Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hạnh phúc rồi sẽ nở hoa…
Thứ hai: 15:31 ngày 27/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với những người phụ nữ như chị em bà Liên, họ đã vượt qua được bao trắc trở trong cuộc sống để tìm kiếm những hạnh phúc bình dị. Trong hành trình này, họ không hề cô đơn khi có được sự hỗ trợ từ cộng đồng, chính quyền địa phương.

Bốn chị em bà Thu Hồng (bìa phải).

Những người phụ nữ này không may mắn khi sinh ra đã mang dị tật bẩm sinh. Họ luôn mang nỗi tự ti, mặc cảm khi gặp gỡ, tiếp xúc với những người xung quanh. Bà Kim Liên, 56 tuổi, một trong số những người phụ nữ này cho biết: “Chúng tôi được cha mẹ sinh ra với hình hài không nguyên vẹn như người ta. Dẫu sao, chúng tôi cũng cảm thấy diễm phúc khi có mặt trong cuộc đời này. Chúng tôi cần phải cố gắng sống tốt hơn”.

Trong căn nhà nhỏ còn dậy mùi tường sơn mới được chính quyền địa phương xây tặng, chúng tôi gặp bốn chị em gái bà Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ ấp Trà Hiệp, xã Trà Vong, huyện Tân Biên). Người lớn nhất năm nay 57 tuổi, người nhỏ nhất cũng đã ở tuổi 47. Các chị em của bà Liên mỗi người đều có một cái tên rất đẹp như những niềm hy vọng vào cuộc sống.

Theo lời bà Liên, ba của bà từng tham gia kháng chiến. Vì thế, trong số anh chị em của bà có 4 chị em gái và 1 cậu em trai bị di chứng chất độc hoá học. Mọi người sinh ra với những dị tật ở tay, chân; có người thần trí phát triển không bình thường.

Với vẻ ngoài như vậy, tuổi trẻ, thời thanh xuân của mấy chị em bà Liên trôi qua lặng lẽ, đầy mặc cảm. Đôi khi, họ không khỏi thầm oán thán số phận không may; nhưng rồi họ lại cùng động viên nhau vượt qua. Vì hoàn cảnh nghèo khó, việc ăn học của chị em bà Liên không được suôn sẻ. Họ sớm phải đi làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Có người vì sức khoẻ kém, phải trông chờ vào trợ cấp xã hội hay sự hảo tâm của mạnh thường quân.

Bà Nguyễn Thị Bạch Thuỷ, 53 tuổi, em gái của bà Liên cho biết, mỗi ngày bà vẫn cùng chị Thu Hồng (57 tuổi) và cô em gái Mỹ Dung (47 tuổi) dùng xe gắn máy cũ kỹ để đi lặt bông mãng cầu, kiếm tiền sinh sống. Còn bà Kim Liên trước đây làm làm nghề sửa đồ thuê, nay do sức khoẻ không tốt nên bà phải nghỉ làm. Bà Bạch Thuỷ chia sẻ: “Phụ nữ mà, ai lại chẳng muốn mình có hình dáng đẹp đẽ, dễ coi”.

Trong các chị em, trên người bà Thuỷ có nhiều khối u nhất. Một chân của bà còn bị khối bướu to làm chân đi không thẳng. Bà Thuỷ từng được mổ từ thiện loại bỏ bướu một lần vào năm 2013, nhưng đến nay tái lại. Hiện tại, bà chưa có điều kiện để đi phẫu thuật tiếp. Những khối bướu không chỉ hành hạ thân xác mà còn đeo nặng cả tâm hồn bà Thuỷ.

Bà luôn mặc cảm với hình dạng bên ngoài, suốt tháng quanh năm chỉ cặm cụi lo làm thuê làm mướn, chẳng dám quen biết ai. Lúc 40 tuổi, bà cũng có người để ý. Bà nói: “Thấy ổng trẻ hơn mình, nhìn cũng hiền nên tôi chọn ưng để có một tấm chồng”. Việc kết hôn với một người đầy mặc cảm như bà Thuỷ chỉ đơn giản là vậy. Nhưng rồi cuộc sống vợ chồng cũng không vui vẻ như bà hy vọng.

Bà Thuỷ sinh được một đứa con gái, nhưng lại ngờ ngệch, chậm lớn vì chịu di chứng giống mẹ. Năm nay, cô bé đã 14 tuổi nhưng phải nghỉ học vì chậm tiếp thu. Bà Thuỷ cười buồn: “Tôi buồn vì con gái cũng sinh ra với cảnh khổ như mình. Bây giờ với tôi, con gái là niềm vui, niềm an ủi lớn nhất”. Con gái bà Thuỷ tuy ngờ ngệch nhưng ngoan ngoãn, biết nấu cơm, phụ giúp mẹ. Cô bé rất quấn quýt với mẹ sau mỗi buổi đi làm về. Vuốt mái tóc con gái, bà Thuỷ nói: “Con gái tôi cũng bắt đầu xuất hiện cục bướu trên người. Tôi lại chưa có đủ tiền để đưa cháu đi khám và phẫu thuật. Thỉnh thoảng chạm vào khối u, con bé lại kêu đau”.

Trầm lắng hơn một chút, chị Mỹ Dung, em gái bà Liên kể về việc lập gia đình và cô con gái nhỏ 9 tuổi đầu nhưng nặng có 14 ký của mình. Con gái chuẩn bị vào lớp 3 là động lực để chị Mỹ Dung cố gắng mỗi ngày. Chị chia sẻ: “Vì mặc cảm bản thân tôi không nghĩ sẽ lập gia đình. Nhưng vì sự hối thúc của cha mẹ, vì nỗi sợ cô đơn khi về già mà tôi cũng lập gia đình. Khi đó, tôi hy vọng có một gia đình hạnh phúc, nhưng thực tế không được như vậy. Giờ đây, lo cho con gái là mục tiêu để tôi phấn đấu sống mỗi ngày”. 

Không chọn việc kết hôn, kiếm đứa con hủ hỉ như các chị em gái mình, bà Liên sống một mình và chưa bao giờ thấy buồn tủi. Bà luôn suy nghĩ, hạnh phúc gia đình là phận của mỗi người. Bà Liên chọn cuộc sống trường chay thanh đạm cho nhẹ nhàng. Hiện bà thường đến chùa làm công quả, lấy việc được gặp nhiều người là một niềm vui. Cuộc sống bây giờ dẫu còn thiếu thốn nhưng bà Liên thấy thanh thản, vui vẻ.

Trong bốn chị em bà Liên, bà Thu Hồng là người có cuộc sống tốt nhất. Bà Hồng luôn lạc quan khi chia sẻ về cuộc sống hôn nhân của mình qua hơn hai mươi năm. Vợ chồng bà Hồng rất hoà thuận. Bà có một người con trai bị di chứng nhẹ, vẫn minh mẫn, lanh lợi. Hiện tại, con trai của bà đi làm công nhân để phụ giúp gia đình. Bà nói: “Hạnh phúc thì biết bao nhiêu cho đủ, tôi cũng có nhiều mong muốn nhưng hiện tại tôi đã thấy đủ đầy để vui sống rồi”.

Không ai có thể chọn lựa cách mình được sinh ra. Với những người phụ nữ như chị em bà Liên, họ đã vượt qua được bao trắc trở trong cuộc sống  để tìm kiếm những hạnh phúc bình dị. Trong hành trình này, họ không hề cô đơn khi có được sự hỗ trợ từ cộng đồng, chính quyền địa phương. Điều này giúp họ thêm tự tin hơn trong cuộc sống, dẫu hiện tại vẫn còn đầy khó khăn.

VI XUÂN- NGỌC BÍCH

Tin cùng chuyên mục