Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn đang gia tăng và diễn biến phức tạp- nhất là ở các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh.

|
Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tại chợ Hoà Bình, xã Thành Long, huyện Châu Thành.
Thị trường nông thôn hiện chiếm tới hơn 70% lượng tiêu thụ hàng hoá, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng nông thôn còn rất hạn chế về nhận biết chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ hàng hoá do thiếu thông tin. Lợi dụng điều này, không ít các nhà sản xuất, tiểu thương đã tranh thủ tuồn các sản phẩm giả, quá hạn hoặc kém chất lượng về đây tiêu thụ.
Dạo quanh chợ Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, điều dễ nhận thấy là chất lượng cũng như xuất xứ hàng hoá ở thị trường này rất “tù mù”. Ngoài những mặt hàng nông sản là sản phẩm của địa phương, thì các mặt hàng như bột giặt, đường, nước mắm, quần áo, túi xách, hoá mỹ phẩm... chỉ có “trời” mới biết được sản xuất ở đâu.
Qua khảo sát tại chợ Bến Sỏi, các sản phẩm nhái gần giống tên thương hiệu nổi tiếng như: Nước rửa chén Vỹ Hảo (gần giống tên Mỹ Hảo), bột giặt Viko (gần giống tên Viso), bánh kẹo Kim Đô (gần giống tên Kinh Đô), Bibika (gần giống tên Bibica), bánh Chocolat (gần giống Chocolate)... được bày bán tràn lan với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật.
Một chị bán hàng ở chợ cho hay: “Tâm lý chọn mua bánh kẹo của đa phần người tiêu dùng vùng nông thôn trước hết là phải hợp túi tiền, nên chúng tôi nhập về loại rẻ tiền cho dễ bán”.
Tại một cửa hàng tại chợ Hoà Bình, xã Thành Long, huyện Châu Thành, chị bán hàng xách một can nước mắm 20 lít không nhãn mác đổ ra xô nhựa, sau đó đóng vào chai tái sử dụng để bày bán. Với cách bán như vậy, người mua chỉ biết tin vào những lời mời chào mà chẳng hề biết nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá ở đâu, thời hạn sử dụng bao lâu.
Mặt hàng điện lạnh, gia dụng cũng bị nhái thương hiệu. Chúng tôi vào một đại lý nằm sát chợ Long Hải, huyện Hoà Thành, thấy bày bán nhiều mặt hàng nồi cơm điện có xuất xứ từ nhiều hãng khác nhau, không biết đâu là thật - giả. Bà chủ bán hàng nói: “Hàng sản xuất tại Nhật Bản giá từ 1- 2 triệu đồng/chiếc; hàng sản xuất tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines... giá từ 500.000 đồng - 700.000 đồng/chiếc. Nếu cần mua hàng Nhật giá rẻ cũng có, giá chỉ 400.000 đồng...”. Nghe vậy, chúng tôi yêu cầu xem nồi cơm điện do Nhật sản xuất với giá “bèo”, bà chủ đưa ra nồi nhãn hiệu TOSILBA (nhái gần giống TOSHIBA), không ghi nơi sản xuất, không có giấy tờ bảo hành. Nếu người mua không chú ý thì rất dễ nhầm với hàng Nhật thật.
Tại chợ Long Hải, các cửa hàng kinh doanh bếp gas cũng bày bán nhiều loại nhái thương hiệu Nhật. Như bếp gas RUINAI (nhái Rinnai), bếp gas Fujnai (nhái Rinnai) của Nhật Bản.
Chị Cần- một người dân xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết: “Đối với người dân vùng sâu, vùng xa như tôi, việc mua sắm ở những cửa hàng tạp hoá hiện nay khá thuận tiện, nhiều hàng hoá có giá rất mềm, phù hợp với túi tiền của người dân địa phương”. Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng hàng hoá thì chị lắc đầu nói: “Cần gì thì ra mua thôi chứ chẳng mấy khi xem hàng hoá do công ty nào sản xuất, hay chất lượng ra sao. Thường tôi chọn mua qua lời giới thiệu của cửa hàng”.
Không chỉ người mua, bản thân những người bán ở chợ vùng sâu, vùng xa cũng ít quan tâm đến chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá, hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức xem hạn sử dụng mà thôi. Chị Mỹ- chủ tiệm tạp hoá gần chợ Hoà Bình cho biết: “Tôi bán đủ thứ, từ quần áo, thực phẩm khô, mỹ phẩm, hàng gia dụng... Thường thì cứ 10 ngày người ta giao hàng một lần, cái nào thiếu thì gọi giao chứ tôi ít khi trực tiếp đi lấy hàng. Khi nhập hàng, tôi cũng chỉ để ý đến hạn sử dụng của sản phẩm để không lấy phải hàng hết hạn”.
Theo Chi cục Quản lý thị trường, những năm qua, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã không ngừng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 1.116 vụ, phát hiện 636 vụ vi phạm. Trong đó có 72 vụ kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không còn nguyên vẹn bao bì, không ghi tên thương nhân đầu mối; 440 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu trái phép; 20 vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả; 65 vụ vi phạm về quy chế ghi nhãn; 11 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm... Số tiền phạt hành chính là 2.193.675.000 đồng.
Tuy nhiên, để triệt tiêu hàng giả trên thị trường là bài toán khó bởi hàng giả ngày càng tinh vi; trong khi các thông tin, đặc điểm nhận biết giữa hàng thật và hàng giả chưa đầy đủ. Về phần người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ về chất lượng sản phẩm mà mình tiêu thụ, vì vậy, việc tố giác những sản phẩm giả, kém chất lượng đến cơ quan chức năng còn hạn chế.
THANH NHI