BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hàng hoá dồi dào phục vụ Tết Nguyên đán 2024 

Cập nhật ngày: 14/01/2024 - 23:46

BTN - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự đoán nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ngành nông nghiệp phục vụ tết nguyên đán sẽ tăng từ 15%-20% so với các tháng trước, trong đó có các mặt hàng tiêu thụ mạnh như: thịt heo, hạt điều, rau quả thực phẩm, hoa, cây cảnh… nhưng sẽ thấp hơn cùng kỳ, do vậy, sản xuất trong tỉnh và lượng hàng hoá nông sản nhập về từ các tỉnh khác và từ Campuchia sẽ đáp ứng được nhu cầu toàn tỉnh.

Siêu thị Co.opMart có đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân trong dịp Tết. Ảnh minh hoạ: Thanh Nhi

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chăn nuôi đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng hoá, sản phẩm bảo đảm chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán 2024.

Bà Lê Hồng Nở- Trưởng Phòng kinh doanh Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết, HTX dự kiến cung cấp khoảng 70 tấn mãng cầu tiêu chuẩn VietGAP phục vụ cho thị trường tết. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm được đưa vào các siêu thị và các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng...

Còn theo ông Trần Văn Chiến- Quản lý trang trại chăn nuôi gà thịt KCK (xã Suối Ngô, huyện Tân Châu), tổng đàn gà tại trang trại là 192.000 con, nuôi đến 40 ngày thì xuất chuồng, được bán trước 24 tháng Chạp, tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Ông Dương Minh Thông- Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH QL Việt Nam cho biết, đơn vị thực hiện rất nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch để có sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm chính của đơn vị là trứng gà đã và đang tiêu thụ trên thị trường và bán tại các siêu thị, cửa hàng như Co.opMart, Mega, Bách Hoá Xanh... Hiện đơn vị cung cấp khoảng 900.000 trứng/ngày, bảo đảm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết.

Trước đó, ngày 2.10.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3112/KH-UBND về bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024.

Tham gia chương trình bình ổn thị trường gồm nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu và nhiên liệu như xăng, dầu diesel, dầu hoả, gas. Tổng trị giá hàng hoá dự trữ đáp ứng nhu cầu 1 tháng khoảng 306 tỷ đồng, bao gồm: 16.800 tấn gạo, ngũ cốc; 700 tấn đường; 840.000 lít dầu ăn; 2.100 tấn thịt gà; 2.100 tấn thịt heo; 11,2 triệu trứng gà; 21.000 tấn rau, củ quả; 3.500 tấn thuỷ, hải sản... Vào các tháng thường, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% đến 30% nhu cầu thị trường; tháng tết, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% đến 40% nhu cầu thị trường.

Nông dân bao trái mãng cầu.

Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 1.7.2023 đến 31.3.2024, gồm: giai đoạn 1 từ 1.7.2023 đến 31.12.2023, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hoá đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong các ngày lễ cuối năm và tết dương lịch, dự trữ hàng hoá phòng, chống thiên tai; giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2024 đến hết 31.3.2024, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hoá đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân cho dịp tết nguyên đán và các ngày lễ đầu năm.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hoá cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024, Sở Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; đồng thời đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp sớm triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Theo đó, Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết nguyên đán.

Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các xã vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn...

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị sẽ theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt heo và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và tết nguyên đán; chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối thịt heo trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp heo thịt cho thị trường để phân phối và thực hiện việc giảm giá thành tương ứng cho người tiêu dùng.

Công nhân Công ty TNHH QL Việt Nam sơ chế trứng gà xuất khẩu.

Sở cũng phối hợp các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản; phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan.

Nhi Trần - Trúc Ly