Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bằng hình thức trực tuyến, ngày 18.1, Bộ GD&ĐT sơ kết tình hình thực hiện giai đoạn I, phương hướng triển khai giai đoạn II chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Nhân viên Viễn thông Tây Ninh (bên phải) hướng dẫn phụ huynh, học sinh sử dụng thiết bị điện tử để học trực tuyến (ảnh chụp năm 2021)
Thông tin tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12.9.2021 để hỗ trợ máy tính bảng phục vụ học trực tuyến cho học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố, mẹ tử vong do Covid-19, ngày 30.9.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ký ban hành kế hoạch triển khai chương trình.
Chương trình được triển khai thành hai giai đoạn: Giai đoạn I: Huy động một triệu máy tính bảng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Giai đoạn II: Từ năm 2022-2023, tiếp tục phát động để 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị máy tính học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Phân bổ tiền, máy tính bảng
Giai đoạn I, Bộ GD&ĐT tiếp nhận máy tính và tiền, phân bổ cho các địa phương để trao cho học sinh. Số liệu thống kê cho thấy, Bộ GD&ĐT tiếp nhận và phân bổ 92.629 máy tính bảng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông cho học sinh của 24 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Bộ GD&ĐT tiếp nhận và phân bổ số tiền 513 tỷ đồng cho 17 tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh, dự kiến mua 205.200 máy tính bảng.
Đến nay đã hoàn thành mua sắm và bàn giao cho học sinh 158.688 máy, số tiền chưa thực hiện mua sắm là 90.000 triệu đồng, số tiền dư do tiết kiệm thông qua đấu thầu của các địa phương hoàn thành mua sắm 28.396 triệu đồng. Thời điểm hiện tại, cơ bản các địa phương đã triển khai mua sắm và bàn giao xong máy tính cho học sinh, còn 3 tỉnh chưa triển khai xong, 1 tỉnh không triển khai, đã trả lại tiền để phân bổ cho địa phương khác.
Ngoài số liệu nêu trên, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam huy động trong toàn ngành Giáo dục mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ ít nhất một ngày lương. Kết quả huy động được 156,92 tỷ đồng, trang bị hàng chục ngàn máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và hơn 100 ngàn thiết bị khác. Đến nay, toàn bộ thiết bị huy động được tại các địa phương đã giao cho học sinh.
Triển khai phủ sóng
Trước ngày 1.1.2021, theo thống kê tổng hợp các khu vực lõm sóng từ các địa phương gửi cho Bộ TT&TT, toàn quốc có 2.418 thôn lõm sóng băng rộng di động. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố phải học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu em. Hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.
Hiện nay trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT có hơn 16.000 bài giảng điện tử, hơn 8.000 học liệu số và tiến tới thư viện trong tất cả các cơ sở giáo dục tối thiểu phải có 25% tài nguyên số để học sinh truy cập, tải dữ liệu. Mặt khác, hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế, vẫn còn phức tạp. Do đó, để chủ động với mọi tình huống, cần có sẵn thiết bị để tổ chức học trực tuyến, không gây gián đoạn việc học (Bộ GD&ĐT đánh giá kết quả thực hiện).
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 9.2021, Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ ứng cứu, triển khai hạ tầng phủ sóng toàn bộ các điểm chưa có sóng băng rộng di động tại các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, đáp ứng nhu cầu kết nối, phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành phủ sóng 100% cho toàn bộ 283 điểm chưa có sóng băng rộng di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg để đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến của thầy cô giáo và các em học sinh. Tiếp theo, từ tháng 10.2021 đến cuối năm 2022, Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục phủ sóng cho các khu vực lõm sóng còn lại. Kết quả trong giai đoạn này đã phủ sóng được 2.164/2.418 thôn, còn 254 thôn.
Cuối năm 2022, Bộ TT&TT tiếp tục có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, bổ sung danh sách các thôn chưa có sóng di động ngoài danh sách 2.418 thôn của giai đoạn 2021-2022. Theo kết quả rà soát bổ sung của địa phương, số thôn chưa có sóng di động phát sinh tính đến đầu năm 2023 là 1.506 thôn.
Đầu năm 2023, địa phương tiếp tục báo cáo bổ sung 1.923 thôn lõm sóng băng rộng di động. Bộ TT&TT đã cùng các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát hiện trạng cung cấp dịch vụ băng rộng di động tại các thôn này. Theo kết quả rà soát, trong 1.923 thôn lõm sóng, có 1.427 thôn đã được các doanh nghiệp phủ sóng di động 3G/4G tại các vị trí trung tâm thôn và các khu vực có đông hộ dân sinh sống.
Còn lại 496 thôn lõm sóng, trong đó có 61 thôn nằm trong danh sách 254 thôn chưa được phủ sóng giai đoạn 2021-2022. Trong danh sách 254 thôn chưa triển khai giai đoạn 2021-2022 thì năm 2023 các doanh nghiệp đã phủ sóng được 69 thôn, còn lại 185 thôn.
Như vậy, số thôn chưa có sóng đến nay là 620 thôn, chiếm 0,63% số thôn, bản trên toàn quốc. Trong đó, số thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn đã có điện cần tổ chức đấu thầu phủ sóng là 372 thôn. Số thôn chưa có điện là 74 thôn. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương để xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai điện lưới để phủ sóng viễn thông.
Phát sinh trong quá trình triển khai
Gói cước 4G chỉ hỗ trợ học sinh trong thời gian 3 tháng, khi ngừng hỗ trợ, học sinh hộ nghèo không có khả năng duy trì gói cước, các gia đình không có khả năng chi trả cước internet nên máy tính bảng không thể dùng được tại gia đình. Do đó, đa số các cơ sở giáo dục đề nghị học sinh gửi lại máy tính bảng để nhà trường quản lý chung ở thư viện, cho học sinh sử dụng tại trường vì 100% trường phổ thông hiện nay đã có internet.
Máy tính của chương trình được tặng trực tiếp cho học sinh (thuộc sở hữu của học sinh) nên việc quản lý để sử dụng đúng mục đích gặp khó khăn; học sinh ra trường, có thể một số gia đình khó khăn sẽ bán, đổi máy tính cho người khác, người thân trong gia đình sử dụng vào việc khác… dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng, lãng phí nguồn lực. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa chưa có sóng wifi hoặc 4G, nhiều vùng nông thôn sóng yếu nên ảnh hưởng đến chất lượng học trực tuyến và việc tra cứu thông tin của học sinh.
Giáo viên huyện Dương Minh Châu trong một buổi dạy trực tuyến (ảnh chụp năm 2021)
Tại Tây Ninh, việc nhận máy tính bảng chia thành hai đợt, tổng cộng gần 1.000 chiếc, trị giá 2.500.000 đồng/chiếc, tất cả đều là máy mới.
Ngoài số liệu trên, ngành Giáo dục phối hợp với Tỉnh đoàn, Mặt trận TQVN tỉnh trao tặng 128 bộ điện thoại, sim; phối hợp với Tập đoàn FPT trao tặng 484 thiết bị học trực tuyến, 50 bộ máy tính đã qua sử dụng trang bị phòng tin học; phối hợp Viettel Tây Ninh tặng 2.000 sim điện thoại có gói truy cập mạng; phối hợp Sở TT&TT lập danh sách trao tặng 15 máy tính cho học sinh THPT.
Tập đoàn viễn thông VNPT hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh 2.151 máy tính bảng và sim Vinaphone 4G. Kinh phí đã nhận hỗ trợ (quy đổi ra số lượng máy tính bảng) là 11.520.169.855 đồng từ nguồn quyên góp, ủng hộ do Công đoàn ngành Giáo dục Tây Ninh và Sở GD&ĐT phối hợp phát động.
Việt Đông