Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ban hành Đề án xây trường Mầm non ở khu công nghiệp:
Hàng ngàn trẻ có cơ hội đến trường
Thứ tư: 04:40 ngày 31/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2018 sẽ xây nhiều trường mầm non tại 4 huyện có các khu kinh tế, khu công nghiệp là Trảng Bàng (3 trường), Gò Dầu (1 trường), Bến Cầu (1 trường) và Dương Minh Châu (1 trường). Số trường mới này ưu tiên nhận trẻ từ 6 tháng đến dưới 24 tháng tuổi. Tỉnh sẽ tuyển dụng 158 người vào các vị trí quản lý, giáo viên, cô nuôi dưỡng trẻ, nhân viên.

Học sinh Trường mầm non Long Vĩnh (Châu Thành) trong giờ học.

Sau gần một năm rưỡi kể từ khi Sở Giáo dục - Đào tạo bắt tay xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, ngày 22.5 vừa qua, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1131 ban hành Đề án trên. Nếu kế hoạch được thực hiện thành công, trong vòng 3 năm tới, sẽ có gần 2.000 trẻ em là con em công nhân đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp được đến trường.

Thực tế cho thấy tại các khu công nghiệp, nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng ở đây lại chưa có trường mầm non. Thu nhập của công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp còn thấp, không đủ điều kiện để gửi con ở các cơ sở giữ trẻ tư thục, dẫn đến tình trạng quá tải về số lượng học sinh tại các trường mầm non trên địa bàn có công nhân thuê trọ. Không ít công nhân phải gửi con em mình vào những nhóm/lớp mầm non ngoài công lập chưa đạt chuẩn.

Theo số liệu thống kê, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tính đến quý IV năm 2016 là hơn 102.000 lao động. Tổng số trẻ em của các công nhân làm việc tại 6 khu kinh tế - khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp là 1.843. Theo kết quả khảo sát, số trẻ được gửi cho ông bà chăm sóc là 1.260 cháu, số trẻ do ba mẹ thay phiên nhau chăm sóc là 225 cháu, gửi chủ nhà trọ 43 cháu, gửi khác là 315 cháu.

Mục tiêu tổng quát của Đề án trên là hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻm em dưới 36 tháng tuổi con của nữ công nhân lao động được đến trường.

Đến năm 2020, Tây Ninh gia tăng số trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập không bảo đảm yêu cầu nuôi và dạy trẻ. Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, hơn 90% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn triển khai Đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; hơn 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; hơn 95% các bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ thơ.

Việc xây dựng mới các trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế không chỉ giảm bớt nhọc nhằn cho người công nhân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2018 sẽ xây nhiều trường mầm non tại 4 huyện có các khu kinh tế, khu công nghiệp là Trảng Bàng (3 trường), Gò Dầu (1 trường), Bến Cầu (1 trường) và Dương Minh Châu (1 trường). Số trường mới này ưu tiên nhận trẻ từ 6 tháng đến dưới 24 tháng tuổi. Tỉnh sẽ tuyển dụng 158 người vào các vị trí quản lý, giáo viên, cô nuôi dưỡng trẻ, nhân viên.

Riêng tại Khu công nghiệp Thanh Điền- Châu Thành sẽ không xây mới trường theo Đề án này vì đã được quy hoạch xây mới Trường mẫu giáo Thanh Điền B đạt chuẩn quốc gia (trên cơ sở tách ra từ Trường mẫu giáo Thanh Điền). Tương tự, cụm công nghiệp Bến Kéo - Hoà Thành điều kiện trường lớp đã và đang bảo đảm thu hút nhu cầu gửi trẻ cho con em công nhân.

Giai đoạn 2019 - 2020, tuỳ thuộc tình hình cụ thể, sẽ xây dựng mới trường mầm non ở các huyện, thành phố và mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường cơ sở vật chất, xây thêm các phòng học cho lứa tuổi nhà trẻ, đầu tư trang thiết bị cho các trường mẫu giáo nhận trẻ độ tuổi nhà trẻ, từng bước chuyển đổi loại hình trường mẫu giáo sang trường mầm non.

Theo tính toán, đến năm 2020, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ tăng thêm 6,59%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo tăng thêm 3,57%. Tổng cộng có gần 2.000 trẻ được đến trường. Sẽ tổ chức thí điểm giữ trẻ mầm non từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi từ năm học 2017-2018. Trong đó, ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo tại 4 huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng và Dương Minh Châu- những nơi có đông công nhân. Từ năm học 2019 - 2020 trở đi sẽ triển khai đại trà mô hình này tại các huyện, thành phố còn lại.

Đề án sẽ ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục mầm non để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

UBND tỉnh cũng Uỷ ban nhân dân cũng giao Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đào tạo giáo viên theo kế hoạch, lộ trình phát triển mới trường mầm non.

Việc thực hiện Đề án cần nguồn kinh phí 33,6 tỷ đồng và gần 11.000m2 đất. So với kế hoạch dự thảo, đề án chính thức đã bỏ một số nội dung, không thực hiện chế độ ưu tiên, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về công tác tại các trường thuộc đề án.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục