Văn hóa - Giải trí   Giới thiệu sách

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hành trình “gieo mầm” văn hoá đọc 

Cập nhật ngày: 09/12/2022 - 00:03

BTN - Với phương châm “Nâng cao hiệu quả phục vụ lưu động cả về số lượng lẫn chất lượng”, các buổi phục vụ sách lưu động luôn được viên chức Thư viện chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn sách, bài trí sách đẹp mắt và lựa chọn vị trí phục vụ thoáng mát để tăng thêm hứng thú đọc sách cho các em.

Các em học sinh Trường THCS Trần Phú, thị xã Hoà Thành đọc sách trong buổi phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, tiện ích của các phương tiện nghe nhìn, cùng với sự nhìn nhận chưa sâu sắc về lợi ích của việc đọc sách, đặc biệt trong giới trẻ khiến văn hoá đọc ngày càng đi... thụt lùi. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã có những chủ trương nhằm củng cố và phát triển văn hoá đọc, như: đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ”, “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, “Phát triển văn hoá đọc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Phục vụ sách lưu động là nhiệm vụ trọng tâm

Nhằm phát triển văn hoá đọc tại địa phương, đồng thời thực hiện có hiệu quả các đề án của Chính phủ, Thư viện tỉnh Tây Ninh luôn tích cực trong hoạt động phục vụ sách, báo lưu động, góp phần mang tri thức đến với bạn đọc. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống thư viện công cộng nhằm đưa văn hoá về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các địa bàn xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Thư viện tỉnh đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do UBND tỉnh ban hành, đồng thời không ngừng củng cố, khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, đáp ứng nhu cầu tham khảo, tra cứu, tìm kiếm thông tin của độc giả.

Với phương châm “Nâng cao hiệu quả phục vụ lưu động cả về số lượng lẫn chất lượng”, các buổi phục vụ sách lưu động luôn được viên chức Thư viện chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn sách, bài trí sách đẹp mắt và lựa chọn vị trí phục vụ thoáng mát để tăng thêm hứng thú đọc sách cho các em. Cụ thể, trong năm qua, Thư viện tỉnh đã phục vụ 61 cuộc đến 61 điểm trường học trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn hàng trăm lượt bạn đọc với hơn hàng ngàn tài liệu được phục vụ.

Ông Bùi Minh Tuấn- Giám đốc Thư viện tỉnh nhấn mạnh: “Công tác phục vụ sách, báo lưu động là một trong những hoạt động trọng tâm trong chương trình công tác của Thư viện tỉnh, nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, giúp các em hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, và thêm yêu quý đất nước mình. Đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, giúp các em có thêm động lực, phấn đấu hơn nữa trong việc học tập để đạt kết quả tốt hơn”.

Bên cạnh việc phục vụ sách báo lưu động, Thư viện tỉnh tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở như: tổ chức các đợt luân chuyển sách cho cơ sở, vận động đóng góp và trao tặng hàng ngàn bản sách cho phòng đọc sách của các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Để làm tốt và có hiệu quả công tác luân chuyển sách, báo xuống cơ sở, cán bộ phục vụ lưu động Thư viện tỉnh nghiên cứu, tham khảo ý kiến và nắm bắt nhu cầu đọc sách của bạn đọc, từ đó kịp thời bổ sung vốn tài liệu cần thiết vào kho lưu động, đồng thời hướng dẫn những kiến thức cơ bản về công tác phục vụ bạn đọc cho cán bộ phụ trách tủ sách. Do đó, công tác phục vụ lưu động phần nào đáp ứng đúng và thoả mãn được nhu cầu đọc sách, báo của bạn đọc ở cơ sở.

Anh Phạm Hữu Cường- viên chức Thư viện tỉnh kiểm duyệt nội dung sách trước khi phục vụ lưu động.

Câu chuyện người “gieo mầm”

“Đối với người viên chức thư viện, hạnh phúc đôi khi rất đơn giản là nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ của các em dõi theo từng trang sách, nhìn đôi bàn tay bé xíu còn lấm bẩn, mân mê từng con chữ… là tất cả những thành viên trong đoàn lại có thêm sức mạnh để tiếp tục đi thêm nhiều nơi.

Trước mỗi cuộc phục vụ lưu động, chúng tôi đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ chọn sách đến khâu trang trí, trưng bày. Chọn sách phải phù hợp lứa tuổi, phù hợp chủ đề, nội dung phải hay và có tính giáo dục cao; trang trí phải đẹp mắt và hấp dẫn người xem”- anh Phạm Hữu Cường, viên chức Thư viện tỉnh, thành viên trong đoàn phục vụ sách lưu động chia sẻ.

Anh Nguyễn Thanh Tú- cán bộ Thư viện tỉnh xúc động kể: “Mỗi nơi chúng tôi qua, không đơn thuần mang đến những cuốn sách cho các em học sinh mà còn nhận lại những câu chuyện cảm động về sự hiếu học và khát khao được thay đổi cuộc đời của các em.

Tôi nhớ mãi cậu bé Trần Văn Côn ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Suốt buổi phục vụ sách lưu động, tôi nhìn thấy ở em sự trân trọng và yêu quý sách. Nhìn cách em nâng niu từng cuốn sách như một món quà quý giá, các thành viên trong đoàn không thể không chạnh lòng”.

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình phục vụ sách lưu động như đội ngũ viên chức trẻ, nhiệt huyết, tận tâm với nghề; sự phối hợp tích cực giữa Thư viện tỉnh với Thư viện các huyện, thị và lực lượng đoàn viên, thanh niên. Vẫn tồn tại nhiều khó khăn như đối tượng phục vụ còn hạn chế, đa phần là học sinh, sinh viên và khó khăn lớn nhất phải kể đến là chưa có xe phục vụ sách lưu động chuyên dụng”.

Anh Nguyễn Thanh Tú- viên chức Thư viện tỉnh đảm nhận nhiệm vụ dẫn chương trình và hoạt náo viên tại mỗi buổi phục vụ sách lưu động.

Tại mỗi buổi phục vụ sách lưu động, học sinh được tham gia các trò chơi vận động, đố vui có thưởng… giúp các em vừa thư giãn, vừa ôn lại những kiến thức đã học. Đây là điểm đổi mới trong công tác phục vụ sách lưu động của Thư viện tỉnh trong những năm qua, góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

 Hoàng Yến