Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hạnh phúc giản đơn
Thứ sáu: 19:51 ngày 18/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thật khó để mỗi người chúng ta có thể định nghĩa trọn vẹn như thế nào là hạnh phúc, dù hạnh phúc vẫn luôn ở bên cạnh ta. Đôi khi chẳng cần tìm kiếm ở đâu xa, bởi hạnh phúc chỉ đơn giản từ những điều nhỏ nhặt, bình dị trong cuộc sống, công việc của mỗi người.

Chị em bà Điệp, bà Sen làm việc trong nhà lưới.

Sẻ chia với tấm lòng

Tuổi 71, bà Đặng Thị Hoa, ngụ ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành còn rất khoẻ, luôn vui vẻ và yêu đời. Bà thường cặm cụi ngoài vườn chăm sóc hoa kiểng, bởi không quen việc ở không.

Bà Hoa nhớ như in những ngày gian khổ, một mình vất vả lo toang việc gia đình. Chồng bà Hoa tham gia bộ đội từ năm 1970, sau 10 năm, ông trở về nhà và đã là một thương binh. Bà Hoa lại một mình chăm lo cuộc sống. Từ làm thuê, làm mướn rồi buôn bán, bà không nề hà chuyện gì, miễn có tiền nuôi các con. 

Hơn hai năm nay chính thức “về hưu”, giao việc làm nông lại cho các con, bà Hoa thảnh thơi, có dịp nhìn và thấy nhiều hơn những cảnh đời còn khó khăn, nên bà muốn giúp đỡ. “Lúc khó khăn, có khi nhà tôi không có cơm ăn”- bà Hoa tâm sự. Chính điều này khiến bà thấy thương hơn những hoàn cảnh bất hạnh. 

Sự giúp đỡ của bà Hoa chỉ đơn giản là một chút thực phẩm, một ít tiền chữa bệnh hay lời động viên với người nghèo. Chỉ bấy nhiêu cũng làm bà thấy vui. “Tôi từng trải qua những ngày tháng khó khăn vất vả, nên rất thương người còn nghèo khó, bệnh tật. Mình có khả năng giúp người ta được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có khi chỉ là bữa ăn hay một liều thuốc cũng mừng”. 

Với người phụ nữ nông dân này, hạnh phúc hiện tại là vui cùng con cháu, được nhìn con cháu sum vầy, hoà thuận. Thỉnh thoảng, bà tham gia các nhóm thiện nguyện ở địa phương đi đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Được đi, được thấy và chia sẻ phần nào cùng những mảnh đời còn khó khăn, với bà đó là niềm vui, hạnh phúc lớn lao.

Ông Nam- Bí thư kiêm Trưởng ấp Thạnh Đông (bìa phải) thăm một hộ dân được tặng nhà tình nghĩa quân - dân.

Hạnh phúc giản đơn

Căn nhà khang trang tại ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu là nơi cư ngụ của chị em bà Trương Thị Điệp và Trương Thị Sen cùng một người chị bị bệnh tâm thần. Trải qua hơn 30 năm sống trong cảnh nghèo khó, cuộc sống của chị em bà Điệp giờ đã an nhàn hơn.

Ở tuổi xấp xỉ 70, bà Điệp và em gái mình vẫn ngày ngày tự lao động kiếm sống và tạo niềm vui cho bản thân. Không để mình lạc hậu, các bà tìm hiểu cách lên mạng internet, học hỏi và dựng nhà lưới trồng rau sạch.

Trong khuôn viên nhà lưới rộng 500m2 lúc nào cũng có rau, hoa các loại, lại xen vào mấy mươi gốc táo chờ thu hoạch. Bà Sen nói: “Trồng rau trong nhà lưới đỡ vất vả hơn, không lo mùa mưa hay nắng, mà rau sạch hơn rất nhiều". Thu nhập từ việc trồng rau khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi ngày đủ để chị em bà Điệp sinh sống.

Trong căn nhà của những người phụ nữ ngoài sáu mươi này được trang bị đủ đầy tiện nghi, từ tủ lạnh, máy giặt, đến máy lạnh hay tivi màn hình phẳng. Bà Sen, bà Điệp quan niệm: Trong cuộc sống, vừa phải lao động nhưng cũng biết tạo điều kiện hưởng thụ.

Ngoài những lúc miệt mài với vườn rau, cắt cỏ chăn bò, chiều về, bà Sen dành chút thời gian chăm hoa như là một thú vui riêng, hay mở vài bản nhạc để hát giải trí. Những lúc nông nhàn, hai bà thu vén cùng nhau đi du lịch, thăm thú cảnh đẹp đất nước, thay vì trước đây chỉ biết ngắm nhìn qua tivi. Các bà chia sẻ: “Đi chơi cho biết đó biết đây rồi lại tiếp tục làm việc. Làm nông đơn giản, mỗi ngày có tiền mua đồ ăn là vui, không phải lo tính toán lời lỗ”.

Hạnh phúc của ông bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp

Nhiều năm qua, công tác chăm lo sức khoẻ, tìm hiểu đời sống, tâm tư của người dân trên địa bàn ấp được ông Phạm Hoàng Thành Nam- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Thạnh Đông (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) thực hiện hết sức chu đáo.

Người dân ở ấp Thạnh Đông đa số là đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều năm nay, đồng bào nơi đây đã quen với hình ảnh ông Bí thư kiêm Trưởng ấp thường xuyên đến từng nhà tìm hiểu đời sống, kinh tế của bà con và tìm cách giúp đỡ những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát giữa năm 2021, Thạnh Đông là ấp đầu tiên của xã Thạnh Tân ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Sau đó, số ca nhiễm tăng dần. Thời điểm đó, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, người nào cũng chấp hành lệnh giãn cách, ở yên trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Tổ tình nguyện viên có 30 người cùng ông Nam lo khâu hậu cần lần lượt phải đi cách ly vì tiếp xúc người F0.

Có thời điểm chỉ còn mỗi ông Bí thư kiêm Trưởng ấp chạy lo cho gần 600 hộ dân ở ấp. Ban ngày chạy đôn chạy đáo, buổi tối, ông về Văn phòng ấp ngả lưng dù nhà cách đó chỉ vài trăm mét. “Ở lại văn phòng ngủ, vừa cách ly với gia đình, vừa kịp thời giúp người dân khi cần”- ông Nam nói.

Bà Hoa chăm sóc hoa.

“Mọi người đã nghe mình ở yên trong nhà, thì mình phải làm sao cho người dân no cái bụng”. Nghĩ vậy nên ông Nam không dám nghỉ ngơi. Ông liên hệ mạnh thường quân vận động thức ăn, nhu yếu phẩm, chạy từ chốt chống dịch sang nhà dân.

Lúc đó, với sự vận động của ông Nam, Sư cả chùa Khedol quyết định mở kho chứa thực phẩm để ủng hộ. Rồi hàng tấn thức ăn từ các nơi mang đến. Ông Nam còn vận động mạnh thường quân lấy tiền mua rơm cuộn về phân phát cho những nhà có nuôi trâu, bò.

Nhà nào không còn ai ở nhà, ông đến tận nơi cho gia súc ăn. “Đây là cả gia sản của bà con, đi cách ly về mà không còn thì buồn nào hơn”. Nghĩ vậy, việc gì cần làm ông Nam đều làm hết. Thậm chí, có hộ nghèo đi cách ly không mang theo giấy tờ, khi cần, ông xăng xái vào tận nhà tìm giúp, dù biết rằng, vào đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

“Sau hơn 2 tháng làm việc liên tục, tôi giảm 10kg. Nhiều anh em gặp lại tôi ngỡ ngàng. Nhưng, tôi nghĩ, mình làm công tác xã hội, cái gì lo được cho dân thì lo. Hạnh phúc nhất là khi qua đợt dịch, mọi người vẫn khoẻ mạnh. Hạnh phúc hơn nữa là người dân càng tin tưởng mình, luôn đồng tình ủng hộ mình”- ông Nam chia sẻ.

Vi Xuân - Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục