Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bằng tình yêu thương, sự thông cảm và ý chí quyết tâm, những cặp vợ chồng “không may mắn” vẫn nắm tay nhau không rời. Họ mỉm cười trước nghịch cảnh, nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, cố gắng giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Vợ chồng ông Phan Anh Tuấn đi bán vé số dạo.
Vượt qua nghịch cảnh tìm đến nhau
Thuở nhỏ, ông Phan Anh Tuấn (65 tuổi, quê ở tỉnh Long An) không may bị sốt, đôi chân teo nhỏ khiến việc đi lại, học tập và lao động gặp nhiều khó khăn. Không chịu khuất phục trước số phận, ông Tuấn tập di chuyển bằng xe lăn để đi bán vé số dạo. Năm 2000, một lần tình cờ đi bán vé số ông đã gặp gỡ, bén duyên với bà Võ Thị Thuý Lan (50 tuổi) cũng là người đi bán vé số dạo.
Hoàn cảnh của bà Lan gặp nhiều khó khăn, việc sinh hoạt bị hạn chế do ảnh hưởng của chất độc da cam, nói năng không được lưu loát. Sau một thời gian tìm hiểu, đồng cảm với nhau, năm 2002 ông bà tiến tới hôn nhân. Đến năm 2004, vợ chồng quyết định chuyển lên Tây Ninh sinh sống, ngụ tại ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành.
Cả ông Tuấn và bà Lan đều chưa từng nghĩ đến chuyện lập gia đình, bởi họ mặc cảm trước hoàn cảnh của bản thân. Tuy nhiên, khi hai tâm hồn đồng điệu gặp được nhau, họ thấu hiểu, sẻ chia, cùng nắm tay nhau vượt qua những thử thách của cuộc đời. Sau một thời gian chung sống tại căn nhà cấp 4 của người em ở ấp Năm Trại, vợ chồng ông bà sinh được một người con gái khoẻ mạnh, xinh xắn.
Trên chiếc xe điện ba bánh được địa phương hỗ trợ, mỗi ngày, ông chở bà chạy khắp các tuyến đường thị xã Hoà Thành để bán vé số. Con gái của ông bà (sinh năm 2004) nỗ lực đi làm phục vụ tại một quán ăn uống, thu nhập mỗi tháng 4 triệu đồng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cả gia đình đều hạnh phúc và ngập tràn tiếng cười.
Ông Tuấn cho biết: “Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi sẽ cùng nhau cố gắng, không sợ khó sợ khổ. Miễn mọi người trong gia đình mạnh khoẻ là hạnh phúc lắm, gia đình nhỏ nhưng hạnh phúc to”.
Lấy yêu thương lấp đầy khiếm khuyết
Bà Dương Thị Hờ (sinh năm 1964, ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) từng mặc cảm và tự ti, mất niềm tin vào cuộc sống. Bà Hờ kể, năm 3 tuổi, cơn sốt kéo dài đã khiến bà từ một đứa trẻ hoạt bát, khoẻ mạnh trở thành người khuyết tật với bàn chân trái teo nhỏ, không thể đi lại. Bà cố gắng luyện tập mỗi ngày, lâu dần đã có thể đi chập chững và làm một số việc nhẹ nhàng. Là người khuyết tật, bà Hờ xác định sẽ không lấy chồng, vì không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Tuy nhiên, vào năm 1999, cuộc sống của bà đã thay đổi khi gặp và yêu ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1973), quê ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hùng mồ côi cha mẹ, lên Tây Ninh làm việc tại một thánh thất Cao Đài ở thị xã Trảng Bàng.
Dù quý mến ông Hùng nhưng gia đình bà Hờ lại không đồng ý chuyện tình cảm của hai người, vì lo cả hai đến với nhau sẽ khổ. Sau 4 năm yêu nhau, cùng vượt qua rào cản và mọi gièm pha, họ cưới nhau trong sự chúc phúc của tất cả mọi người. Đến năm 2008, vợ chồng sinh được người con trai Nguyễn Văn Hồng, có thêm động lực để phấn đấu.
Vợ chồng bà Dương Thị Hờ thường xuyên được Hội LHPN xã Trường Đông quan tâm, giúp đỡ
Mỗi ngày, ông Hùng đi bán vé số, bà Hờ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm chờ chồng và con về. Những lúc chân bớt đau nhức, bà tranh thủ trồng thêm vài luống rau cải thiện bữa ăn cho gia đình. Trong ngôi nhà nhỏ ấy luôn đầy ắp tiếng cười, dẫu cuộc sống chạy ăn từng bữa vất vả vô cùng. Vợ chồng ông Hùng cho biết, cả hai đang có một tài sản vô cùng to lớn - đó là cậu con trai học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Cậu bé ngoan, lễ phép, nhiều năm liền đạt học lực khá giỏi.
Bà Vương Thị Thẳng- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Ân nhận xét: “Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình bà Dương Thị Hờ vẫn sống rất hạnh phúc và vui vẻ. Đó chính là tình yêu chân thành xuất phát từ sự đồng cảm và thấu hiểu nhau”.
Nắm tay nhau vượt khó
Ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, nhắc đến chị Đào Thị Hạnh (sinh năm 1981) ai cũng yêu mến và khâm phục một người phụ nữ mạnh mẽ, đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Chị Hạnh kể, chị sinh ra và lớn lên ở thành phố Cần Thơ. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 2001, chị lên Tây Ninh phụ bán hàng cho một quán cà phê ở xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành. Anh Lê Xuân Vĩnh (sinh năm 1978) làm thợ hồ, một lần tình cờ đến quán uống nước đã gặp và cảm mến chị Hạnh. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người tổ chức đám cưới, về chung một nhà. Hằng ngày, anh đi làm thợ hồ, còn chị mở tiệm tạp hoá buôn bán tại nhà. Sau này, anh Vĩnh mua thêm đồ đạc về mở tiệm sửa xe mô tô, thu nhập gia đình ổn định. Hơn 20 năm sống chung, vợ chồng có hai người con, một gái một trai.
Chị Đào Thị Hạnh đồng hành cùng chồng vượt qua bệnh tật
Hạnh phúc tưởng chừng như trọn vẹn thì đến một ngày, biến cố bất ngờ ập tới. Anh Vĩnh bị bệnh tiểu đường, sức khoẻ giảm sút, đôi mắt dần mờ đi, mỗi tháng phải đến bệnh viện chạy thận, lâu ngày việc đi lại gặp khó khăn do đôi chân anh bị tê cứng.
Vậy là mỗi ngày, chị Hạnh phải thức dậy từ rất sớm để chăm sóc, vệ sinh và xoa bóp giúp chồng, sau đó lo việc ăn uống và chở con trai đi học. Kinh tế gia đình cũng ngày càng khó khăn, chỉ trông cậy vào đứa con gái lớn đi làm xí nghiệp, mỗi tháng có hơn 5 triệu đồng.
Chị Hạnh cho biết: “Cuộc sống của tôi giờ chỉ xoay quanh việc chăm sóc chồng bị bệnh, chăm sóc mẹ già và nuôi dạy hai đứa con. Dù thế nào tôi cũng không bỏ chồng con, một ngày là vợ chồng cả đời là tình nghĩa. Bản thân sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho anh đến cuối đời”.
Bà Võ Thị Ngọc Diệu- Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Đông chia sẻ, hoàn cảnh gia đình chị Hạnh rất đáng thương. Chính quyền địa phương đã có những chính sách hỗ trợ theo diện đối tượng được bảo trợ xã hội. Khi có các chương trình, hoạt động giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Hội cũng cố gắng hỗ trợ một phần cho anh chị để giảm bớt gánh nặng của gia đình.
Phương Thảo - Hà Quang