Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Hành trình tìm mộ Anh hùng
Thứ bảy: 12:46 ngày 17/03/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với nghĩa tình đồng đội, chúng tôi lên đường trở lại chiến trường một thời máu lửa, quyết tâm tìm cho được hài cốt của đồng đội năm xưa đem về quê hương, thoả ước nguyện của gia đình và bè bạn. Cuộc hành trình tìm hài cốt liệt sĩ Anh hùng LLVTND Trịnh Duy Hoàng và Anh hùng LLVTND Võ Thị Rậm, là cán bộ, đội viên Trung đội 1, C2311 TNXP Hoàng Lê Kha bắt đầu với ý nghĩa như thế.

Trong cái nắng gay gắt của những ngày giữa tháng 3.2012, Đoàn chúng tôi gồm có: Lê Anh Tòng (Sáu Tòng)- Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh (người chỉ huy C2311 năm xưa), trưởng đoàn; Nguyễn Văn Bính (Tư Bính), Phạm Văn Duyên (Hai Duyên) (cùng đơn vị với liệt sĩ); Trịnh Văn Châu- cháu ruột của liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng và Võ Tường Mát- em ruột liệt sĩ Võ Thị Rậm khởi hành tại Tỉnh đoàn Tây Ninh, đích đến là xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Cả đoàn đứng trong lòng suối ngày xưa

Chiến trường Lộc Ninh với trận thắng vang dội năm xưa hiện nay thuộc ấp 5C, xã Lộc Tấn. Chính quyền xã nhiệt tình cử cán bộ hướng dẫn cho đoàn chúng tôi tìm về nơi một thời khói lửa, với địa danh đi vào lịch sử: “Rừng cấm làng 5”. Đường lên đồi Rừng cấm đỏ tươi màu đất bazan, sau giải phóng người dân về đây lập nghiệp, trên đồi giờ đây đã có người dân sinh sống, họ trồng bắp, trồng cao su, bạch đàn. 46 năm qua đi, dấu tích ngày xưa chỉ còn trong ký ức. Đứng trên ngọn đồi cao nhất, anh Sáu Tòng nhớ lại: Tại đây năm 1966, là nơi đóng quân của Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9. Cách đó khoảng 1.000m về hướng Đông là căn cứ của đơn vị C2311 TNXP Hoàng Lê Kha, gần suối Đá lớn. Khu vực đồi Rừng cấm làng 5 này có 3 ngọn đồi liền nhau, nơi cao nhất khoảng 250m so với mặt biển, toàn khu vực rộng khoảng 40 ha, rừng cây che phủ không thấy ánh mặt trời, dưới chân đồi có cụm rừng dầu, bao bọc chung quanh rừng cấm là những ngọn đồi trồng cao su bạt ngàn (cao su do người Pháp trồng).

Buổi tìm kiếm đầu tiên, đoàn có sự tham gia của anh Nguyễn Đăng Thiều- Trưởng ấp 5C. Dưới sự hướng dẫn của anh Thiều, chúng tôi đi quanh chân đồi, dọc khe suối, tìm cây bằng lăng ngày xưa. Suối mùa này cạn khô, cây cầu tạm ngày nào giờ được thay bằng cầu ván. Anh Tư Bính phát hiện: Đây chính là nơi anh chuyển thương binh, tử sĩ từ mặt trận về tuyến sau rất nhiều lần, những khi qua cầu rất khó khăn vì là cầu khỉ, đường trơn, bom rơi đạn nổ. Tiếp tục đi theo bờ suối, qua chân ngọn đồi khác, anh Sáu Tòng tìm vùng đất bằng mọc rất nhiều cây dầu, anh Thiều cho biết, láng dầu ngày xưa nay không còn nữa, người dân đã trồng cao su. Anh Sáu Tòng nhớ rõ: Qua láng dầu là đến rừng cao su Pháp, nằm dọc theo lộ 13. Tiểu đoàn 7, đơn vị chủ công của Trung đoàn 3, Sư 9 tập kích bất ngờ đoàn xe công-voa của Mỹ-nguỵ ngay trên lộ 13. Trung đội 1 C2311 TNXP Hoàng Lê Kha, do Trịnh Duy Hoàng- quyền Trung đội trưởng từ căn cứ đơn vị cắt rừng vòng theo chân đồi, qua suối, theo hướng dẫn của trinh sát đến mặt trận. Trung đội 1 của Trịnh Duy Hoàng có nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 7. Trận đánh diễn ra ác liệt, nhanh chóng. Sau giây phút bị động, địch phản công. Từ trên ngọn đồi cao su đối diện, xe tăng, đại bác của địch bất ngờ xuất hiện, bắn trực diện vào tiểu đoàn. Tiếng đạn pháo vang rền mặt trận, cây rừng trúng đạn nằm ngổn ngang, cây cao su Pháp đường kính một vòng tay ôm vẫn không chịu nổi sự tàn phá của bom đạn, chẳng cây nào còn nguyên vẹn. Trung đội 1 TNXP do Trịnh Duy Hoàng chỉ huy vượt qua lửa đạn, chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, khẩn trương chuyển thương binh, quyết không để một tử sĩ nào nằm nơi trận địa, Trịnh Duy Hoàng hy sinh khi trên lưng đang cõng thương binh về tuyến sau, Võ Thị Rậm hy sinh tại mặt trận.

Anh Võ Tường Mát tìm hài cốt liệt sĩ Võ Thị Rậm

Một hộ dân địa phương, gia đình bà Phạm Thị Bông, 71 tuổi, sống trên đồi Rừng cấm từ năm 1968, nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt, nhất là chị Phạm Thị Thảo Sương, con gái bà Bông đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Theo chỉ dẫn của bà Bông, chúng tôi đến chân đồi kề bên, đoàn chia thành 2 toán nhỏ, đi dọc theo con suối tìm cây bằng lăng. Anh Sáu Tòng nhớ rất rõ: Khi trận chiến ác liệt đang diễn ra, Trung đội 1 có 2 người hy sinh là Trịnh Duy Hoàng và Võ Thị Rậm, bị thương 9 người. Đồng đội chuyển thương binh về tuyến sau trước, chuyển tử sĩ về sau, đến chân đồi có 2 cây bằng lăng mọc kề nhau như cùng một gốc, gần bờ suối, Sáu Tòng bảo chôn 2 người gần cây bằng lăng, về hướng mặt trời mọc cho dễ nhớ. Anh Trịnh Duy Hoàng được chôn gần gốc bằng lăng, Võ Thị Rậm được chôn cách khoảng 1m. Bất ngờ, Võ Tường Mát- em ruột chị Võ Thị Rậm phát hiện một nơi giống như anh Sáu Tòng mô tả, có cây bằng lăng nằm gần bờ suối, bên cạnh có 2 mô đất một lớn, một nhỏ, giống như hai ngôi mộ. Cả đoàn đến xem và nhận định: Cây bằng lăng ngày xưa đã bị cưa (dấu tích vẫn còn), cây bằng lăng hiện nay là  chồi của bằng lăng năm xưa mọc lại. Anh Thiều- Trưởng ấp 5C nhận định: Có thể 2 mô đất này do người dân trồng tỉa, phát hiện “điều gì đó” nên đắp đất thành ngôi mộ, vì đã 46 năm trôi qua, nằm ở chân đồi, ngôi mộ cũ phải bị xói mòn chứ không thể nào còn nguyên vẹn. Hy vọng dâng lên trong lòng mỗi người. Thân nhân 2 liệt sĩ van vái, nguyện cầu. Anh Sáu Tòng quyết định khai quật mô đất. Đá sỏi trên mô đất cứng không làm chùn tay cuốc nghĩa tình, 1 tấc… 3 tấc… 5 tấc… có màu đất đỏ, càng xuống sâu càng nhẹ đào vì chỉ là đất lấp, một cái huyệt hiện ra trước mặt mọi người: ngang khoảng 0,5m, dài khoảng 1,6m, có lớp đất đen dày non một gang tay trải dài theo huyệt đất đỏ. Cả đoàn nhận định, đây có thể là hài cốt của anh Trịnh Duy Hoàng đã phân huỷ theo thời gian. Anh Trịnh Văn Châu- cháu Trịnh Duy Hoàng xúc động nghẹn ngào, bốc nắm đất đen cho vào túi ny lon, cột lại cẩn thận. Cả đoàn tiếp tục khai quật mô đất nhỏ thứ hai, dưới mô đất ấy không có gì, đào tiếp mặt đất bằng kế bên, nhát cuốc đầu tiên đã nghe khác lạ. Lần theo những nơi đất mềm, thấy rõ hình dạng cái huyệt thứ hai, huyệt này bề dài ngắn hơn, lớp cuốc đào cạn hơn. Lại có lớp đất đen mỏng trải dài theo huyệt giữa lớp đất đỏ, cả Đoàn nhận định đây có thể là hài cốt của chị Võ Thị Rậm. Anh Võ Tường Mát- em trai chị Rậm nước mắt lưng tròng, vừa vái van người chị quá cố, vừa bốc nắm đất đen cho vào túi ny-lông. Giữa trưa nắng tháng 3 nhưng lòng chúng tôi ấm lại.

Như thế là chuyến đi tìm hài cốt của 2 liệt sĩ Anh hùng LLVTND Trịnh Duy Hoàng và Võ Thị Rậm kết thúc có hậu. Chúng tôi đã thực hiện được ước nguyện của gia đình liệt sĩ, thực hiện tâm nguyện của những đồng chí đồng đội năm xưa, quyết tâm tìm được hài cốt của liệt sĩ để đưa về quê hương, được gần gia đình, bạn bè, được khói hương quanh năm tưởng nhớ. Chúng tôi vô cùng biết ơn chính quyền xã Lộc Tấn, anh Nguyễn Đăng Thiều- Trưởng ấp 5C, nhất là gia đình bà Phạm Thị Bông và chị Phạm Thị Thảo Sương đã quan tâm giúp đỡ, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ, để đoàn chúng tôi toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình.

Việc tìm kiếm chỉ hoàn thành bước đầu, Hội Cựu TNXP Tây Ninh còn phải tiếp tục công việc thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định, đến khi nào hài cốt của 2 liệt sĩ Anh hùng được an táng tại nghĩa trang quê nhà, chúng tôi mới hoàn thành tâm nguyện. Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của chính quyền 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, để thủ tục cải táng liệt sĩ được thuận lợi, xứng đáng với sự hy sinh oanh liệt của những người anh hùng.

Duy Đức

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục