Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3:
Hạnh phúc từ những điều giản đơn
Thứ bảy: 02:14 ngày 20/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hạnh phúc, đôi khi chỉ là những điều rất giản đơn ở xung quanh mỗi người. Dù bạn ở tuổi nào cũng có thể tìm thấy niềm vui trong sự sẻ chia, niềm yêu thích công việc…

Cô Thuý với niềm vui dạy trẻ mỗi ngày.

Gắn bó nhiều năm với Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Tây Ninh, cô Võ Thị Thuý, 54 tuổi thấy vui và hạnh phúc khi nhìn các em lớn khôn, có nhiều thay đổi tích cực- dù chỉ là những điều nhỏ nhặt.

Cô Thuý cho rằng, mình gắn bó với trung tâm, với các em chính là một cơ duyên. Nơi này cho cô sống lại cảm xúc được làm giáo viên, công việc mà cô rất yêu thích, từng theo đuổi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ dở. Ðến giờ, sau 5 năm, cô Thuý vẫn nhớ như in hình ảnh ngày đầu mình đến lớp với những trăn trở âu lo: “Sao học sinh ở đây khác vậy?”.

Những ngày đầu đến với các em, thấy toàn là những đứa trẻ ngây ngô, nhận thức kém, chậm hiểu, cô cũng rất lúng túng. Nhưng với tình yêu thương, cô không thể rời đi. Bởi, những đứa trẻ thật đáng thương ấy đã không được đủ đầy như những đứa trẻ khác. Cô đã giành tình thương của một người mẹ để dạy dỗ các em. Kiên nhẫn từng chút một, dạy các em về kỹ năng sống, biết lao động, biết viết và ngày một hoà nhập tốt hơn.

“Nhìn những đứa trẻ mỗi ngày lớn khôn, tự đi trên chính đôi chân của mình, dẫu chập choạng cũng làm mình hạnh phúc. Nhiều cháu đã có thể tự kiếm tiền bằng nghề bán vé số, bán hàng online, phụ giúp những việc vặt, chứ không còn chỉ sống nhờ sự chăm sóc của gia đình hay các cô, có em đã lập gia đình, đó là niềm vui lớn nhất của các cô nuôi dạy ở đây”- cô Thuý chia sẻ.

Có 2 em lớn lên, trưởng thành từ sự yêu thương, chăm sóc của các cô ở trung tâm giờ đã nên duyên chồng vợ. Ðó không chỉ là niềm hạnh phúc của các em mà còn là hạnh phúc lớn lao của các cô ở Trung tâm. Và hạnh phúc hơn khi gia đình nhỏ của các em đã đón thêm thành viên mới.

Cô Thuý chia sẻ: “Tôi hạnh phúc với công việc hiện tại, tôi như có thêm những đứa con, nhìn chúng lớn lên, dần hoà nhập với cuộc sống. Chỉ như thế đã thấy cuộc sống này đầy ý nghĩa rồi”.

Anh Phạm Văn Phúc (37 tuổi) là một trường hợp đặc biệt. Hiện anh là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh. Ðể có được hạnh phúc hiện tại, anh trải qua không ít khó khăn, vất vả. Năm 2000, anh Phúc vào trường nuôi dạy trẻ khiếm thị, tiếp xúc với nhiều người cùng hoàn cảnh, được học chữ, học nghề, anh nhận ra xung quanh mình còn rất nhiều điều có ý nghĩa cần phải học, phải biết.

“Tôi nghĩ một người mù như mình cần phải có một cái nghề để sống, không mãi nương nhờ người thân. Và lần đầu tiên làm ra tiền tôi vui lắm, thấy ý nghĩa của cuộc đời”- anh Phúc tâm sự.

Tìm thấy ý nghĩa sống, anh Phúc yêu đời, hoạt bát hơn. Sau đó anh được giới thiệu về làm tại Hội Người mù huyện Tân Biên, rồi về Hội Người mù tỉnh. Bằng sự nỗ lực, cố gắng, mỗi ngày anh Phúc tìm thấy niềm vui trong công việc và đó cũng là động lực để anh vươn lên đạt được những kết quả tích cực ở Hội Người mù.

Với vai trò Chủ tịch Hội Người mù, anh luôn suy nghĩ để chăm lo tốt hơn cho hội viên và những người cùng hoàn cảnh. Hạnh phúc lớn nhất của anh Phúc khi tìm được “nửa kia” của mình, năm 2016, anh lập gia đình, hạnh phúc nhân đôi khi đứa con chào đời.

“Ngày trước tôi chọn cho mình hướng đi là cố gắng vươn lên thay vì cứ mãi buồn lo, suy nghĩ. Bây giờ tôi rất vui với những gì mình đạt được. Mong ước của tôi là làm tốt công việc hiện tại để giúp cho những hội viên, những người có hoàn cảnh giống mình có cuộc sống tốt hơn. Tôi mong giúp họ về tinh thần, vật chất cũng như tiếp thêm niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống”.

Nguyễn Thành Phát (16 tuổi, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Tây Ninh) rất vui và hạnh phúc khi được phát huy sở trường của mình. Phát cho biết, từ nhỏ đã yêu thích văn nghệ, thích múa hát, diễn kịch nhưng vì mắc cỡ mà không dám thể hiện.

Ðến năm học lớp tám, Phát mạnh dạn nhận dàn dựng tiết mục cho lớp tham gia cuộc thi cấp trường và có giải thưởng. Từ đó, em có thêm tự tin để thực hiện ước mơ và phát huy năng khiếu nghệ thuật. Phát tham gia, dàn dựng tiết mục, viết kịch bản tham gia hội thi cấp trường, cấp xã, rồi thi cấp huyện, cả cấp tỉnh.

Phát hào hứng nói: “Ðược thoả sức với đam mê văn nghệ, em như quên hết mệt mỏi. Mỗi một tiết mục, vở kịch em dàn dựng, viết kịch bản để tham gia các hội thi đạt giải là thấy rất vui và hạnh phúc”. Chỉ mới vài năm phát huy năng khiếu, Phát tạo được cho mình một phong cách riêng trong từng tác phẩm. Ðể có được điều này, em luôn chịu khó cập nhật, tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội, sách vở để sáng tác, dàn dựng.

Phát tâm sự: “Ðược làm những điều mình thích, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và là động lực để em phấn đấu học tập tốt”. 9 năm liền Phát là học sinh giỏi.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục