Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lý Thư Phúc, người sáng lập hãng Geely, là cổ đông cá nhân lớn nhất của tập đoàn Daimler sau khi chi 9 tỷ USD mua gần 10% cổ phần.
Daimler khẳng định thông tin trong một bộ tài liệu của hãng và ngay sau đó Bloomberg đưa tin đầu tiên. Tài liệu cho thấy, tỷ phú Lý Thư Phúc, ông chủ kiêm chủ tịch của hãng xe Trung Quốc, nắm giữ số cổ phần thông qua một quỹ đầu tư.
Khoản đầu tư vào hãng mẹ của Mercedes là chiến lược thâm nhập vào thị trường ôtô cao cấp ở châu Âu, đồng thời kết thúc quá trình nhiều tháng trời nghiên cứu và đàm phán.
Lý Thư Phúc, ông chủ của Geely, hiện nắm giữ gần 10% cổ phần tại Daimler. Ảnh: China Daily.
"Cổ phần của Geely ở Daimler có thể thúc đẩy mối hợp tác và giúp họ có thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn, như dòng ôtô chạy điện", Frank Biller, nhà phân tích làm việc với ngân hàng Đức Landesbank Baden-Württemberg nhận xét. "Cùng lúc, việc này mở ra cơ hội vào Trung Quốc đối với Daimler".
Bằng cách tung ra nhiều mẫu SUV thỏa mãn xu hướng mua xe của nhiều khách hàng cùng việc mạnh tay làm mới dòng sản phẩm với thiết kế thể thao hơn, Daimler giành vị trí số một của phân khúc xe sang từ tay BMW. Hãng xe có trụ sở tại Stuttgart coi khoản đầu tư như phiếu bầu của sự tin tưởng, Joerg Howe, đại diện hãng cho biết.
"Lý Thư Phúc là thương gia người Trung Quốc mà Daimler biết rõ. Chúng tôi rất coi trọng ông ấy bởi năng lực và trọng tâm trong những kế hoạch phát triển tương lai", Howe phát biểu. Daimler vốn có chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc. Tập đoàn Đức có mối hợp tác chặt chẽ với đối tác hiện nay là BAIC Motor.
Vài năm trở lại đây, Geely thể hiện rõ tham vọng thâm nhập vào những thị trường ngoài châu Á. Tháng 12/2017, Lý Thư Phúc trở thành cổ đông lớn nhất tại hãng ôtô Thụy Điển Volvo AB, cũng là hãng xe tải lớn thứ hai thế giới, sau thỏa thuận trị giá 3,9 tỷ USD. Năm 2010, ông chủ của Geely lấy lại Volvo Cars từ tay của Ford.
Sau khi sở hữu Volvo, Geely dốc 10 tỷ USD để tái thiết Volvo, đưa thương hiệu xe phổ thông tại châu Âu lên một tầm mới - xe sang. Những nỗ lực ban đầu của Geely cho kết quả tốt khi doanh số Volvo tăng trưởng nhanh ở cả châu Âu, Mỹ và châu Á. Hãng này mở rộng độ phủ bằng cách xuất hiện ở các thị trường tiềm năng. Tại Việt Nam, Volvo có mặt thông qua nhà phân phối Bắc Âu Auto từ năm 2016.
Cuối tháng 5/2017, Geely còn đặt chân vào Đông Nam Á thông qua việc mua lại 49,9% cổ phần của hãng xe Malaysia Proton. Cũng trong thương vụ này, hãng mẹ của Geely, tập đoàn Zhejiang Geely Holding sở hữu 51% cổ phần Lotus, thương hiệu xe thể thao Anh quốc về tay Proton hồi 1996.
Nếu Proton là bàn đạp để Geely vào Đông Nam Á thì Lotus là bước đệm để hãng xe Trung Quốc tiến sâu hơn vào phân khúc xe thể thao. Không lâu sau đó, Geely tiếp tục thâu tóm công ty khởi nghiệp về xe bay Terrafugia tại Mỹ với mức giá không công bố.
Bên cạnh các thương hiệu thế giới, Geely còn muốn đưa xe của chính thương hiệu Trung Quốc ra nước ngoài. Hãng xe điện Lynk&Co thuộc Geely đặt mục tiêu mở cửa hàng đầu tiên tại Berlin, Đức vào nửa cuối 2019. Điều tương tự vào 2020 bằng cửa hàng ở San Francisco, Mỹ. Con số 250.000 xe mỗi năm tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu là đích ngắm của thương hiệu Trung Quốc.
Tính cả sở hữu và cổ phần, hiện Geely có các thương hiệu Geely Auto, Volvo, Lynk & Co, Proton, Lotus, London EV, Yuan Cheng Auto và mới nhất là Daimler, tập đoàn mẹ của các hãng xe nổi tiếng Mercedes, Freightliner, Fuso. Geely đang trên đường định hình tập đoàn ô tô khổng lồ, giống như Volkswagen tại Đức nhưng sở hữu cả Bentley, Porsche, Bugatti, Lamborghini, Audi, Ducati.
Nguồn VNExpress