Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 27-5, 126 người di cư đến từ vùng tiểu Xa-ha-ra đã được lực lượng an ninh Tuy-ni-di giải cứu khi họ đang từ Li-bi vượt Ðịa Trung Hải tới châu Âu. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ cho biết, một số ngư dân đánh bắt trên biển đã thông báo với giới chức Tuy-ni-di về sự xuất hiện một chiếc tàu sắp đắm ở ngoài khơi thành phố duyên hải thuộc miền nam nước này.
Cứu người di cư trên Ðịa Trung Hải. Ảnh ROI-TƠ
* Trước đó, hơn 3.400 người di cư đã được giải cứu ở vùng biển ngoài khơi Li-bi, nâng tổng số người được giải cứu trong hơn bốn ngày qua lên khoảng 10 nghìn người.
Riêng ngày 26-5, hơn 1.200 người đã được đưa khỏi các tàu của Li-bi về các thành phố của quốc gia này. Lực lượng bảo vệ bờ biển I-ta-li-a cùng các tàu thương mại đã cứu được 2.200 người và đưa đến I-ta-li-a.
* Lực lượng cứu hộ bờ biển Tây Ban Nha ngày 27-5 cho biết, đã cứu 157 người di cư đi trên năm chiếc tàu nhỏ ở vùng biển phía đông eo biển Gi-bran-ta và ở đảo An-bô-ran nằm giữa Tây Ban Nha và Ma-rốc.
* Theo Tổ chức Di trú của Liên hợp quốc, từ đầu năm đến nay, hơn 60 nghìn người di cư đã đến các bờ biển châu Âu, trong đó hơn 80% đến I-ta-li-a. Số còn lại đến Hy Lạp, Síp và Tây Ban Nha. Có 1.530 người di cư chết trên Ðịa Trung Hải, phần lớn ở các vùng biển giữa Li-bi và đảo Xi-xin của I-ta-li-a. Con số này cao hơn so cùng kỳ năm 2016.
* Ngày 27-5, lãnh đạo các nước châu Phi gồm Ê-ti-ô-pi-a, Kê-ni-a, Ni-giê, Ni-giê-ri-a và Tuy-ni-di có buổi làm việc với lãnh đạo nhóm G7 tại Hội nghị cấp cao G7 diễn ra ở I-ta-li-a về ngăn chặn dòng người di cư.
Các nước châu Phi nêu trên là nơi xuất phát hoặc điểm trung chuyển của hàng trăm nghìn người di cư. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước dự cuộc họp vẫn bất đồng ý kiến khiến Hội nghị không thể ra tuyên bố chung về vấn đề này.
Nguồn Báo Nhân dân