Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động từ thiện
Thứ bảy: 10:45 ngày 20/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của cá nhân. Dư luận đánh giá, Nghị định đi vào cuộc sống sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, tránh gây thất thoát, lãng phí và chấm dứt tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện trục lợi cá nhân.


Nghị định số 93/2021/NĐ-CP có những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”. 

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hà Đông Trần Sơn Hải:

Thúc đẩy hoạt động từ thiện minh bạch, công khai

Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã tạo tính pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động từ thiện minh bạch, công khai, giúp đỡ đúng người, đúng đối tượng, xây dựng niềm tin trong xã hội, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Theo Nghị định này, cuộc vận động được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra. Thời gian tiếp nhận khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp). Người vận động quyên góp phải thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín Lê Tuấn Dũng:

Quy định kịp thời và cần thiết

Trước những “ồn ào” về hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ thời gian qua, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ra đời là kịp thời, cần thiết để bảo đảm công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Nghị định quy định rõ, khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối trên phương tiện truyền thông.

Người vận động cũng phải gửi nội dung này đến UBND cấp xã nơi cư trú và chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Tiêu:

Yên tâm về nguồn tiền đóng góp từ thiện

Với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của cá nhân trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân tự nguyện đóng góp sẽ yên tâm hơn về nguồn tiền, hiện vật huy động từ người lao động đóng góp.

Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này. Thêm vào đó, các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Đình Hậu:

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”

Có thể thấy, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể để công tác vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời; đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”.

Theo Nghị định này, UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Đặng, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức):

Hoạt động từ thiện sẽ hiệu quả và thực chất hơn

Nghị định số 93/2021/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động từ thiện công khai, minh bạch, rõ ràng. Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng quy định hiện hành, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố được quy định cụ thể, nên Nghị định có hiệu lực tôi hy vọng, hoạt động từ thiện sẽ hiệu quả và thực chất hơn. Đây cũng là mong muốn của những tổ chức, cá nhân làm từ thiện.

Nguồn Hanoimoi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục