BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hàng loạt tàu ngang nhiên “rút ruột” sông Sài Gòn 

Cập nhật ngày: 07/12/2017 - 22:46

BTNO - Theo một số hộ dân ngụ tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, khoảng 20 ngày trở lại đây, có nhiều tàu hút cát cỡ lớn ngày đêm áp sát bờ sông Sài Gòn khai thác trộm khoáng sản, gây sạt lở bờ sông, đe dọa đến sự sinh tồn của những vạt rừng phòng hộ cặp theo đó.

Qua ghi nhận thực tế của PV Báo Tây Ninh vào ngày 4.12.2017, quả đúng là có tình trạng này.

Tiến thẳng vào sát bờ sông hút cát.

Người dân địa phương gọi đoạn bờ sông mà “cát tặc” tấp nập ra vào hoạt động là ùn Hai Gàng, hay chỗ rừng trồng hợp đồng với ông Bảy Sinh, khu vực này giáp nhau giữa ba tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh.

Một hộ dân ngụ gần đó kể, “hàng ngày có từ 6 đến 7 tàu kéo nhau vào vùng này hút cát. Nếu phát hiện thấy ghe hoặc người lạ có dấu hiệu khả nghi, một số tàu chạy ra hoạt động ở vị trí giữa sông, số còn lại vẫn liều lĩnh bám bờ hút cát.

Ngày nào trời không mưa, tàu của chúng cứ nổ máy ầm ĩ suốt cả ngày lẫn đêm. Chiều nào trời mưa, họ bắt đầu cho tàu vào sâu trong ùn hút cát từ khoảng 3 giờ sáng đến hơn 20 giờ  đêm mới nghỉ”.

Hút cát trái phép từ ban đêm đến khi trời mờ sáng.

Để kiểm chứng thông tin trên của người dân, khoảng 17 giờ ngày 3.12 chúng tôi có mặt tại khu vực khai thác cát lậu. Lúc vừa tới nơi, cơn mưa lớn ập đến, nhìn từ xa đã phát hiện thấy nhiều chiếc tàu vỏ sắt cỡ lớn từ bên vạt rừng cặp bờ sông Sài Gòn (thuộc địa phận tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm) vội vã kéo nhau ra về.

Do mưa kéo dài đến khi trời tối hẳn nên không thể tác nghiệp được. Đêm đó, chúng tôi mắc võng nằm trong bìa rừng để theo dõi quá trình hoạt động của tàu hút cát lậu. Tuy nhiên, chờ mãi đến khi trời gần sáng vẫn không thấy “động tĩnh” gì. Tưởng bị lộ, chúng tôi định thu dọn hiện trường rồi ra về, thì bất ngờ, khoảng 4 giờ sáng 4.12, tiếng động cơ máy tàu công suất lớn hướng từ thủy phận tỉnh Bình Dương tiến dần vào ùn Hai Gàng.

Mặc dù nơi mắc võng khá gần điểm “cát tặc” hành sự, nhưng vào lúc này ánh trăng vẫn không đủ sáng, muỗi nhiều vô số kể, nước động trên lá cây rừng cứ rơi xuống liên tục, rất khó sử dụng đồ nghề, cũng không thể dùng đèn pin hay đèn flash của máy chụp hình để ghi hình, chúng tôi đành chuyển sang giải pháp tiếp cận “cát tặc” bằng đường thủy.

Tàu LA – 06984 ngang nhiên hút cát lậu cặp sát bìa rừng phòng hộ.

Sau khi rời khỏi rừng, mượn được ghe, chuẩn bị đồ ngụy trang, lúc trở lại hiện trường là gần 5 giờ sáng. Khoảng cách từ ghe của chúng tôi đến nhóm tàu đang hút cát cặp bìa rừng ước chừng 30m, nhưng thời điểm này không có trăng nên cũng không thu thập được gì rõ ràng, chỉ nghe tiếng máy tàu nổ, thỉnh thoảng lại thấy đèn pin từ những tàu hút cát rọi xung quanh hiện trường và qua lại chỗ ống dẫn cát lên tàu.

Trong lúc đợi bình minh, 1 tàu trong nhóm trộm cát đã quay trở ra sông chạy về hướng tỉnh Bình Dương, tiếng máy tàu lúc này nổ rát hơn khi mới tấp vào đây, đoán rằng tàu đã khẳm cát.

Trời bắt đầu mờ sáng, dần hé lộ 2 chiếc tàu còn lại đang hì hục bơm cát gần sát đám cây xà cừ thuộc rừng trồng phòng hộ Dầu Tiếng. Vừa lúc 2 tàu đã đầy cát, bọn trộm khoáng sản liền điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường hướng về huyện Dầu Tiếng.

Như tranh thủ đến mức có thể, hơn 6 giờ sáng, một chiếc tàu trong nhóm cát tặc đã quay lại chỗ cũ để hành sự. Lúc này, có thể nhìn thấy rõ ngay bên mũi tàu có dòng chữ DATIC06, bên cạnh cabin chỗ người lái tàu ngồi có chữ và số VR16037203, dưới nữa là LA – 06984.

Chiếc tàu có dấu hiệu dùng nước sơn trắng che mất biển số gia nhập đội tàu hút cát lậu sát bờ sông.

Gần 7 giờ sáng, một chiếc tàu nữa trong nhóm đã quay lại hút cát cách đám xà cừ chừng vài chục mét, khoảng từ nửa thân đến mũi và cabin tàu có màu sơn xanh da trời, nóc cabin được che tạm bằng mái tôn cũ kỹ, có dấu hiệu dùng nước sơn trắng che phủ biển số tàu.

Không lâu sau đó, lại có một chiếc tàu khác không rõ biển số, vỏ tàu sơn xanh, viền xung quanh thành tàu sơn nâu, tấp vào cặp bờ sông gần chiếc LA-06984 cùng tham gia hút cát.

Tiếp đến là một chiếc tàu khá dài mang biển số ĐN 0503 cũng tiến đến nhập bọn. Thế là cả 4 tàu cùng áp sát vào đoạn rừng của ông Bảy Sinh thi nhau “rút ruột” sông Sài Gòn.

Khi thấy có người dân đến nhắc nhở không được hút cát gần đám mì (xen canh một phần trong rừng xà cừ), thì nhóm tàu cát tặc nhích xuống hướng hạ lưu khoảng vài trăm mét nhưng vẫn quyết hút chỗ cách bờ sông khoảng 50m.

Một hộ dân sống lâu năm tại đây kể lại, “trước kia khu vực này có nhiều đầu voi (dải đất nhô ra sông) cây rừng mọc dày trên đó, nhưng bây giờ ngày càng bị thu hẹp, thậm chí đã biến mất. Tôi nghi ngờ do nạn hút cát bừa bãi gây sạt lở và cuốn đất trôi theo dòng nước”. Thực tế, trung bình 1 tàu sẽ hút đầy cát/1 giờ đồng hồ, cộng thời gian tàu chở cát đi và quay trở lại mất thêm độ 40 phút.  

Cả nhóm cát tặc cùng nhau “rút ruột” sông Sài Gòn.

Như vậy, cứ khoảng 100 phút sẽ có 1 tàu chứa hơn 25 khối cát rời khỏi ùn Hai Gàng. Nếu nhân cho 4 tàu với thời lượng hoạt động trái phép như người dân phản ánh, hoặc theo phóng viên đã ghi nhận thì số khoáng sản bị mất trộm quả thật không nhỏ.

Trong khi, thông qua điện thoại vào sáng ngày 6.12, người dân trước đó cho mượn ghe xác nhận, “hôm nay có đến 6 chiếc tàu cùng tiến vào ùn hút cát, hút đến lúc trời tối hẳn vẫn còn nghe tiếng máy tàu inh ỏi”.

Sau khi xem xong video clip do phóng viên cung cấp, ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cho biết, trên sông Sài Gòn (thuộc thủy phận tỉnh Tây Ninh) đoạn chạy qua ấp Suối Bà Chiêm chưa được cấp phép cho bất kỳ đơn vị khai thác cát nào.

Trong khu vực, chỉ có một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại suối Bồ Hum, nhưng chỉ là một nhánh của sông Sài Gòn. Hơn nữa, việc bơm hút cát không vượt quá khung giờ quy định là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều (đã du di), nếu cố tình hoạt động ngoài khoảng thời gian này có thể được xem như hút trộm cát.

Trước đây, tại đoạn này bên kia sông, phía tỉnh Bình Phước có cấp phép cho một đơn vị khai thác cát, nhưng cũng chỉ được khai thác ở khoảng giữa sông, tuy nhiên, được biết doanh nghiệp đang đề cập đã tạm ngưng hoạt động.

Theo video clip quay được, có thể những tàu này của một doanh nghiệp nào đó được cấp phép hẳn hoi, nhưng thay vì phải khai thác đúng nơi quy định lại đi hút trộm cát.

Đến mùa nước rút, tại vạt rừng xà cừ sẽ lộ rõ bờ sông sạt lở nghiêm trọng, cây rừng cũng theo đó bị bức tử dần (ảnh chụp ngày 8.11.2016).

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên “cát tặc” lộng hành tại ùn Hai Gàng, mà tình trạng “rút ruột” sông Sài Gòn đã diễn ra từ nhiều năm trước đó. Khi đến mùa nước rút, có thể nhận thấy rõ bờ sông bị sạt lở nghiệm trọng, cây rừng theo đó dần biến mất dưới dòng sông. Nếu không sớm có giải pháp chấn chỉnh dứt điểm, khả năng có nhiều dải đất sẽ biến mất cùng cây rừng phòng hộ…

Minh Quốc 


 
Liên kết hữu ích