỹ thì phát hiện tên sản phẩm trên bao bì là “Aba+”, nhái từ nhãn hiệu Aba.

Nhằm bảo đảm ổn định thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm hàng hoá chất lượng, an toàn, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã lập kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Một số mặt hàng được tập trung kiểm tra, xử lý là các sản phẩm thuốc lá, rượu bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm…

Đồng thời, Chi cục đã và đang tăng cường phối hợp đấu tranh nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nhiều vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón

Trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, năm 2017, Chi cục QLTT phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, phát hiện 42 vụ vi phạm kinh doanh phân bón quá hạn sử dụng, phân bón vi phạm quy định ghi nhãn hàng hoá, nội dung công bố không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố... Chi cục đã phạt tiền 595 triệu đồng; tịch thu, tiêu huỷ 750kg phân bón quá hạn sử dụng.

Chi cục cũng tham gia đoàn liên ngành do Sở Công Thương kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra 43 cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón vô cơ và các hoạt động kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, lấy 99 mẫu phân bón vô cơ gửi đi kiểm nghiệm.

Kết quả cho thấy, có 9 cơ sở kinh doanh phân bón kinh doanh sản phẩm không đạt chất lượng, 5 vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả. Cơ quan chức năng đã xử phạt gần 352 triệu đồng, chuyển 8 vụ vi phạm khác trong lĩnh vực phân bón cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm rõ, xử lý.

Để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón được chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm kiện toàn các văn bản, quy định pháp luật đang có sự chồng chéo liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón; xem xét sửa đổi một số nội dung về quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường; sớm ban hành quy trình chặt chẽ về tiêu huỷ phân bón giả, kém chất lượng.

NHI TRẦN

Báo Tây Ninh
Tin liên quan