Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hành vi cho vay lãi nặng và chế tài xử lý
Thứ sáu: 08:16 ngày 27/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Xin hỏi, thế nào là tội cho vay lãi nặng, pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?

Đáp: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (thường gọi là tội cho vay nặng lãi) được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung, sửa đổi 2017). Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được hiểu là trường hợp bên cho vay cho bên vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự (20%/năm).

Tội cho vay lãi nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thoả mãn hai dấu hiệu: lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương 1,67%/tháng, tương đương 0,056%/ngày) và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) quy định:

1- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Người dân có nhu cầu vay tiền nên thận trọng, không nên vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, các tổ chức tài chính núp bóng hoạt động “tín dụng đen” hoặc các cá nhân cho vay với mức lãi suất cao hơn quy định pháp luật... nhằm tránh trường hợp vay dễ nhưng khó trả, khiến nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay đe doạ, khủng bố về tinh thần, tạo áp lực về trả nợ. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng các quy định của pháp luật.

LS. Bùi Thị Hoa Mai

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục