Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hàng Việt bán sang Trung Quốc: Mừng và thách thức mới
Thứ bảy: 08:57 ngày 11/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngoài việc chịu sự cạnh tranh từ chính những sản phẩm nội địa Trung Quốc, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác.

Sau khi Trung Quốc (TQ) nới lỏng kiểm dịch và mở cửa trở lại, giá cả nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam (VN) đã tăng. Nông dân, doanh nghiệp (DN) đều vui mừng. Tuy vậy, để khai thác hiệu quả thị trường tỉ dân này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thanh long, sầu riêng…tăng giá mạnh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết kể từ ngày 8-1, khi TQ mở cửa biên giới đến nay, xuất khẩu rau quả của VN sang thị trường này đã có nhiều khởi sắc tích cực.

Tránh để bị “tuýt còi”

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động vật, thực vật VN (Văn phòng SPS VN), nhấn mạnh các cơ sở sản xuất của VN cần nắm rõ quy định về việc xuất khẩu nông sản vào thị trường TQ. Đặc biệt, nông dân và các nhà xuất khẩu cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định để tránh việc phía TQ “tuýt còi” sẽ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của VN.

TQ mở cửa trở lại đúng vào dịp tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân nước này tăng mạnh đã góp phần đẩy giá nhiều loại rau quả trong nước. Ví dụ, từ trước tết Dương lịch 2023, giá nhiều loại rau quả tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ. Đến nay giá rau quả vẫn ổn định, đủ để nhà xuất khẩu và nông dân đều có lời.

“Cùng kỳ năm ngoái giá thanh long chỉ dao động khoảng 5.000 đồng/kg thì hiện ở mức 25.000-30.000 đồng/kg, có thời điểm còn lên hơn 40.000 đồng/kg. Tết vừa rồi cả DN và nông dân trồng thanh long đều phấn khởi” - ông Nguyên dẫn chứng.

Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng cũng tăng giá mạnh. Tại một số thời điểm, mức thu mua tại các nhà vườn đứng ở mức 150.000-200.000 đồng/kg, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.

Trước đó, khi việc xuất khẩu sang thị trường TQ gặp nhiều khó khăn do kiểm soát chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19, một số nhà xuất khẩu rau quả đã quyết định chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác. Tuy nhiên, vừa qua trước tín hiệu thuận lợi từ thị trường TQ, những đơn vị này đã quay trở lại thị trường tỉ dân.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Safari, chuyên xuất khẩu thanh long, cho hay: “Chúng tôi mới quay trở lại thị trường TQ được một thời gian ngắn và thấy rằng tình hình khả quan hơn rất nhiều so với trước đó. Các đơn hàng đã có đều, hàng xuất đi đều. Giá cả có lúc lên xuống nhưng nhìn chung vẫn ổn định, nông dân và DN đều có lãi”.

Không chỉ vậy, từ Lạng Sơn, một công ty đang chờ làm thủ tục thông quan để xuất khẩu trái cây sang TQ cũng thông tin: Kể từ khi TQ thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, thủ tục thông quan hàng hóa nhanh hơn, đơn giản hơn rất nhiều. Nhờ vậy, chất lượng của các xe hàng trái cây khi giao cho khách hàng còn nguyên độ tươi ngon. Cùng đó, chi phí xuất khẩu cũng giảm, từ đó giảm gánh nặng cho DN.

Cạnh tranh gay gắt với sản phẩm các nước

Nhiều DN dự báo từ tháng 3 hàng loạt mặt hàng nông sản của TQ vào vụ thu hoạch nên có thể giá nhiều mặt hàng nông sản của VN sẽ không còn được cao như hiện tại. Tuy nhiên, các DN nhận định mức giá sẽ không giảm xuống quá sâu mà vẫn giữ ổn định ở mức đủ cho nông dân và DN có lời.

Điều cần chú ý là ngoài khó khăn do phải cạnh tranh từ chính những sản phẩm nội địa TQ, dự báo ngành hàng rau quả của VN xuất khẩu sang thị trường này còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN Đặng Phúc Nguyên lấy ví dụ như trái xoài của ta sẽ phải cạnh tranh mạnh với xoài của Thái Lan, Campuchia; mặt hàng chuối thì chịu sự cạnh tranh với Philippines, Ecuador, Campuchia; sầu riêng phải cạnh tranh với Thái Lan và sắp tới còn phải cạnh tranh với Philippines vì TQ đã ký nghị định thư nhập khẩu chính ngạch sầu riêng của nước này, có hiệu lực từ năm 2023.

Một doanh nghiệp chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc.Ảnh: TÙNG ĐINH

“Tuy nhiên, hàng Việt có lợi thế là vị trí địa lý ở ngay cạnh TQ nên thời gian chuyển hàng nhanh hơn, khi đến nơi vẫn đảm bảo độ tươi ngon” - ông Nguyên nói.

Đại diện Hiệp hội Rau quả VN cũng cho hay trong năm 2022 hàng loạt mặt hàng trái cây, nông sản đã được TQ mở cửa thị trường chính ngạch, từ sầu riêng, chanh leo, chuối, khoai lang, tổ yến… Song ông nhấn mạnh rằng đừng thấy thị trường đã mở cửa, đường đã thông mà chủ quan, lơ là. Thị trường đã mở rồi thì nông dân, DN phải làm sao để giữ được thị trường.

“Muốn giữ được thị trường thì phải cạnh tranh hiệu quả với các nước, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của người tiêu dùng, từ nội dung đến hình thức, từ mẫu mã bao bì đến chất lượng bên trong. Cùng một mặt hàng sầu riêng mà người ta ăn của DN A thấy ngon, ăn của DN B cũng thấy ngon thì sẽ dần tạo nên một thương hiệu quốc gia” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương để hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản sang TQ. Qua đó giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch, hướng tới sản xuất mặt hàng chất lượng cao, đồng thời tranh thủ các cơ hội khi TQ đã mở cửa trở lại.

Thách thức mới cho hàng Việt

Sáng 10-2, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản nhằm thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa VN - Vân Nam (TQ). Tại đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết ngày 8-1, TQ thông báo mở trở lại các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại, trong đó có thương mại nông sản.

“Đây là tin mừng đối với DN hai nước. Sau khi phía bạn mở cửa khẩu, các DN đã kết nối xuất nhập khẩu trở lại. Hiện nay, mỗi ngày các cửa khẩu ở Lào Cai có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy lưu lượng xe bắt đầu tăng lên” - Thứ trưởng Nam nói.

Tuy vậy, Thứ trưởng Nam lưu ý cách đây vài ngày TQ đã khơi thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang TQ sẽ giảm bớt một ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%.

“Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta. Nếu DN của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức mới trong vấn đề xuất khẩu nông sản của VN sang thị trường TQ” - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục