Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhật thực hình khuyên diễn ra nhiều nơi trên thế giới vào sáng và trưa 26/12. Tại Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần.
Ở Việt Nam nhiều bạn trẻ yêu thiên văn chuẩn bị thiết bị quan sát hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập kỷ. Tại TPHCM thời tiết nhiều mây, mặt trời xuất hiện gián đoạn, nhưng hàng trăm người đã tập trung cùng CLB thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) quan sát. Bắt đầu từ khoảng 10h30 sáng, đạt cực đại vào 12h17 phút và kết thúc khoảng 14h. HAAC đã bố trí hai kính viễn vọng có độ phóng đại 60 lần để phục vụ người dân thưởng thức.
Theo Đặng Thái Phúc, thành viên HAAC, nhóm sử dụng màn hứng ảnh bằng vật liệu nhựa PVC chuyên dụng gắn vào kính thiên văn phản xạ để phục vụ nhiều người hơn. Nhựa PVC được cho là giúp người xem quan sát ảnh nhật thực với độ nét và tương phản cao nhất.
Một em nhỏ xem nhật thực ở mức cực đại qua màn hứng ảnh từ kính thiên văn tại TPHCM. Ảnh: Hà An
Tại điểm quan sát Hưng Yên, Doãn Tuấn Dương, Chủ đài thiên văn Phố Yến, Hưng Yên cho biết, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, vì vậy việc quan sát và chụp hiện tượng nhật thực được anh thực hiện bằng kính lọc Hydrogen-alpha với bước sóng siêu hẹp chỉ 7 nanomet. Thiết bị này cho phép chụp được các gợn sóng trên bề mặt mặt trời, còn gọi là chrominance (hạt quang quyển).
Ảnh chụp lúc 12h36 phút, độ che phủ đạt khoảng 30%. Ảnh: Đài thiên văn Phố Hiến, Hưng Yên.
Lúc 12h30 tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam nhìn thấy rõ nhật thực. Khi phát hiện, nhiều người chạy ra tìm chỗ trống đứng quan sát, một số người đi xe máy trên đường dừng lại dùng điện thoại ghi lại khoảnh khắc này.
Sau gần 10 phút mặt trời bị mất một phần thì trở về ban đầu. "Sáng nay tại địa phương trời nắng và đến gần trưa chuyển qua âm u gần một tiếng thì nhật thực xuất hiện", anh Nguyễn Thắng (25 tuổi, Quảng Nam) nói và cho hay từ lúc sinh ra lần đầu nhìn thấy nhật thực. Bằng mắt thường thấy mặt trời bị mất một phần rất rõ ràng.
Tổng hợp hành trình Mặt Trăng đi qua phía trước Mặt Trời từ10h30 tới 14h30 ngày 26/12. Ảnh: Phạm Thanh Sơn và Nguyễn Trần Hạ tại TP Vũng Tàu (Việt Nam).
Trên thế giới, Arab Saudi là quốc gia đầu tiên được chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập niên 2010. Sự kiện bắt đầu từ 9h23 theo giờ Hà Nội dưới dạng nhật thực một phần và xuất hiện dưới dạng nhật thực hình khuyên (đạt cực đại) vào lúc vào lúc 10h34, theo Timeanddate.com.
Sau Arab Saudi, "vòng tròn lửa" lần lượt đi qua Qatar, UAE, Oman, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Singapore, Quần đảo Bắc Mariana và kết thúc tại Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ vào lúc 14h01. Đường đi của nhật thực hình khuyên tạo ra một vành đai rộng 118 km trải dài từ Trung Đông đến phía tây Thái Bình Dương.
Khoảng 1.000 người yêu thiên văn đã tập trung gần con đập Marina Barrage ở Singapore để quan sát nhật thực. Ảnh: Jeremy Long
Nhật thực là hiện tượng thiên văn xảy ra trong kỳ trăng non, khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, khiến Mặt Trời bị che khuất một phần hoặc hoàn toàn khi nhìn từ Trái Đất.
Nhật thực hình khuyên về mặt lý thuyết là một kiểu nhật thực một phần vì nó không che khuất hoàn toàn Mặt Trời, nhưng trên thực tế lại giống nhật thực toàn phần hơn. Khi đó, Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất nằm trên cùng một đường thẳng nhưng do Mặt Trăng nằm xa Trái Đất hơn mọi khi (trên quỹ đạo hình elip), nó không thể che kín Mặt Trời, tạo ra một vành sáng nhỏ có hình chiếc nhẫn.
Nguồn VNE