Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hạnh phúc từ những điều giản đơn
Thứ tư: 07:55 ngày 20/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mỗi người, tuỳ vào hoàn cảnh khác nhau, cảm nhận về hạnh phúc cũng khác nhau. Có người, hạnh phúc đến từ nỗ lực khi vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân. Có người, hạnh phúc lại đến từ những điều dung dị, bình thường nhất...

Hạnh phúc khi được làm việc

Đoàn Thanh Trường, 27 tuổi (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) kể rằng, khi chưa tròn một tuổi anh bị cơn sốt dẫn đến bại liệt. Một chân anh đi tập tễnh phải chống nạng, một cánh tay bị yếu, giọng nói cũng không rõ ràng.

Những tưởng cậu bé Trường khi đó sẽ sống cả đời trong cảnh quanh quẩn ở nhà, nhưng năm 2013, Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh được thành lập, Trường là một trong những học viên đầu tiên đến sinh hoạt. Từ đây, cuộc đời cậu bé 16 tuổi dần thay đổi. “Nhiều lần nhìn các anh chị phóng viên đến trung tâm làm việc, tôi thích lắm. Tôi có đam mê quay phim, chụp ảnh từ đó luôn”- Trường chia sẻ.

Anh Đoàn Thanh Trường chăm chỉ làm việc.

Đam mê thì phải thực hiện, cậu bé Trường khi đó bắt đầu tập chụp ảnh, học chỉnh ảnh. Mày mò suốt nửa năm, cậu đã chỉnh được những bức ảnh đầu tiên. Muốn học bài bản và nhanh hơn, Trường xuống Thành phố Hồ Chí Minh tìm trung tâm đăng ký học photoshop nhưng lại bị từ chối vì học vấn không đủ. Trường cũng có thời gian đi bán vé số để kiếm tiền sinh sống.

Nhưng không vì vậy mà anh từ bỏ đam mê. Trường tìm kiếm và tham gia các hội nhóm về làm phim, nhiếp ảnh trên Facebook để học hỏi, ròng rã nửa năm theo chân các anh trong hội để học nghề. Bởi, anh nhận ra rằng phải có một nghề ổn định nuôi thân. Quyết định “hoà nhập” của Trường vấp phải sự nghi ngại từ gia đình. Vậy nên, có khi Trường phải "trốn nhà" để theo các anh học tập kinh nghiệm, có chuyến ra tận miền Trung. “Tôi được các anh trong hội tư vấn và hướng dẫn làm những clip ngắn vì phù hợp với tôi. Nhiếp ảnh thì phải cầm máy, chân đi không vững như tôi sẽ khó làm được”- Trường nói thêm.

Khởi đầu với việc chụp và quay, dựng những đoạn phim ngắn cho các hoạt động của trung tâm để làm công tác truyền thông, dần dà, anh đầu tư dụng cụ để làm việc. “Lúc đầu tôi làm việc chỉ với một chiếc iPhone 6. Sau này, tôi mua được dòng máy cao hơn để ứng dụng được nhiều công nghệ mới. Tôi cũng mua chiếc flycam cũ để làm việc. Tất cả đều mua trả góp, có cái đến giờ góp vẫn chưa xong”- Trường chia sẻ.

Đến giờ, Trường đã có hơn một năm làm việc chính thức với nghề sáng tạo video clip của mình. Anh vẫn nhớ đơn đặt hàng đầu tiên là một video clip ngắn hơn 1 phút, tiền công khoảng 300 ngàn đồng. Hiện nay, mỗi tuần anh làm việc từ 2-3 buổi, tiền công cao nhất cho một video clip đã hơn 1 triệu đồng. Trường vui vẻ khoe: “Tôi làm việc nhiều lúc cũng mệt lắm, nhưng rất vui vì kiếm được tiền trang trải cuộc sống cho bản thân và vợ con mình.

Tôi lại còn được đi nhiều nơi, ngắm cảnh đẹp trong tỉnh mình. Những chuyến đi gần, tôi sẽ mang vợ con cùng đi cho thêm vui”. Trường chia sẻ, anh rất vui, hạnh phúc khi nỗ lực của mình- dù mới là khởi điểm- đã tạo được niềm tin với người thân, khách hàng. Trường cho biết mình vẫn phải cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa. Anh cũng mạnh dạn đặt ra những mục tiêu cho mình trong thời gian tới- điều mà trước đây, vì khiếm khuyết, anh thường không nghĩ tới.

Anh Lê Hữu Tâm trò chuyện cùng con gái.

Cũng từ những nỗ lực không ngừng mà một người khiếm thị như anh Lê Hữu Tâm, 36 tuổi (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) tìm được ước mơ, mục tiêu trong cuộc sống. Là một trong những học viên đầu tiên của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh, anh Tâm được học chữ, học kỹ năng để hoà nhập cuộc sống.

Anh Tâm luôn cho rằng mình may mắn hơn nhiều người khi được đi học. Dẫu vậy, với một người khiếm thị, tìm được việc làm, ổn định cuộc sống không hề dễ dàng. Năm 2013, anh Tâm về lại quê sinh sống sau nhiều năm làm nghề massage tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về quê, anh đối mặt với không ít khó khăn khi “khởi nghiệp”.

“Có những lúc khó khăn, vợ chồng tôi hoang mang lắm vì còn phải lo cho cuộc sống, lo cho các con nữa”- anh Tâm nhớ lại cảm giác hoang mang những ngày đó. Nhưng dẫu khó anh vẫn cố gắng bám trụ với nghề, dần dần công việc đã ổn hơn nhiều. Bây giờ anh có nhà, có nơi làm việc ổn định cho thu nhập mỗi ngày- những thứ vượt xa trí tưởng tượng trước đây của anh khi nghĩ về cuộc đời mình.

Năm 2016, anh Tâm tham gia công tác Hội Người mù thị xã Hoà Thành. Đến năm 2020, anh được bầu làm Chủ tịch Hội. Anh chia sẻ: "Khi đi làm, được tiếp xúc với nhiều người, hiểu hơn về cuộc sống giúp tôi biết xử lý tình huống, biết chia sẻ với nhiều người hơn".

Theo anh, người khiếm thị ít được tiếp xúc với bên ngoài, nhiều người chỉ thu mình trong sự đùm bọc của gia đình nên không có các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Khi tham gia Hội, anh Tâm đã giúp hội viên tiếp xúc với những điều mới mẻ, giúp họ dần thay đổi cuộc sống, tự tin hơn.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Đoàn Thanh Trường.

Hạnh phúc từ những mái nhà

Vài năm trước, Trường chỉ cố gắng học nghề, làm việc để nuôi được bản thân mình, không phải sống phụ thuộc vào ai chứ chưa dám nghĩ đến một gia đình riêng. Rồi duyên đến, anh gặp được cô gái trẻ quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trường chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi không được ủng hộ. Nhưng tôi đã cố gắng để chứng minh bản thân và nhận được sự ủng hộ”.

Chị Phan Thị Hoa về chung sống cùng Trường đến nay hơn 2 năm. Chị chia sẻ niềm hạnh phúc: “Ai cũng muốn mình toàn vẹn, có ai muốn mình thiệt thòi đâu. Tôi không nghĩ ngợi nhiều khi về sống chung với chồng. Và đến nay, tôi luôn hài lòng với cuộc sống của mình. Chồng tôi tuy không như người bình thường nhưng luôn nỗ lực lo cho tôi và con không thiếu thốn gì”.

Hiện tại, cuộc sống vợ chồng Trường tuy vẫn còn bấp bênh và cần thêm nhiều sự nỗ lực nhưng họ luôn hài lòng. Niềm vui trong cuộc sống, tương lai cho con trẻ là động lực để đôi vợ chồng trẻ này cố gắng mỗi ngày.

Vợ chồng chị Trương Thị Kim Ngân, anh Lê Hữu Tâm chuẩn bị bữa cơm chiều.

Căn nhà tình thương với nội thất đơn giản là nơi ở của gia đình anh Lê Hữu Tâm. Căn nhà luôn ấm êm vì chủ nhân có cuộc sống hoà hợp. Chị Trương Thị Kim Ngân- vợ anh Tâm cho biết: “Khi quyết định lập gia đình, tôi cũng muốn tìm người đồng cảnh và anh Tâm là người tôi đã chọn. Hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi sống nhường nhịn nhau, cùng nhau làm việc để chăm lo cho các con”.

Đối với hai người khiếm thị như anh Tâm, chị Ngân, trước đây, lập gia đình là việc không tưởng vì mặc cảm. Nên khi đã lập gia đình, anh chị luôn trân trọng nhau, cùng nhau tạo nên một mái ấm hạnh phúc. Niềm vui của anh chị được tăng thêm khi các con khôn lớn, học hành giỏi giang.

Đó là động lực để anh chị có thêm những ước mơ trong cuộc sống. Chị Ngân chia sẻ niềm vui nhỏ: “Gia đình tôi mong ước có một chuyến đi du lịch cùng nhau. Và vợ chồng tôi đang cố gắng làm việc, tích luỹ để đưa các con cùng đi, thêm gắn kết tình cảm gia đình”.

Ngô Tuyết

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục