Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm học mới đã bắt đầu! Ngày ngày các em học sinh cắp sách đến trường. Hàng rong cũng theo đó tràn ngập trước cổng trường từ mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông.

Năm học mới đã bắt đầu! Ngày ngày các em học sinh cắp sách đến trường. Hàng rong cũng theo đó tràn ngập trước cổng trường từ mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông. Chuyện đang trở thành vấn nạn ở huyện Tân Châu (và có lẽ còn ở nhiều nơi khác).
Các quán hàng rong (gọi là quán cũng không sai vì có trang bị khá đầy đủ bàn, ghế) trước cổng trường, hầu hết là bán những món ăn khoái khẩu của các em học sinh như: bánh tráng muối, cóc, ổi… Những món hàng thường là không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và tất nhiên cũng không đảm bảo vệ sinh. Do đó khi ăn vào, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là khó tránh khỏi.
Trước cổng Trường trung học phổ thông Tân Châu, góc đường Nguyễn Thị Định và Nguyễn Đình Chiểu vào giờ tan trường có khá đông học sinh, đa phần là học sinh nữ quây quanh những chiếc xe đẩy bán đồ ăn, thức uống như: xi rô, sâm lạnh, rau má, chè thái… đủ màu sắc rực rỡ. Có xe phô dòng chữ quảng cáo hấp dẫn: “giải khát- mát cả người”, giá cả rất mềm, chỉ từ 1.000 - 5.000 đồng. Đối diện đó là quán rau má, sâm lạnh, bánh tráng trộn trứng cút và rau răm giá cũng chỉ trên dưới 3.000 đồng. Tương tự, tại Trường mầm non Thị trấn, trên đường Lê Duẩn và Trường tiểu học Thị trấn A trên đường Nguyễn Đình Chiểu có đủ các quầy bán sâm lạnh, kem bảy màu, đá bào, bánh tráng muối, cộng thêm sự góp mặt của các xe cá viên chiên, khoai lang chiên… giá từ 500 - 3.000 đồng.
![]() |
Học sinh quây quanh các “quán” hàng rong giờ tan trường |
Theo ghi nhận của phóng viên thì hầu hết các loại quà vặt, hàng rong được bày bán trước cổng các trường đều có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể, việc hàng quán tập trung trước cổng còn gây ra tình trạng xả rác, vứt rác bừa bãi rất mất vệ sinh chốn trường học.
Bác sĩ Trần Thế Vui- Trưởng Phòng Y tế, thành viên Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Tân Châu (BCĐ) cho biết: “Mấy năm gần đây, BCĐ đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các quán ăn, bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hàng quán thức ăn đường phố trên địa bàn huyện, đồng thời tiến hành mở các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên vẫn còn một số hộ sản xuất- kinh doanh không đến tham gia các lớp tập huấn này (số lượng ít) nên họ không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. 9 tháng đầu năm 2010, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã phát hiện 233 cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh, đã tiến hành tiêu huỷ thực phẩm và phạt hành chính với số tiền gần 4,5 triệu đồng”.
Cô giáo Võ Thị Huệ- Hiệu trưởng Trường mầm non Thị trấn chia sẻ: năm học 2009- 2010, nhà trường đã nhận thấy sự lộn xộn từ các xe bán hàng rong trước cổng trường nên đã nhiều lần phối hợp cùng lực lượng Công an Thị trấn, lực lượng bảo vệ dân phố tiến hành giải toả, tạo hành lang thông thoáng nhưng chỉ vài ngày sau tình hình lại diễn ra như cũ. Theo cô Huệ, các xe bán thực phẩm quanh trường không đảm bảo vệ sinh cho người tiêu dùng, dễ gây ngộ độc cho trẻ nhỏ. Việc các xe hàng rong hoạt động trước cổng trường còn gây cản trở giao thông, làm mất vẻ mỹ quan trường học. Do đó, nhà trường thường xuyên tuyên truyền phụ huynh không mua các loại thực phẩm này cho con em mình dùng để tránh nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ các em. Trong khuôn viên trường đã có căn tin, các loại thực phẩm bán ở đây đã được kiểm tra mức độ an toàn nên đủ độ tin cậy hơn. Cô Huệ cũng tỏ ý mong muốn chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an cần thường xuyên kiểm tra và xử lý mạnh tay các trường hợp bày bán hàng rong tại cổng trường.
Thầy giáo Lê Minh Quốc- Hiệu trưởng Trường THPT Tân Châu, nơi hằng ngày có rất nhiều xe đẩy bán hàng rong tụ tập tại đây cũng cho biết: ngay đầu năm học, nhà trường đã gửi văn bản đến UBND Thị trấn nhờ hỗ trợ ngăn chặn tình trạng này. Trong các cuộc họp giao ban huyện, nhà trường đã báo cáo UBND huyện vấn đề và UBND huyện cũng đã chỉ đạo Công an huyện kết hợp Công an Thị trấn tiến hành xử lý. Về phía nhà trường, cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra các loại thực phẩm bán trong căn tin của trường để đảm bảo an toàn vệ sinh khi phục vụ cho các em. Song song đó, nhà trường cũng tiến hành tuyên truyền, kết hợp nhắc nhở các học sinh cẩn thận trong việc ăn uống, không nên dùng các loại thực phẩm một cách bừa bãi nhằm bảo đảm sức khoẻ để học tập thật tốt. Ngoài ra, nhà trường không thể áp dụng hình thức chế tài nào nhất là khi các em đã ra khỏi cổng trường. Việc bài trừ “vấn nạn hàng rong” trước cổng trường (không riêng gì ở Tân Châu) chỉ có thể làm tốt khi có sự quan tâm và phối hợp đồng bộ, tích cực của các cơ quan và ngành có trách nhiệm. Thiết nghĩ, đây không phải là việc quá khó, không thể làm được.
HIỀN LÂM