BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hành trình Vovinam trên đất Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 11/02/2019 - 09:37

BTN - Trải qua 80 năm hình thành và phát triển, màu xanh của Vovinam - Việt võ đạo, môn võ cổ truyền tinh hoa của dân tộc đã và đang vươn mình mạnh mẽ ra thế giới, được bạn bè quốc tế đón nhận. Trên đất Tây Ninh, Vovinam cũng đã có bề dày gần 50 năm.

Hai thế hệ Vovinam võ sư Nguyễn Thành Tâm và võ sư Phạm Ái Quốc.

Vovinam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Hà Nội vào năm 1938, trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nòng cốt, đồng thời nghiên cứu tinh hoa các võ phái khác bao gồm võ thuật cổ truyền Việt Nam và một số môn võ trên thế giới, để từ đó cải tiến và hệ thống hoá, sáng tạo nên một môn võ riêng rất đặc trưng và phù hợp với thể trạng của người Việt. Sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, từng lớp các thế hệ học trò của ông và những thế hệ sau từng bước hệ thống, bổ sung lý thuyết võ đạo, bài bản, đòn thế… chung tay góp sức đưa môn phái phát triển như ngày nay.

Người đầu tiên đã có công gầy dựng Vovinam trên đất Tây Ninh là ông Trần Văn Mỹ, sinh năm 1951, hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam. Ông Mỹ sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh theo học Vovinam từ năm 1965, khi mới 14 tuổi. Sau đó, ông Mỹ truyền dạy cho học sinh, thanh niên ở các làng quê của Ðức Hoà, Ðức Huệ (tỉnh Long An) và Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Từ năm 1970, ông Mỹ bắt đầu phát triển Vovinam lên vùng Gò Dầu, Hoà Thành thông qua những lớp võ sinh cốt cán, yêu nghề đầu tiên của mình.

Ông Mỹ chia sẻ: “Vovinam không chỉ dạy con người biết võ mà còn hướng dẫn họ phải làm gì để đem lại lợi ích cho mọi người. Ðạo trong Vovinam rất quan trọng, nó được thể hiện qua lối nghiêm lễ của môn phái, đó là “Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái”. Thể hiện đầy đủ sự kết hợp giữa dũng và đức, giữa sức mạnh với lòng vị tha, sự bao dung”.

Theo ông Mỹ, có thể gọi Vovinam hay Việt võ đạo cũng được. Cách gọi đầy đủ và đúng nhất là Vovinam - Việt võ đạo. Hiện nay, trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển quy mô rộng lớn nhất với nhiều môn sinh, có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới.

Võ sư Lê Minh Trừ - Phó Chủ tịch Hội Vovinam Tây Ninh thực hiện thế song đao pháp.

Từ đó, sự tiếp nối để Vovinam phát triển trên đất Tây Ninh là các học trò của ông như võ sư Nguyễn Thành Tâm, võ sư Lê Minh Trừ.

Tuy là học trò của võ sư Trần Văn Mỹ, nhưng võ sư Nguyễn Thành Tâm cùng tuổi thầy mình. Về Gia Lộc, huyện Trảng Bàng tìm gặp ông trong những ngày cuối năm, tôi ấn tượng khi thấy ông có dáng người săn chắc, quắc thước, bộ râu dài trắng xoá đúng như một lão võ sư tiền bối mà tôi hay hình dung. Ông Tâm cho biết, lớp võ sinh đầu tiên của thầy Mỹ mở tại Gia Lộc có gần 70 học viên, trong đó có 7 người hoàng đai. Sau khi thầy Mỹ phát triển các lớp võ ở Gò Dầu, Hoà Thành, ông Tâm là người thay thầy trực tiếp đứng lớp. Những năm 1973, 1974, Tây Ninh có hơn chục võ đường Vovinam với gần một ngàn võ sinh, trong đó tập trung đông nhất ở các xã An Hoà, Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng của huyện Trảng Bàng.

Sau giải phóng, phong trào học Vovinam lắng xuống. Ông Tâm luôn trăn trở, đau đáu với nghề. Vượt lên khó khăn của cuộc sống, ngày 15.3.1987, ông Tâm đã cố gắng thành lập câu lạc bộ Vovinam đầu tiên tại Trảng Bàng với gần 100 võ sinh.

Những năm 1990, các câu lạc bộ Vovinam ở Tây Ninh xuất hiện ngày càng nhiều. Võ sư Nguyễn Thành Tâm đã phát triển các câu lạc bộ ở Trảng Bàng, Bến Cầu, Dương Minh Châu... Có thể xem đây là thời kỳ hoàng kim của Vovinam do võ sư Tâm khởi xướng. Tham gia giải vô địch quốc gia đầu tiên năm 1992, đội tuyển Vovinam Tây Ninh đoạt 1 huy chương đồng. Sau đó, khi dự các giải đấu hằng năm của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực miền Ðông Nam bộ, đội tuyển Vovinam Tây Ninh luôn dẫn đầu với gần trọn bộ huy chương. Năm 1994, giải Vovinam mở rộng miền Ðông Nam bộ tổ chức tại Vũng Tàu, đội quân của thầy Tâm giành đến 27 huy chương vàng, bạc, đồng, vô địch toàn đoàn… Võ sư Nguyễn Thành Tâm bây giờ lớn tuổi không còn mở câu lạc bộ mà chỉ làm trọng tài. Thế hệ học trò của ông tiếp tục duy trì phong trào Vovinam ở Trảng Bàng.

Các đòn chân, bay người kẹp cổ đặc trưng của Vovinam.

Còn võ sư Lê Minh Trừ từ đó đến nay vẫn miệt mài với con đường võ thuật, vừa trau dồi nâng cao chuyên môn, vừa mở rộng phong trào Vovinam ở Gò Dầu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh. Ông là Phó Chủ tịch Hội Vovinam Tây Ninh. Ngoài công việc chuyên môn, ông còn trực tiếp phụ trách 2 câu lạc bộ Vovinam ở Gò Dầu với gần 200 võ sinh.

Tiếp nối sự nghiệp Vovinam của thầy Mỹ, thầy Tâm, võ sư Phạm Ái Quốc, thế hệ thứ ba của Vovinam ở Tây Ninh cũng đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển Vovinam của tỉnh nhà. Võ sư Phạm Ái Quốc là hồng đai nhất, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Vovinam Tây Ninh.

Tháng 6.2012, đội tuyển trẻ Vovinam Tây Ninh chính thức được thành lập. Võ sư Ái Quốc được giao nhiệm vụ huấn luyện. Hằng năm, đội tuyển trẻ đều tham gia các giải vô địch trẻ toàn quốc, giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc, giải cụm miền Ðông Nam bộ... Năm 2018, giải vô địch Vovinam cụm miền Ðông Nam bộ diễn ra tại Tây Ninh, các võ sĩ chủ nhà Tây Ninh đã giành 6 HCV, 9 HCB, 7 HCÐ, đạt hạng Ba toàn đoàn.

Trong thành tích chung này, thi đấu nổi bật nhất là nữ võ sĩ Nguyễn Thị Huệ My, giành 2 HCV và 1 HCB. Huệ My đã bước vào giảng đường Ðại học Sư phạm khoa Thể dục - thể thao với mong muốn làm giáo viên dạy Vovinam. Tại Ðại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 8.2018 mới diễn ra tại Hà Nội, trong trận đấu đối kháng hạng 57kg nam, võ sĩ Phát Tài của đội tuyển Vovinam Tây Ninh cũng đã đoạt huy chương bạc.

Võ sư Phạm Ái Quốc tâm tư: “So với các môn võ khác, Vovinam ở Tây Ninh vẫn còn mới mẻ. Tôi mong muốn trong thời gian tới, lãnh đạo các cấp quan tâm đưa môn Vovinam vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nhà trường”.

Mặc dù Vovinam đã có trên đất Tây Ninh gần 50 năm nhưng đến đầu năm 2011, Hội Vovinam mới được UBND tỉnh ra quyết định thành lập. Võ sư Lê Minh Trừ cho biết, những năm gần đây, phong trào học võ Vovinam trong tỉnh mới phát triển phủ khắp các huyện, thành phố. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức giải vô địch Vovinam vòng tỉnh.

Năm 2018, Hoà Thành dẫn đầu toàn đoàn tại giải vô địch vòng tỉnh, còn những năm trước đó là Trảng Bàng hoặc Gò Dầu. Hiện nay, Hội Vovinam Tây Ninh đã từng bước được củng cố về nhân sự, lực lượng trọng tài, huấn luyện viên, hướng dẫn viên và lực lượng võ sinh tại các điểm tập. Toàn tỉnh có 23 câu lạc bộ Vovinam với gần 1.500 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có chủ trương phát triển các môn thể thao dân tộc trong nhà trường, trong đó có môn Vovinam, khi đưa môn thể thao này vào chương trình thi đấu chính thức từ Hội khoẻ Phù Ðổng toàn quốc lần thứ VIII-2012. Mong rằng Vovinam sẽ ngày càng phát triển trên đất Tây Ninh, được phổ biến trong hệ thống trường học, góp phần thực hiện theo lời Bác dạy: “Khoẻ để học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

T.L